Ly kỳ chuyện “Vua Quỷ” lấy nô tỳ làm vợ

Google News

Chuyện cha con vua Lê Hiến Tông, Lê Uy Mục đều lấy nô tỳ làm vợ thật là chuyện lạ hiếm thấy trong lịch sử Việt Nam.

Qua những ghi chép của sách sử, dã sử và truyền miệng dân gian, chúng ta có thể thấy về mặt đời tư, tình duyên và hôn nhân của các đế vương thì chuyện cha con vua Lê Hiến Tông, Lê Uy Mục đều lấy nô tỳ làm vợ thật là chuyện lạ hiếm thấy trong lịch sử Việt Nam.

Người phụ nữ độc chiếm trái tim của “vua Qủy”

Lê Hiến Tông có 6 hoàng tử là Lê Tuân, Lê Tuấn, Lê Thuần, Lê Dung, Lê Trị và Lê Dưỡng; trong số những người con đó, ông đặc biệt yêu quý hoàng tử thứ ba là Lê Thuần vì tính hiếu học, chăm ngoan.

Ngày 17 tháng 2 năm Kỷ Mùi (1499), Lê Hiến Tông ban sắc chỉ cho Thái bảo Sùng Khê hầu Lê Vĩnh, Đô kiểm điểm Cống Xuyên hầu Lê Năng Nhượng:

“Mới rồi nhận được bản tâu của các khanh, lo kế lớn cho tông miếu xã tắc, khẩn thiết xin dựng lập hoàng trừ, Trẫm rất khen ngợi việc đó ...

Hoàng tử thứ ba là Thuần rất ham thích Thi, Thư, dốc lòng hiếu kính, Trẫm đích thân vỗ về dạy bảo, nay đã trưởng thành, Trẫm quyết đoán từ công tâm, cho giữ ngôi Thái tử, thực không phải là bỏ con trưởng lập con thứ, mà là vì thiên hạ chọn người làm vua đó!

Song điện chính Đông cung Trẫm còn đang ở, nên làm cung mới bên cạnh điện và làm sách phong Thái tử, tuyên bố nghi lễ tiết văn, truyền cho Hữu ty chọn ngày cử hành việc đó” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Tháng 5 năm Giáp Tý (1504), Lê Hiến Tông băng hà, Thái tử lên ngôi kế vị trở thành Lê Túc Tông, vị hoàng đế thứ 7 của nhà Hậu Lê với niên hiệu là Thái Trinh.

Tiếc là Lê Túc Tông ở ngôi quá ngắn ngủi, làm vua được 6 tháng thì lâm bệnh mất, thọ 16 tuổi, trong thời gian đó, vị Hoàng đế có tính cách hiền hòa này đã làm được nhiều việc có ích, sách Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét như sau:

“Vua dốc chí hiếu học, thân người hiền, vui điều thiện, xứng đáng là vị vua giỏi giữ cơ nghiệp thái bình, không may mất sớm, tiếc thay!”. Trước khi qua đời, vì không có con để nối dõi nên Lê Túc Tông gọi các triều thần vào để chỉ định đưa người anh thứ 2 là Lê Tuấn lên ngôi vua.

 Miếu thờ và lăng mộ bà Vương phi họ Lê.

Nếu như Lê Hiến Tông lựa chọn người kế thừa xứng đáng bao nhiêu thì Lê Túc Tông lại có một quyết định sai lầm, để rồi từ khi anh của ông là Lê Tuấn (Lê Uy Mục) lên ngôi, vương triều Hậu Lê bắt đầu suy yếu nhanh chóng.

Mặc dù được em chỉ định nối ngôi nhưng hoàng tử Lê Tuấn gặp sự phản đối của bà nội là Huy Gia Thái hoàng thái hậu (vợ Lê Thánh Tông) và một số triều thần vì không tin tưởng giao phó việc nước vào tay một người tư cách đạo đức không tốt.

Một lý do khác đó là Huy Gia Thái hoàng thái hậu cho rằng Lê Tuấn do người mẹ có xuất thân nô tì hèn kém sinh ra, không thể “nối đại thống được”; vì thế bà muốn lập Lã Côi Vương.

Bấy giờ Kính phi Nguyễn (mẹ nuôi của Lê Tuấn) lập kế cùng hoạn quan Nguyễn Nhữ Vi lừa Thái Hoàng Thái hậu ra khỏi cung sau đó đóng chặt các cửa thành lại, gọi triều thần đến tuyên di chiếu của Lê Túc Tông rồi lập Lê Tuấn làm vua. Khi hay tin, Thái Hoàng Thái hậu đành phải chấp nhận sự đã rồi.

Lê Tuấn lên ngôi, lấy niên hiệu là Đoan Khánh (sử thường gọi là Lê Uy Mục). Vì căm giận chuyện cũ, Lê Uy Mục sai người bí mật giết bà nội (tổ mẫu) rồi dâng thụy hiệu là Huy Gia Tĩnh mục Ôn cung Nhu thuận Thái hoàng thái hậu; sau đó vua còn giết những đại thần từng phản đối không muốn đưa mình lên ngôi, như Nguyễn Quang Bật, Đàm Văn Lễ…

Trong thời gian 5 năm làm vua (1505-1509), Lê Uy Mục trở thành một hôn quân bạo chúa, tàn bạo và hoang dâm, chủ trương giết hại từ tôn thất gồm 26 thân vương là các chú và anh em, rồi đến nô tì người Chiêm trong các điền trang của các thế gia, công thần cũng không toàn mạng sống; bề tôi có công tôn lập là hoạn quan Nguyễn Nhữ Vi về sau cũng bị giết.

Sử chép rằng đêm nào Lê Uy Mục cũng cùng với cung nhân uống rượu, rồi đến khi say thì giết đi. Phó sứ thần nhà Minh là Hứa Thiên Tích khi sang nước ta, trông tướng mạo của vua đã làm thơ gọi Lê Uy Mục là vua quỷ (Quỷ vương):

“An nam tứ bách vận vưu trường/Thiên ý như hà giáng quỷ vương?” (Nghĩa là: Vận An Nam còn dài bốn trăm năm/ Ý trời sao lại sinh ra vua quỷ?). Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết:

“Vua thích uống rượu, hay giết người, hiếu sắc, làm oai, giết hại người tôn thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại chuyên quyền, trăm họ oán giận, người đời gọi là Qủy vương, điềm loạn hiện ra từ đấy”.

Hoang dâm tàn ác, đến những người hầu hạ ở nội cung, đầu gối tay ấp đêm đêm với vua còn bị giết nhưng cũng có người lại được Lê Uy Mục đặc biệt yêu mến. Ngoài Hoàng hậu Trần Thị Xuân Tùng và em gái bà là Thái phi Trần Thị Xuân Trúc, vua sủng ái nhất hậu phi họ Lê (không rõ tên), có tư liệu nói bà tên là Lê Thị Thanh, quê ở xã Sa Lung, châu Minh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị).

Điều trùng hợp lạ lùng là người phụ nữ đó vốn cũng là một nô tì và việc hai người gặp gỡ cũng rất tình cờ, sách Đại Việt thông sử cho biết như sau: “Bà phi họ Lê, người xã Sa Lung, châu Minh Linh. Nhân vì gia đình mắc tội, bị sung làm nô tì của nhà nước.

Khi vua Uy Mục còn ở tiềm để (nơi ở của hoàng tử- TG), theo học quan vương phó (thầy dạy hoàng tử), bà cũng đến đó học chữ, vua trông thấy, đem lòng yêu. Khi lên ngôi vua liền đón bà vào cung. Bà hầu như độc chiếm tình yêu của vua; được sách phong làm phi”.

Sách Đại Việt thông sử không cho biết nhiều thông tin về nữ nô tì xinh đẹp, thông minh trở thành vợ vua như thế nào, gia thế ra sao mà chỉ chép rằng sau khi Lê Uy Mục bị giết, Vũ Tá hầu Phùng Mại đã cưỡng ép bà vào cung để hầu hạ vua Lê Tương Dực.

Còn theo truyền tụng tại quê hương bà và kết quả nghiên cứu, thu thập tài liệu của Trung tâm Bảo tồn Di tích-Danh thắng tỉnh Quảng Trị từ năm 1995 đến 2009 thì bà phi họ Lê người làng Sa Lung, châu Minh Linh (tức làng Sa Trung, xã Vĩnh Long, Vĩnh Linh, Quảng Trị ngày nay) nhưng quê gốc ở huyện Nam Trực (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay), đời cha của bà đã di cư đến đó sinh sống sau cuộc Nam chinh của Lê Thánh Tông.

Bố mẹ qua đời để lại các con thơ dại, cậu ruột là Lê Quang Phú đã đem ba anh em bà về trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.

Ông Lê Quang Phú còn có tên Lê Đại Lang chính là một trong 5 vị tiền hiền thủy tổ các họ Lê Đa, Lê Văn, Lê Phước, Võ, Hồ; được coi là có công khai lập ra làng Sa Lung vào cuối thế kỷ XV và tên làng cũng được lấy theo quê cũ của họ là làng Sa Lung, tổng Sa Lung (nay thuộc huyện Nam Trực, Nam Định).

Khác với những gì ghi trong sách Đại Việt thông sử, truyền tụng tại địa phương cho biết bà phi họ Lê không phải vì gia đình mắc tội mà bị bắt làm nô tì mà là trước khi đi khai khẩn vùng đất mới ở Minh Linh (Quảng Trị ngày nay), người cậu đã gửi bà vào cung phủ để làm người hầu hạ.

Ngoài ra, trong bộ sách “Ô Châu cận lục” do Thượng thư triều Mạc là Dương Văn An hoàn thành năm Qúy Sửu (1553), nội dung ghi chép về địa lý, địa danh, phong tục, con người ở vùng đất Ô Châu (ngày nay là địa phận các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) cũng có phần nhắc đến bà phi họ Lê.

Tại quyển 6 nói về các nhân vật địa phương, phi tần, thân vương, quan lại, khoa mục, công thần, sư tăng, nội quan, phụ nữ tiết hạnh...; có đoạn viết: “Bà phi họ Lê. Bà quê xã Sa Lung, châu Minh Linh, vốn là con gái vào hầu hạ trong cung.

Lúc Mẫn Lệ Vương (tức vua Lê Uy Mục) còn ở tiềm đế và đang theo học với vị vương phó, bà cũng đến học tập ở đây. Vương thấy bà lấy làm vừa ý, hai bên trở nên quyến luyến nhau. Một hôm, Vương dùng chân khèo chân bà, khi về bà đem chuyện ấy kể lại với sư mẫu, sư mẫu nói rằng:

“Vậy là Vương thử lòng con, sau này nếu con thấy Vương làm như thế thì dùng hai tay che chân của Vương lại để tỏ ý thân”. Hôm sau, bà làm đúng như kế của sư mẫu đã bày, Vương rất vừa lòng, từ đó về sau không cố ý chọc ghẹo nữa.

Riêng bà cũng giữ kín mối tình đẹp chẳng hề lộ ra. Đến khi Vương lên ngôi, bà được tuyển vào hậu cung. Vốn là người thông minh nên bà được yêu chuộng hơn cả, vì vậy bà được thăng lên làm hàng phi”.

Thế là nhờ có nhan sắc, lại thêm đức tính cần mẫn, siêng năng, thông minh, hoạt bát nên từ một người hầu, bà được Lê Uy Mục đưa vào hậu cung phong làm Vương phi.

Cũng từ mối quan hệ đó mà người anh trai và người em trai của bà là được ban tước hiệu, được triều đình giao trọng trách tiếp tục khai phá thêm đất hoang, chiêu mộ dân chúng, lập ấp dựng làng tại nhiều nơi từ vùng Sen Thủy (tỉnh Quảng Bình hiện nay) cho đến vùng Hạ Bạn (nay thuộc huyện Gio Linh, Quảng Trị).

Sách "Ô châu cận lục" cho hay anh trai bà vương phi là Lê Viết Đáo còn gọi là ông Phủ được phong là Hiệu lệnh xá nhân tư mã chỉ huy sứ, sau làm Cai tri bản châu Minh Linh, nhờ lập công lớn nên còn được phong tước Tấn Trung tử.

Người em trai (không rõ tên) được phong là Kinh lược sứ, một chức quan đại diện cho nhà vua đi thi hành một sứ mệnh cụ thể và nhất thời, ở đây nhiệm vụ chính của ông là lo việc khẩn hoang, lập làng mới.

Tháng 12 năm Kỷ Tị (1509) Lê Uy Mục bị truất ngôi và giáng xuống làm Mẫn Lệ Vương, sau đó bị giết nên đời sau thường gọi cho bà Vương phi họ Lê là Mẫn Lệ phi hoặc Lê phi.

Sau khi bà mất, người dân nhớ ơn bà và anh, em trai là những người có công trong việc mở mang xóm làng nên đã lập đền thờ ở một số nơi nhưng trải bao biến động tất cả đều bị phá hủy, riêng ngôi miếu chính thờ bà thì vẫn được giữ gìn cho đến tận ngày nay.

Miếu được dựng tại khu vực Lòi Xó Rọ thuộc làng Sa Long (hay Sa Trung, Sa Lung của huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) được gọi bằng nhiều tên khác nhau như miếu Bà, miếu bà Vương phi họ Lê, miếu bà Chúa, miếu bà Mẫn Lệ phi, Nghè bà Chúa, miếu bà Chúa Dậm,… và thú vị nhất là tên gọi miếu bà chúa Râm với ý coi bà chúa như một cây đại thụ toả bóng râm mát, che chở cho dân chúng.

Các triều đại đều có sắc phong, vật tặng cho bà chúa tại miếu thờ như mũ cửu phụng gắn rồng vàng, áo bào gắn mặt rồng vàng và nhất là một vỏ trấu màu đen- kỷ vật vô giá dành cho một vương phi có công lớn với dân.

Hàng năm mọi người khắp các làng quanh vùng, gần như xóm Cát (thôn Huỳnh Công, xã Vĩnh Tú), thôn Quyết Thắng (xã Vĩnh Trung), thôn Thượng Lập (xã Vĩnh Long), thôn Bàu Dầm (xã Vĩnh Thủy) cho đến vùng xa như thôn Cổ Kiềng, Roong Ré (xã Vĩnh Khê), xã Vĩnh Chấp và Sen Thủy (Quảng Bình) đều đều tổ chức tế lễ vương phi họ Lê tại miếu Bà vào ngày 27/3 (âm lịch) với câu ca lưu truyền:

“Đi đâu cũng nhớ tháng Ba/Hai bảy giỗ bà, tảo mộ vui xuân/ Các nơi nô nức xa, gần/Vĩnh Trung, Vĩnh Thuỷ, Quảng Bình về đây...”.

Đó cũng như lời nhắc nhở của tiền nhân cho hậu thế phải biết ghi nhớ, trân trọng và yêu quý, gìn giữ từng tấc đất mà cha ông ta đã đổ mồ hôi, xương máu để khai phá vùng đất mới, mở rộng cương thổ cho đời đời cháu con.

Qua những ghi chép của sách sử, dã sử và truyền miệng dân gian, chúng ta có thể thấy về mặt đời tư, tình duyên và hôn nhân của các đế vương thì chuyện cha con vua Lê Hiến Tông, Lê Uy Mục đều lấy nô tỳ làm vợ thật là chuyện lạ hiếm thấy trong lịch sử Việt Nam.

TIN BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Phunutoday