Ngựa sắt thần kỳ của Thánh Gióng
Là người Việt Nam, không ai lại không ấn tượng trước hình ảnh con ngựa sắt thần kỳ trong truyền thuyết về Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương, được ghi chép lại trong nhiều bộ sử.
Theo truyền thuyết này, vào đời Hùng Vương thứ sáu, giặc Ân tràn vào xâm lược nước ta khiến nhà vua rất lo buồn, cho sứ giả đi tìm khắp nơi để cầu kiến người hiền tài ra giúp nước.
Bấy giờ cậu Gióng đã lên ba tuổi mà vẫn chưa biết nói, biết cười. Sứ giả của nhà vua đi kén người tài ra giúp nước, vừa ngang qua nhà thì thốt nhiên Gióng bỗng nói được, nhờ mẹ mời vị sứ giả đến và bảo: “Ngài về tâu với đức vua đúc cho ta con ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt và chiếc nón sắt đem đến cho ta để ta đi đánh giặc Ân”.
Từ hôm đó Gióng lớn nhanh như thổi, ăn uống mấy cũng không no. Ngựa sắt, nón sắt, roi sắt và giáp sắt đã rèn xong, Gióng nhảy lên lưng ngựa. Ngựa hí một tiếng dài, thét ra lửa, lao vút ra trận.
Phá xong giặc Ân, Gióng phi ngựa thẳng đến chân núi Sóc Sơn, ghìm cương, cởi giáp và nón treo lên một cành cây, sau đó cả người lẫn ngựa sắt bay thẳng lên trời...
Ngựa bạch 4 vó có cựa của vua Lê Long Đĩnh
Vào thời phong kiến, các bậc vua chúa thường được cúng tiến những con ngựa có phẩm chất tuyệt vời, hoặc cực kỳ quý hiếm.
Một câu chuyện cúng tiến ngựa như vậy đã được ghi lại trong sách Đại Việt sử ký Tiền Biên: "Năm Đinh Mùi ( 1006 ) Châu Vị Long dâng cho Khai Minh Vương (tước hiệu vua cha Lê Đại Hành phong cho Lê Long Đĩnh trước kia) một con bạch mã bốn vó đều có cựa”.
Bạch mã hay ngựa trắng hay vốn được coi là thứ ngựa dành cho bậc quý tộc, đế vương. Đó là những con ngựa quý hiếm có sắc lông màu trắng như tuyết, mắt đỏ như lửa, dáng vóc cao lớn, chạy nhanh, tính khí ôn hòa, biết mến chủ, bảo vệ chủ, không sợ tiếng gào thét , tiếng rống của voi, tiếng hí của ngựa khác, tiếng va chạm binh khí , tiếng súng…
Ngựa trắng bình thường đã quý như vậy thì ngựa trắng có 4 cựa của vua Lê Long Đĩnh chắc hẳn phải là một con “thần mã”.
Do sử sách không ghi chép cụ thể, nên sự thật về con ngựa lạ này đến bây giờ vẫn là một ẩn số.
Ngựa nê thông của vua Trần Duệ Tông
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, khi tiến đánh thành Đồ Bàn của Chiêm Thành dưới thời Chế Bồng Nga, vua Trần Duệ Tông đã cưỡi một tuấn mã đặc biệt quý hiếm, được gọi là ngựa Nê Thông.
Tên gọi Nê Thông thể hiện màu lông của con ngựa. Cụ thể, “nê” dùng để chỉ ngựa có hai màu lông trắng đen, còn “thông” là ngựa có sắc lông ánh xanh. Đây là hai sắc lông khá hiếm gặp ở các giống ngựa. Đặc biệt, ngựa lông ánh xanh còn được coi là ngựa quý, có phẩm chất rất tốt.
Nê thông là sự kết hợp của cả hai dạng ngựa kể trên, với màu trắng đen có ánh xanh. Những con ngựa như thế này còn hiếm có gấp bội phần.
Vua Trần Duệ Tông luôn chứng tỏ mình là một con người có cá tính, đầy quyết đoán và giỏi trận mạc. Con chiến mã mà ông lựa chọn cho cuộc viễn chinh của mình chắc chắn không phải là một con ngựa tầm thường.
Trớ trêu thay, chính sự cương quyết đã đem lại một kết cục bi thảm cho Trần Duệ Tông ở trận Đồ Bàn. Quân Chiêm đã lập mưu cho người trá hàng nói Chế Bồng Nga đã bỏ trốn và chấp nhận mất thành. Vua Duệ Tông trúng kế, bất chấp mọi lời can ngăn, ra lệnh tiến quân vào thành.
Khi quân Đại Việt tiến đến thì quân Chiêm từ 4 phía đổ ra đánh. Đại quân của vua Duệ Tông vỡ trận, bản thân vua bị giết chết khi chiến đấu trong tuyệt vọng. Con “thần mã” Nê Thông có lẽ cũng chịu chung số phận của nhà vua.
Con ngựa An Tường Ký của vua Minh Mạng
Vào thời nhà Nguyễn, lực lượng ngựa chiến rất được chú trọng củng cố và phát triển. Kinh thành Huế là nơi đã diễn ra nhiều cuộc thao diễn trận ngựa có quy mô hoành tráng, với sự tham gia của hàng trăm đầu ngựa.
Bản thân các vua chúa nhà Nguyễn cũng sở hữu nhiều con chiến mã xuất sắc. Tàu ngựa của vua Minh Mạng có những con ngựa quý, được nhắc đến trong sử nhà Nguyễn với những cái tên như Phúc Thông, Cát Thông, An Tường Ký ,Thần Lương , Phúc Lưu, Cát Lưu , Thiên Mã.
Trong số đó, Vua Minh Mạng đã nhận xét về con An Tường Ký như sau: “Đô thống Phạm Văn Diễn có dâng con ngựa trắng, dù không là giống ngựa tuyệt trần chạy bay như mây, nhưng trẫm cưỡi thấy được yên ổn nên goi nó là An Tường Ký".
Hoàng Phương