Mùi thơm bí ẩn của xác ướp phu quân Đoàn Thị Điểm

Google News

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, việc phát hiện các xác ướp cổ và nhục thân các thiền sư cho thấy nét độc đáo của nghệ thuật ướp xác của người Việt.

Các xác ướp cổ có một vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển nền văn hóa của nhân loại, bởi chúng thể hiện trình độ phát triển của một nền văn minh, cũng như chứa đựng rất nhiều thông tin có giá trị truyền lại cho hậu thế.
Mùi thơm bí ẩn của xác ướp cổ
Năm 1957 cũng tại Thanh Hóa, các nhà nghiên cứu khảo cổ học đã phát hiện ra một ngôi mộ với xác ướp trong tình trạng khá hoàn hảo. Trước đó, không biết vì lý do gì mà ngôi mộ này đã bị người dân địa phương đào lên, còn xác ướp thì bị đưa ra khỏi quan tài, vùi lấp tạm bợ giữa đồng 3 ngày rồi chôn lại trong quan tài ngập nước trong thời gian gần một tháng. Tuy bị tác động bởi những nhân tố ngoại cảnh như vậy nhưng đến khi các nhà khảo cổ tiếp cận, xác ướp vẫn còn nguyên vẹn và ngạc nhiên hơn nữa, nó có mùi dầu thơm. Thông thường, người ta vẫn cho rằng các ngôi mộ và xác ướp lúc nào cũng có mùi hôi thối chứ không nghĩ là lại có mùi thơm đến vậy.
Mui thom bi an cua xac uop phu quan Doan Thi Diem
 PGS.TS Nguyễn Lân Cường (bên phải) tại buổi khai quật mộ Tiến sĩ Nguyễn Kiều.
Theo phán đoán của các giám định viên, rất có thể chất dầu thơm này được chế từ nhựa thông, người xưa đã khám phá ra công dụng bảo quản xác ướp của loại dung dịch này và dùng nó để bảo vệ thi hài của vua chúa và hoàng thân quốc thích. Bia mộ đề thời gian chôn cất thuộc niên hiệu Vĩnh Trị (1676 – 1680). Quan tài chứa xác ướp được đóng bằng gỗ ngọc am, một loại gỗ quý hiếm và chắc chắn. Những hiện vật còn sót lại là sáu chiếc áo gấm thêu kim tuyến. Sau thời gian tìm hiểu, xác ướp được các chuyên gia xác định là một bà phi thuộc dòng họ Trịnh.
Gần đấy, vào tháng 9/2011, một xác ướp với niên đại trên 200 năm đã được phát hiện trong cuộc khai quật mộ cổ Cầu Xéo ở khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai vào cuối ngày 16/9/2011. Kết quả khai quật ban đầu cho thấy, mộ cổ Cầu Xéo có kiến trúc khép kín, hình chữ nhật. Nếu tính cả phần tường bao, mộ có chiều dài khoảng 8,5m, rộng 4,5-4,6m. Mộ được cấu tạo trong quan ngoài quách gồm: Quách hợp chất bao quanh 6 mặt (cả phần đáy và nắp) dày khoảng 50cm, bên trong có quách bằng gỗ và trong cùng là quan tài với nắp hình bán nguyệt, phía trên có phủ vải với họa tiết hoa văn dây, lá và hoa cúc. Khi mở nắp quan tài, phát hiện bên trong là khối xác ướp được bao bọc bằng vải và trên cùng phủ lá sen. Đoàn khai quật đã đưa quan tài trong đó có xác ướp về bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai.
Tin tức từ các nhà khảo cổ cho biết, phần xác bên trong được bảo quản rất tốt, căn cứ những thông tin bên ngoài và phần xác ướp bên trong quan tài có thể khẳng định người trong quan tài là cụ bà, hoặc có thể là một mệnh phụ phu nhân gắn bó mật thiết với triều Nguyễn. Cuộc khai quật đã hoàn thành với việc xử lý toàn bộ phần kiến trúc ngôi mộ và đưa quan tài, trong đó có xác ướp về bảo quản tại Bảo tàng tỉnh. Mộ cổ Cầu Xéo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì ngoài kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đây là lần đầu tiên khảo cổ học Đồng Nai phát hiện xác ướp với niên đại trên 200 năm, hứa hẹn lý giải nhiều vấn đề để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, thời khai phá vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Nghi vấn mộ thật và mộ giả
TS. Nguyễn Kiều (1695-1752) là người xã Phú Xá, đỗ Tiến sĩ năm 1715, được dựng bia tại Văn Miếu năm 1717, năm 1742 được vua cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Ông được thăng chức Chánh đô ngự sử, chức bồi tụng Phó tể tướng. Sau khi góa vợ, khoảng năm 1742, ông lấy nữ sĩ Đoàn Thị Điểm làm vợ kế. Năm 1748, ông được bổ nhiệm chức Đốc đồng trấn Nghệ An. Trên đường theo chồng đi nhậm chức, bà Đoàn Thị Điểm bị bệnh nặng rồi qua đời vào mùa thu năm ấy. Ông là người xây dựng và lập ra xã Phú Xá nên sau khi mất được dân làng tôn vinh là Thành hoàng làng. Theo gia phả dòng họ Nguyễn, vào năm 1752, khi TS. Nguyễn Kiều mất, nhà Hậu Lê đã xây mộ, cấp đất và đưa thi hài ông về đây an táng. Cách đó khoảng 2km, nằm trong khu dân cư là mộ phần của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Cũng theo dòng họ Nguyễn, lúc sinh thời, TS. Nguyễn Kiều đã đưa hài cốt của bà về an táng tại đây.
Khoảng tháng 4/2005, tại khu vực vườn đào Phú Xá, giới khảo cổ cũng phát hiện một ngôi mộ cổ được cho là có niên đại gần sát với giai đoạn an táng TS. Nguyễn Kiều. Ngoài việc sử dụng quan tài bằng gỗ ngọc am và nhiều áo gấm, áo lụa, thi hài của người đàn ông trong mộ được bảo quản bằng nhiều hương liệu rất đặc biệt. Ngôi mộ cổ này bị một nhóm người tự ý phá nắp quách, nắp quan khi chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.
Cấu trúc mộ cổ ở vườn đào gồm ba lớp. Lớp quách hợp chất ngoài cùng dày 1,5cm làm bằng vôi vữa, mật, nước gạo nếp, giấy bản trộn. Kế tiếp là lớp quách gỗ bọc ngoài quan tài, dày 9cm. Quan tài đóng bằng gỗ vàng tâm dày 10cm. Xác ướp bên trong quan tài là một người đàn ông khoảng 60 tuổi, còn nguyên vẹn, được bọc trong nhiều lớp vải và ngâm dầu thơm. Xác ướp đã bị những người đào mộ làm xuất lộ trước khi có sự can thiệp của các nhà khảo cổ.
Các hiện vật trong mộ gồm có: Gối đầu, gối chèn, đôi hia thêu, 4 áo lụa, 10 áo gấm, 9 áo liệm, hai túi vải (chứa các hiện vật có thể là trầu cau hoặc các vị thuốc). Các hiện vật cho thấy đây là một người giàu có, sống vào cuối thế kỷ 18. Danh tính của xác ướp không được xác định. Xác ướp đã được liệm, đưa vào quan tài và chôn cất tại nghĩa trang Nhật Tân ngày 7/5/2005.
Do vị trí ngôi mộ trên nằm khá gần mộ TS. Nguyễn Kiều và có niên đại trùng nhau, một giả thiết được đặt ra, có thể đó chính là ngôi mộ “thật” của TS. Nguyễn Kiều. Có nghĩa, xác ướp của người đàn ông trong mộ chính là phu quân của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, còn ngôi mộ mà dòng họ Nguyễn đang trông giữ chỉ là ngôi mộ “giả” không có hài cốt. Bà Nguyễn Thị Sơn, dòng họ Nguyễn cũng lưu ý và khá lo lắng về giả thiết này. Thậm chí, trong trường hợp ngôi mộ TS. Nguyễn Kiều không chứa hài cốt khi khai quật, việc dòng họ nhờ giới khảo cổ nghiên cứu và tìm “lý lịch” của xác ướp bị... nghi là TS. Nguyễn Kiều cũng được tính tới.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Lân Cường (người được giao phụ trách việc khai quật ngôi mộ mà dòng họ TS. Nguyễn Kiều đang bảo quản) cho biết 90% khả năng trong ngôi mộ mà dòng họ Nguyễn đang thờ là có cốt và giả thiết đây là ngôi mộ giả là rất thấp, bởi TS. Nguyễn Kiều là một vị quan nhỏ, sử sách cũng cho thấy, ông không gây thù chuốc oán với ai để đến mức phải lập mộ giả để phòng tránh sự xâm hại.
Chiều 27/7/2011, sau bốn ngày làm việc khai quật, đoàn khảo cổ đã hoàn thành công tác khai quật mộ TS. Nguyễn Kiều. PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, trong quá trình đào ngôi mộ đã phát hiện ra khu đất phát lộ dấu tích của cụ Nguyễn Kiều nằm sâu khoảng 25cm tính từ đáy của ngôi mộ. Đồng thời, đoàn khảo cổ còn thấy thêm hai cổ vật bao gồm một chiếc lọ được úp lên một chiếc bát, chiếc bát này đã vỡ thành mấy mảnh, phía bên trong chiếc vò chỉ có nước và bùn đất. TS. Cường nói rằng, đây là hai cổ vật có niên đại thời nhà Nguyễn. Đoàn khảo cổ còn phát hiện thêm một bãi đất đen, một vết xương, một vết ván gỗ.
“Khả năng tới 90% đây là mộ cụ Nguyễn Kiều. Ngôi mộ này được dòng họ Nguyễn vẫn thờ tụng hàng trăm năm nay, tại ngôi mộ có một tấm bia được ghi là xây dựng năm 1931, có tên đầy đủ và năm mất TS. Nguyễn Kiều”, TS. Cường khẳng định. Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Sơn, hậu duệ đời thứ 9 của cụ Kiều nghi ngờ rằng đây là mộ giả, vì từ mặt đất đến bề mặt của hài cốt cụ Kiều không nông đến vậy, theo gia phả của dòng họ thì hơn 200 năm nay, khu đất này không có bất cứ một ngôi mộ nào được xây dựng, nên có thể là do các cụ ngày xưa làm mộ giả”. Bà Sơn cho biết, trước mắt bà và gia đình sẽ ký nhận thủ tục và đưa cụ về khu di tích bà Đoàn Thị Điểm, “nhưng gia đình vẫn chưa bỏ cuộc tìm kiếm mộ cụ Nguyễn Kiều”.
Còn tiếp...
Theo Việt Nguyễn/Người đưa tin