Ngai vàng lúc này đúng là chiếc ghế nguy hiểm.
Bị ép làm vua
Dục Đức bị truất ngôi, phải tìm người khác lên thay thế. Tôn Thất Thuyết bàn với Nguyễn Văn Tường tiến cử vị thân vương Hồng Dật khi ấy đã 36 tuổi lên làm vua.
Hồng Dật là con út của vua Thiệu Trị và là em khác mẹ của Tự Đức. Ông là một hoàng tử thông minh, học rộng và khiêm nhường. Trước đây, Tự Đức đã từng viết thơ khen: "Ngô đệ thập tứ nhân/Hiếu học giả thậm thiểu" (Em ta được mười bốn/Hiếu học thật ít người). Ông sinh năm 1846, khi 18 tuổi được tấn phong Lãng Quốc công.
Sau khi bàn định xong, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đến xin ý kiến của Thái hậu và được bà đồng ý. Họ bèn cử phái đoàn đến dinh Kim Long rước ông về để tấn phong. Ngồi lên ngai vàng lúc này vô cùng nguy hiểm, nên Hồng Dật một mực khước từ. Ông khóc mà nói rằng: "Tôi là con út của tiên đế, tư chất tầm thường, không dám nhận ngôi vua". Không thuyết phục được, phái đoàn bèn dùng áp lực ép ông lên kiệu đưa về Đại Nội.
Ngày 30/7/1883, Hồng Dật lên ngôi với niên hiệu là Hiệp Hòa.
Hiệp Hòa làm vua, nhưng mọi việc trong triều đều do hai quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường định đoạt. Không muốn ngồi làm vì để bị điều khiển như con rối, Hiệp Hòa tìm cách giảm bớt quyền lực của họ, trước hết điều chuyển Tôn Thất Thuyết từ Thượng thư bộ Binh sang bộ Lễ. Điều đó càng làm quan hệ vua tôi giữa họ thêm căng thẳng. Bấy giờ quân Pháp đang thúc ép triều đình nhận sự bảo hộ của họ, triều đình chia làm hai phái chủ chiến và chủ hòa.
Vua Hiệp Hòa tự mình quyết định ký Hòa ước Quý Mùi (Hòa ước Harmand) với Pháp, làm cho hai vị đại thần vô cùng tức giận. Tôn Thất Thuyết bàn với Nguyễn Văn Tường: "Hiệp Hòa do chính chúng ta đưa lên, đáng lẽ đứng ra chủ trương chống giặc mà lại kí hòa ước với chúng, thế thì làm vua sao được!".
|
Tranh minh họa vua Hiệp Hòa. |
Bị ép chết
Biết hai vị quyền thần có ý chống đối, nhưng vì không có thực lực, Hiệp Hòa bàn với mấy vị thân vương và đại thần Trần Tiễn Thành mượn tay Pháp loại bỏ họ. Việc bị bại lộ, Hiệp Hòa bị bắt tại điện Càn Thành, buộc phải viết chiếu thoái vị. Sau đó, ông bị cưỡng bức tự xử theo lệ "tam ban triều điển", nghĩa là tự lựa chọn ba cách tự tử: Dùng gươm tự sát, treo cổ hay uống thuốc độc. Hiệp Hòa không chịu, bị đè ra bắt uống thuốc độc mà chết. Trần Tiễn Thành cũng bị Tôn Thất Thuyết ra lệnh giết chết.
Hiệp Hòa bị chết vào ngày 29/11/1883, như vậy ông được ngồi trên ngai vàng làm vua thiếu một ngày thì đầy bốn tháng. Phủ Tôn nhân chỉ chôn cất vị vua xấu số theo nghi thức Quốc công.
(còn nữa)
Dĩ Nguyên