Đóng góp của ông đối với đất nước không chỉ ở những việc ông đã làm, mà còn là những người học trò mà ông đã dạy dỗ.
Ông tiến sĩ nhường bước thầy học
Trần Đình Phong, tự Uý Khanh, sinh năm Quý Mão (1843) tại làng Yên Mã, xã Thanh Khê, tổng Quỳ Trạch, nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ, Trần Đình Phong là một cậu bé thông minh. Cậu được theo học thầy giáo Bùi Huy Chân, một nhà nho rất thông minh và đức độ. Con đường khoa bảng của ông không mấy thuận lợi.
Qua hai kỳ thi hương, năm Tự Đức thứ 21 (1868) và năm Tự Đức thứ 23 (1870) Trần Đình Phong đều chỉ đỗ tú tài, mặc dù vậy ông không hề nao núng trong việc nấu sử, sôi kinh. Năm Bính Tý (1876), Trần Đình Phong lại lều chõng đi thi và đỗ cử nhân. Ba năm sau, năm Kỷ Mão (1879) ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Việc Trần Đình Phong đỗ tiến sĩ làm các làng trong cả huyện, cả vùng vui mừng. Theo lệ của triều đình, tổng Quỳ Trạch tổ chức rước ông vinh quy bái tổ. Trong hàng người nườm nượp cờ hoa, ông nghè không ngồi kiệu, ngồi xe mà đi bộ, trò chuyện với dân làng. Trần Đình Phong nhìn thấy thầy Bùi Huy Chân đi ở phía sau, ông liền đứng lại đợi đến khi thầy đi đến nơi thì ông nhường bước để thầy học của mình đi lên trước rồi mới bước tiếp theo sau.
|
Ảnh minh họa. |
Lưỡng phủ tri phủ
Trần Đình Phong muốn ở lại địa phương để làm một thầy đồ dạy học, nhưng triều đình vời ra làm quan. Lúc đầu ông được bổ chức biên tu lịch lý tại kinh đô, hàm Hàn lâm sơ thụ. Ít lâu sau, Trần Đình Phong được thăng làm tri phủ Kiến An kiêm lý cả phủ Bình Giang (Hải Dương) nên được gọi là "Lưỡng phủ tri phủ". Đi đâu, làm gì Trần Đình Phong cũng không quên kèm cặp việc dạy học, dạy cho người và để mình cũng học thêm.
Cho nên sau khi ông về nhậm chức một thời gian, với chủ trương khai trí của ông, việc học hành ở hai địa phương Kiến An và Bình Giang được mở mang, trường lớp đua nhau mở các nho sĩ được trọng dụng nhân dân ở các vùng này đều hết sức vui mừng.
Năm Ất Dậu (1885) mẹ mất, Trần Đình Phong về cư tang mẹ và vốn tính không ham công danh, ông ở luôn tại làng để làm công việc dạy học theo ý muốn. Đó cũng là lúc thực dân Pháp đã cơ bản hoàn thành cuộc xâm lược trên toàn cõi Việt Nam. Phong trào Cần Vương cứu quốc dấy lên khắp cả nước, ông liền tham gia cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do Nguyễn Xuân Ôn cầm đầu.
Trần Đình Phong đã động viên con cháu và nhân dân trong vùng tham gia khởi nghĩa. Ông đã nhiều lần đến thôn Cồn Sắt, xã Quần Phương giúp ý kiến với Nguyễn Xuân Ôn và vận động quần chúng che chở, nuôi nấng và giúp vũ khí cho nghĩa quân.
Trần Đình Phong trở thành một trợ thủ đắc lực của phong trào khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn. Trong lúc các công việc đang bộn bề, ông vẫn không quên việc dạy học. Ông nói: "Làm quan mà chẳng giúp ích được gì cho dân thì thà ở nhà làm nghề dạy học còn hơn". Chính vì tiếng tăm và đức độ đó của Trần Đình Ôn mà các bậc thức giả ở nơi xa cũng đã gửi con đến để nhờ ông dạy dỗ. Ông cũng động viên, tạo điều kiện cho con em những gia đình trong vùng theo học mà không nhận ở họ một đồng tiền học phí nào.
Ngoài thời gian dạy học, ông còn lo sưu tầm, khảo cứu về những sự kiện lịch sử, xã hội trong địa phương. Ông nói: "Soạn sách là để làm tài liệu cho các nhà viết sử sau này" và ông đã soạn thảo nhiều tài liệu quý như "Trần tộc thế phả"; "Thanh Khê xã chí"; "Quỳ Trạch đăng khoa lục"...
(Còn nữa...)
Tuấn Đạt