“Lộ” chuyện ngoại tình của vợ chồng Tưởng Giới Thạch

Google News

Tới tận ngày nay, người ta vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện ngoại tình “ông ăn chả, bà ăn nem” của vợ chồng Tưởng Giới Thạch - Tống Mỹ Linh. 


Là cuộc hôn nhân chính trị nổi tiếng bậc nhất trong thế kỷ XX ở Trung Quốc, cuộc sống vợ chồng giữa Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh không hề êm ả, hạnh phúc như nhiều người vẫn tưởng.

Là một người đàn ông, lại có quyền lực, Tưởng Giới Thạch đương nhiên không thể thiếu những chuyện trăng hoa, những người phụ nữ bí mật. Tuy nhiên, cô tiểu thư họ Tống cũng không phải tay vừa. Chính vì vậy chẳng có gì là lạ khi cho tới tận ngày nay, người ta vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện “ông ăn chả, bà ăn nem” của nhà vị Tổng thống họ Tưởng này…

1. Trước khi kết hôn với Tống Mỹ Linh vào năm 1927, khi đó mới 40 tuổi, nhưng thực tế, Tưởng Giới Thạch đã có tới 3 người vợ và 1 đứa con trai. Trong số 3 người vợ này thì người vợ được coi là đẹp đôi nhất và cũng là người được Tưởng Giới Thạch dành nhiều tình cảm nhất chính là Trần Khiết Như. Năm 1919, Tưởng Giới Thạch quen biết Trần Khiết Như qua sự giới thiệu của Trương Tịnh Giang và Tôn Trung Sơn.

Trần Khiết Như là người Tô Châu, gia đình làm nghề buôn bán, là một cô gái vừa xinh đẹp, thông minh lại có văn hóa. Tưởng Giới Thạch đã yêu cô ngay từ cái nhìn đầu tiên, sau đó bắt đầu theo đuổi. Khi đó Khiết Như mới hơn 15 tuổi nên mẹ của Trần Khiết Như không đồng ý sự theo đuổi của Tưởng Giới Thạch đối với con gái mình.

 Vợ chồng Tưởng Giới Thạch, Tống Mỹ Linh. 

Tuy nhiên, với một người không dễ dàng bỏ cuộc như Tưởng Giới Thạch thì càng gian khó, Tưởng lại càng thích "chiến đấu". Không lâu sau khi "bức thư tình đầu tiên" thể hiện tình yêu cháy bỏng với người đẹp được gửi đi cũng là lúc bố của Trần Khiết Như ốm nặng rồi qua đời.

Trong thời gian này, Tưởng đã hết sức chăm sóc và quan tâm tới gia đình của Khiết Như khiến không chỉ người con gái nhỏ tuổi này mà đến ngay cả người mẹ vốn phản đối gay gắt mối quan hệ quá "chênh lệch tuổi tác" cũng phải động lòng. Không lâu sau ngày người cha của Khiết Như qua đời, vào ngày 5/12/1921, tiểu thư họ Trần và Tưởng Giới Thạch chính thức kết hôn.

Sau khi Tưởng Giới Thạch lên làm Hiệu trưởng Trường quân sự Hoàng Phố, Trần Khiết Như được coi là thư ký, thay Tưởng xử lý và bảo lưu thư tín và những tài liệu thông thường khác. Không những vậy, người phụ nữ này còn dốc toàn tâm toàn ý phò tá chồng tham gia cách mạng. Năm 1926, thông qua các thủ đoạn chính trị, Tưởng Giới Thạch đã đoạt được quyền lực chính trị và quân sự của Quốc dân Đảng. Sự thay đổi địa vị và bành trướng tham vọng quyền lực khiến tiêu chuẩn lựa chọn người vợ bên cạnh ông ta cũng đổi thay.

Theo suy nghĩ của Tưởng Giới Thạch khi đó, Trần Khiết Như xuất thân bình thường, không thể trợ giúp cho con đường thăng tiến của mình trong tương lai. Đặc biệt, sau khi quen biết Tống Mỹ Linh, Tưởng Giới Thạch đã bàn tính với Khiết Như để cô du học tại Mỹ nhằm nâng cao tầm hiểu biết, phò giúp chồng trong công việc sau này.

Nhưng sau khi Khiết Như ra đi, Tưởng Giới Thạch đăng một thông cáo trên báo, rũ bỏ toàn bộ quan hệ với những người vợ trước của mình, bao gồm cả Trần Khiết Như. Ngày 1/12/1927, Tưởng Giới Thạch kết hôn với Tống Mỹ Linh.

Vào năm 1941, sau hơn chục năm lưu lạc trên đất khách, Trần Khiết Như đã quay trở về Trung Quốc với tấm bằng thạc sỹ trong tay. Sau khi biết được thông tin người cũ trở về, Tưởng Giới Thạch lập tức cử người đưa Khiết Như về Trùng Khánh.

Mặc dù là vợ trước nhưng so bì tuổi tác, Trần Khiết Như khi đó còn kém Tống Mỹ Linh tới 10 tuổi. Một người có tuổi trẻ, sắc đẹp và học thức rộng một lần nữa lại làm xao động trái tim vốn đã thích loạn nhịp của Tưởng Giới Thạch.

Và vị tổng thống quyền lực của Quốc dân đảng đã nhanh chóng nối lại quan hệ với người cũ một cách bí mật sau lưng bà xã hiện tại Tống Mỹ Linh.

Sau khi biết chuyện trăng gió của chồng, giữa Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch đã xảy ra những cuộc cãi vã lớn. Đỉnh điểm của những lần xung đột này đã khiến Mỹ Linh vì quá ức chế và uất hận mà bỏ nhà đi Mỹ gần 1 năm.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Tưởng Giới Thạch và Trần Khiết Như cũng không thể kéo dài. Sau khi Tống Mỹ Linh đi Mỹ để "khuất mắt ông chồng trăng gió", Tưởng Giới Thạch lại càng có nhiều thời gian và cơ hội để đi tìm những người tình mới.

Trong khi vẫn tay trong tay với người vợ cũ Trần Khiết Như, Tưởng Giới Thạch lại bị tiếng sét ái tình với một người con gái khác đánh trúng, lần này là Trần Dĩnh - cháu gái của Trần Lập Phu, một nhân vật có máu mặt của Quốc dân đảng lúc bấy giờ.

2. Chuyện kể rằng, vào một ngày năm 1946, sau khi cuộc chiến tranh chống Nhật kết thúc, Tưởng Giới Thạch cùng Đới Lạp - vệ sĩ của mình - tới nhà Trần Lập Phu chơi. Khi tới nhà Trần Lập Phu, hai người gặp một cô gái xinh đẹp bước ra rót trà. Khi Tưởng Giới Thạch nhìn thấy cô gái đẹp như vậy xuất hiện trước mặt mình thì không khỏi cảm thấy xốn xang, vì vậy mới buột miệng hỏi cô gái này là ai.

Trần Lập Phu nói: “Đây là cháu gái của tôi, tên là Trần Dĩnh, vừa du học từ Mỹ trở về”. Tưởng Giới Thạch nghe xong, vừa uống trà vừa trầm mặc suy nghĩ. Một cách vô thức, vị tổng thống họ Tưởng dùng ngón tay viết một chữ “Dĩnh” lên bàn uống nước.

Tuy Trần Lập Phu không để ý nhưng Đới Lạp ngồi bên cạnh đã để ý thấy tâm trạng của chủ nhân mình. Để lấy lòng chủ nhân, Đới Lạp đã đề nghị tiến cử Trần Dĩnh làm thư ký tiếng Anh cho Tưởng Giới Thạch.

Khi đó, Trần Lập Phu vừa bị thất sủng, vuột mất quyền chỉ huy Cục Trung thống (một cơ quan tình báo, nay là Cục điều tra), vì vậy đang rất muốn lấy lòng Tưởng Giới Thạch. Vì vậy, vừa nghe Đới Lạp nói đã vội vàng hạ cốc trà đang uống dở, vội vàng đồng ý. Nhờ vậy, cô cháu gái của Trần Lập Phu trở thành thư ký riêng của Tưởng Giới Thạch.

Trên thực tế, Tưởng Giới Thạch nào có thiếu một cô thư ký tiếng Anh, mục đích thực sự của Tưởng khi đưa Trần Dĩnh vào phủ của mình chính là muốn trăng hoa với cô tiểu thư họ Trần xinh đẹp này. Người ta nói rằng, khi đó, Tưởng Giới Thạch đã giấu Tống Mỹ Linh để bí mật sống với Trần Dĩnh, hưởng thụ những ngày tháng ân ái mặn nồng.

Tuy nhiên, Tưởng Giới Thạch đâu thể ngờ rằng, chuyện trăng gió của mình nhanh chóng đến tai Tống Mỹ Linh. Trên thực tế, lúc bấy giờ, Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh đã không còn thường xuyên ở bên nhau, hai người chỉ thi thoảng mới cùng nhau xuất hiện tại một số lễ nghi quan trọng của Quốc dân đảng.

Chính vì vậy, với chuyện trăng hoa vụng trộm của Tưởng Giới Thạch với Trần Dĩnh, Tống Mỹ Linh hoàn toàn không hề hay biết gì. Tuy nhiên, Tống Ái Linh - cô chị cả trong số ba chị em nhà họ Tống - lại thấy nghi ngờ khi bắt gặp khuôn mặt dương dương đắc ý của Trần Lập Phu.

 Vợ chồng Tưởng Giới Thạch. 

Thông qua hệ thống tình báo của riêng mình, cuối cùng, Tống Ái Linh đã phát hiện ra chuyện trăng hoa của Tưởng Giới Thạch. Sau khi biết chuyện, Tống Ái Linh rất lo lắng. Bởi lẽ, nếu như Trần Dĩnh là con gái một nhà thường dân hay một quan chức thường thường bậc trung thì chuyện đã chẳng có gì.

Trâu già thích gặm cỏ non, ấy là chuyện thường thấy ở những người đàn ông có quyền lực như Tưởng Giới Thạch. Một khi cái mới, cái lạ đã hết thì họ cũng rất nhanh chóng từ bỏ. Tuy nhiên, Trần Dĩnh lại hoàn toàn không phải là một cô gái bình thường. Cô ta từng du học nước ngoài, là người có học thức, lại xuất thân từ nhà họ Trần, nghĩa là thân thế không hề tầm thường.

Thế lực của anh em họ Trần hoàn toàn không thể xem nhẹ, hơn nữa, anh em họ Trần lại luôn có ý thù ghét Khổng Tường Hy - chồng của Tống Ái Linh. Nếu như Trần Lập Phu dùng Trần Dĩnh như con mồi trong âm mưu của mình, thì không chỉ có Tống Mỹ Linh đau khổ mà Khổng Tường Hy chắc chắn cũng sẽ bị thất sủng trong Quốc dân đảng. Càng nghĩ, Tống Ái Linh càng cảm thấy lo lắng.

Từ cách mà Tưởng Giới Thạch rũ bỏ những người vợ trước của ông ta có thể thấy chẳng có việc gì mà Tưởng không dám làm.

Trừ cỏ phải trừ tận gốc, nghĩ vậy, Tống Ái Linh mới đánh điện gọi Tống Mỹ Linh từ Mỹ trở về bên Tưởng Giới Thạch, quan tâm tới chuyện ăn ở của ông ta một chút. Ba ngày sau, Tống Mỹ Linh từ Mỹ về tới nhà họ Khổng, vừa nhìn thấy Tống Ái Linh, Tống Mỹ Linh đã khóc không dứt. Rõ ràng là Tống Mỹ Linh đã biết tất cả mọi chuyện.

Tống Mỹ Linh vừa giận dữ, vừa tủi thân nên bà nói gần như mê sảng. Lúc thì nói muốn bắt quả tang, để cho đôi “gian phu dâm phụ” phải xấu mặt, lúc lại nói muốn ly hôn, không muốn sống cùng một con người bỉ ổi như vậy.

Tống Ái Linh đợi Tống Mỹ Linh khóc xong mới nói với Tống Mỹ Linh bốn việc cần phải lưu ý trong việc giải quyết chuyện này: Thứ nhất, hình ảnh của Tưởng Giới Thạch trong mắt mọi người không chỉ là của cá nhân ông ta, nó còn là tài sản của nhà họ Tống, do vậy buộc phải bảo vệ.

Thứ hai, cuộc hôn nhân với Tưởng Giới Thạch có liên quan tới lợi ích căn bản của hai gia tộc Tống và Khổng, do vậy, dù gặp phải tình cảnh nào đi chăng nữa cũng không thể từ bỏ.

Thứ ba, Trần Dĩnh không phải là con gái thường dân, cũng không phải là hạng phụ nữ rẻ tiền, do vậy chỉ có thể đối xử tốt mới mong đạt được mục đích. Thứ tư, phải giải quyết tận gốc vấn đề, không được để lại hậu họa. Còn việc giải quyết cụ thể như thế nào thì Tống Ái Linh không nói, cũng không cần phải nói. Vì bà tin rằng, Tống Mỹ Linh tự mình biết xử trí.

Tống Mỹ Linh thực sự vô cùng giận dữ với chuyện trăng hoa của Tưởng Giới Thạch, tuy nhiên, những lời mà Tống Ái Linh nói thì hoàn toàn đúng sự thật. Ái ốn không phải là một người phụ nữ tầm thường, Tống Mỹ Linh đã nghĩ ra một cách khiến Tưởng Giới Thạch phải từ bỏ quan hệ với Trần Dĩnh mà mọi chuyện không quá ầm ĩ tới mức mất thể diện cho cả hai người.

Trần Dĩnh sau khi biết rằng chuyện vụng trộm giữa mình và Tưởng Giới Thạch đã bị “bà cả” Tống Mỹ Linh biết được thì rất sợ hãi. Điều Trần Dĩnh lo lắng nhất chính là không thấy Tống Mỹ Linh có bất cứ động tĩnh nào, do vậy không biết Tống Mỹ Linh định xử trí mình ra sao và vào khi nào thì sẽ ra tay.

Cho tới một ngày, Tống Mỹ Linh cho gọi Trần Dĩnh tới phòng của mình, giả vờ như mình hoàn toàn không hề biết gì về mối quan hệ trăng hoa giữa cô và Tưởng Giới Thạch.

Bằng một giọng đầy thân thiết, Tống Mỹ Linh nói với Trần Dĩnh rằng: “Con à, con vẫn còn rất nhỏ, mới chỉ ngoài 20, đang ở độ tuổi sung mãn nhất cuộc đời.

Ta vẫn thường hay than thở rằng, hồng nhan thì bạc mệnh, càng than thở cho những người phụ nữ chúng ta. Vì vậy, chúng ta càng phải trân trọng chính bản thân mình. Con à, đừng nhìn những gì trước mắt mình, phải nghĩ tới tương lai của cả cuộc đời mới được!”.

Những câu nói chân thành của Tống Mỹ Linh đã khiến Trần Dĩnh cảm động. Cô gái trẻ vùi đầu vào lòng Tống Mỹ Linh khóc hu hu, vừa khóc, cô vừa nói: “Con sai rồi, phu nhân. Hãy cho con một con đường thoát”.

Tống Mỹ Linh lúc này mới mở chiếc túi nhỏ của mình lấy ra một tờ chi phiếu đã được ký tên sẵn nói với Trần Dĩnh: “Tiểu Trần, hãy đi Mỹ đi. Đây không phải là nơi con có thể ẩn thân. Đây là tiền riêng của ta, 500 ngàn đô la gửi tại ngân hàng Hoa Kỳ, coi như là một chút tâm ý của ta cho con. Hộ chiếu và vé máy bay của con, ta cũng đã chuẩn bị xong xuôi rồi, sáng mai con có thể đi”.

Sáng sớm ngày hôm sau, Trần Dĩnh âm thầm rời khỏi Trùng Khánh đi Mỹ. Người tình bí mật của Tưởng Giới Thạch như vậy đã bị Tống Mỹ Linh loại bỏ không cần một lời to tiếng. Trần Dĩnh bí mật mất tích khiến Tưởng Giới Thạch vô cùng giận dữ, tuy nhiên không thể làm to chuyện, chỉ còn biết cách về nhà mình trút cơn giận.

Tống Mỹ Linh khi đó mới làm như không biết chuyện gì, hỏi Tưởng Giới Thạch: “Có chuyện gì mà khiến ông tức giận giống như bị người ta cắt thịt da đi vậy?”.

Tưởng Giới Thạch vừa nghe câu hỏi của Tống Mỹ Linh đã biết rằng Tống Mỹ Linh đã biết chuyện, không biết trả lời ra sao. Tống Mỹ Linh mới khuyên Tưởng Giới Thạch: “Ông là người thông minh, chẳng lẽ ông không hiểu cách làm của tôi. Chẳng lẽ ông muốn tôi đem mọi chuyện ra giữa bàn dân thiên hạ để làm xấu mặt một lãnh tụ như ông?”.

Nghe Tống Mỹ Linh nói vậy, Tưởng Giới Thạch nghĩ rằng, có gây chuyện với Tống Mỹ Linh cũng chẳng giải quyết được việc gì. Chuyện trăng hoa của Tưởng Giới Thạch cũng vì vậy mà qua đi trong sự âm thầm, lặng lẽ.

 Tống Mỹ Linh. 

3. Tuy nhiên, trong mối quan hệ của vợ chồng Tưởng Giới Thạch, vị tổng thống họ Tưởng không phải là người duy nhất phạm lỗi trăng hoa. Chính Tống Mỹ Linh cũng đã vướng phải không ít những chuyện phong lưu. Trong đó, có lần, Tưởng Giới Thạch đã tức giận tới mức cầm súng tới thẳng nhà tình địch để bắt quả tang.

Câu chuyện thú vị này được tiết lộ vào năm 1985 trong cuốn sách “Hồi ký của Milk” (Milk Looks Back) của tác giả người Mỹ là Gardner Milk Cowles. Trong cuốn sách này, Cowles nói rằng, vào tháng 10 năm 1946, Tống Mỹ Linh và đặc sứ của Tổng thống Mỹ ở Trung Quốc khi đó là Wendell Lewis Willkie đã có với nhau một cuộc tình vụng trộm lãng mạn nhưng đã bị Tưởng Giới Thạch phát hiện. Vị tổng thống họ Tưởng vô cùng giận dữ đã cầm súng tới tận nhà riêng của Wendell để bắt quả tang.

Trong cuốn sách này, Cowles kể lại chi tiết toàn bộ quá trình diễn ra sự việc như sau: Một buổi tối, Tưởng Giới Thạch tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi những quan chức đến từ nước Mỹ. Sau những lời phát biểu chào mừng, Tưởng Giới Thạch, Tống Mỹ Linh và Wendell trở thành một nhóm.

Tuy nhiên, khoảng một giờ sau đó, khi Cowles cùng những khách khác đang hợp thành một nhóm trò chuyện vui vẻ thì có người tới ghé vào tai nói Wendell đang tìm mình.

Cowles tìm tới chỗ của Wendell, vị đặc sứ Mỹ nói với rằng ông ta và Tống Mỹ Linh sẽ biến mất sau vài phút nữa và Cowles sẽ thay thế vị trí của ông ta tại buổi tiệc, cố gắng hết sức che giấu cho ông ta. Mười phút sau đó, Wendell rời khỏi bữa tiệc.

Chỉ còn lại một mình, Cowles giống như một bức tượng đứng cạnh Tưởng Giới Thạch. Mỗi khi cảm thấy sự chú ý của Tưởng Giới Thạch bắt đầu phân tán, lập tức Cowles lại phải đưa ra một loạt các vấn đề liên quan tới Trung Quốc để gây sự chú ý của vị Tổng thống họ Tưởng.

Cứ như vậy trong vòng một tiếng, bỗng nhiên, Tưởng Giới Thạch cho gọi người cận vệ của mình, ra lệnh chuẩn bị rời khỏi bữa tiệc. Sau đó, Cowles cũng được một cận vệ đưa về nhà họ Tống. Không biết Wendell và Tống Mỹ Linh đi đâu, Cowles bắt đầu lo lắng. Sau bữa tối không lâu thì bỗng nhiên ở nhà khác có tiếng xôn xáo huyên náo.

Cowles chạy ra xem thì thấy Tưởng Giới Thạch vô cùng giận dữ bước vào. Theo sau Tưởng Giới Thạch là ba người cận vệ, mỗi người đều mang theo những khẩu súng trường tự động. Tưởng Giới Thạch cố gắng kìm giữ cơn giận dữ, cúi đầu chào Cowles rồi hỏi: “Wendell đang ở đâu?”.

“Tôi không biết, ông ấy không ở nhà” - Cowles trả lời. “Wendell ở đâu?” - Tưởng Giới Thạch đã mất hẳn sự bình tĩnh ban đầu, hỏi. “Tôi có thể đảm bảo, thưa Ủy viên trưởng. Ông ấy không có ở đây, tôi cũng không biết ông ấy hiện đang ở đâu” - Cowles đáp.

Sau đó, Cowles và những người lính cận vệ theo sau Tưởng Giới Thạch khi Tưởng đi khắp căn nhà. Mỗi phòng, Tưởng Giới Thạch đều xem xét rất kỹ lưỡng, từ gầm giường tới ngăn tủ, không bỏ sót bất cứ ngóc ngách nào. Cuối cùng, dường như cảm thấy sẽ không tìm thấy được gì, Tưởng Giới Thạch và những người cận vệ ra về mà không hề nói một lời từ biệt.

Trong lúc Cowles còn đang lo lắng, tưởng tượng tới cảnh Wendell đứng trước một loạt các tay súng của Tưởng Giới Thạch thì tới bốn giờ sáng đêm hôm đó, Wendell mới trở về với vẻ mặt sung sướng và tự đắc giống như một cậu sinh viên vừa có một đêm hạnh phúc tuyệt đẹp bên cô bạn gái mới quen.

Sau khi kể lại cho người đồng sự của mình nghe về câu chuyện giữa mình và Tống Mỹ Linh, Wendell còn tự hào nói rằng, ông ta đã mời Tống Mỹ Linh về Washington. Sau khi nghe xong tất cả câu chuyện, Cowles nổi giận quát: “Wendell, cậu là một thằng ngốc đáng chết!”.

Cowles đã dùng mọi lý lẽ thuyết phục Wendell rằng, chuyện giữa ông ta và Tống Mỹ Linh là không thể chấp nhận được, dù rằng Tống Mỹ Linh là một người quyến rũ và tình cảm giữa hai người mặn nồng đến thế nào.

Hơn nữa, khi đó, Wendell đang là đặc sứ của tổng thống Mỹ, lại là người dự định ra tranh cử tổng thống trong nhiệm kỳ tới, do vậy càng không thể dính vào chuyện này.

Cowles đã đánh trúng vào điểm yếu nhất của Wendell là sự nghiệp chính trị của ông ta trong tương lai. Chính vì vậy, dù khi đó vô cùng giận dữ và bỏ về phòng nhưng sáng ngày hôm sau, chính Wendell đã đề nghị với Cowles thay mình tới gặp Tống Mỹ Linh và nói với bà rằng bà không thể cùng Wendell trở về nước Mỹ được. Cuộc tình vụng trộm của Tống Mỹ Linh và vị đặc sứ đến từ nước Mỹ cũng vì thế mà nhanh chóng kết thúc.

Cowles từng là tùy viên trong đoàn của đặc sứ Wendell sang thăm Trung Quốc vào năm 1942, hơn nữa, Cowles từng là phóng viên của nhiều tờ báo uy tín, chính vì vậy, câu chuyện mà Cowles kể lại trong hồi ký của mình về cuộc tình vụng trộm của Tống Mỹ Linh và việc cầm súng đến tận nơi đòi bắt quả tang của Tưởng Giới Thạch được nhiều người tin là có thực.

Sau khi cuốn sách của Cowles được dịch ra tiếng Trung vào năm 1986, rất nhiều các tác phẩm về vụ vụng trộm của Tống Mỹ Linh và vụ lùng bắt quả tang của Tưởng Giới Thạch được phóng tác dựa trên hồi ký của Cowles.

Tới nay, nhiều người vẫn không tin rằng câu chuyện của Cowles là sự thực. Có người còn phân tích lịch trình của Wendell để chỉ ra những sơ hở trong câu chuyện của Cowles.

Tuy nhiên, dẫu sao thì, sống với một người chồng có thói trăng hoa như Tưởng Giới Thạch, việc Tống Mỹ Linh có những cuộc tình vụng trộm như trong câu chuyện của Cowles cũng chẳng có gì là lạ, đặc biệt là với một người phụ nữ được giáo dục theo lối Tây hóa như cô tiểu thư họ Tống này.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Vợ chồng Tưởng Giới Thạch
Theo Phunutoday