Là người hết lòng vì sự nghiệp của nhà Tây Sơn, sau khi Nguyễn Huệ mất đột ngột, Ngô Thì Nhậm đã từ quan về quê, nhưng nhà Nguyễn đã lên án ông tội bất trung, bất hiếu; chê trách ông đã bỏ vua Lê, chúa Trịnh theo Tây Sơn. Không chỉ bị đánh bằng roi ở Văn Miếu mà phần thông tin về ông từng khắc trên bia đá trong Văn Miếu năm Cảnh Hưng 36 (1775) cũng bị đục bỏ.
Làm câu đối lúc bị đánh
Nhà Tây Sơn sụp đổ, các võ tướng và một số quan văn bị xử phạt bằng đánh roi ở Văn Miếu trong số đó có Ngô Thì Nhậm. Chủ trì cuộc phạt đánh đòn đó lại là Đặng Trần Thường.
Vốn thù riêng, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thì Nhậm: "Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai". Vế đối hiểm hóc vì có 5 chữ ai và có chữ trần, tên đệm của Đặng Trần Thường.
Ngô Thì Nhậm khẳng khái đáp: "Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế". Vế đối cũng có 5 chữ thế, nói lên hoàn cảnh và khí phách của người anh hùng và cũng có chữ thời, tên đệm của Ngô Thời Nhiệm.
Hai câu đối nhau cực kỳ chỉnh, không sai một li. Quả là lời lẽ và từ ngữ của bậc quốc sĩ, nói theo kiếm hiệp, hào khí ngất trời.
Có thuyết nói rằng: Nguyên câu đối lại của Ngô Thì Nhậm là: "Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, dù thời thế, thế nào cũng thế". Hoặc: "Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế nào vẫn thế". Đặng Trần Thường bắt ông phải sửa lại như câu nói: (thế đành theo thế, hay thế thời theo thế hoặc là thế thì phải thế). Ngô Thì Nhậm không nói lại. Thường tức giận sai người dùng roi tẩm thuốc độc đánh ông.
|
Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại Hà Nội. |
Cái chết được báo trước
Sau trận đòn, Ngô Thì Nhậm bị thuốc độc ngấm vào tạng phủ, biết mình không qua khỏi, trước khi qua đời ông có bài thơ tặng Đặng Trần Thường như sau:
"Ai tai Đặng Trần Thường - Chân như yến xử đường - Vi Ương cung cố sự - Diệc nhĩ thị thu trường". Nghĩa là: "Thương thay Đặng Trần Thường, nay quyền thế lắm đấy, nhưng khác nào như chim Yến làm tổ trong cái nhà sắp cháy, rồi sẽ khốn đến nơi. Giống như Hàn Tín giúp Hán Cao Tổ rồi bị Cao Tổ giết ở cung Vị Ương. Kết cục của ngươi rồi cũng thế đó. Tạm dịch thơ: "Thương thay Đặng Trần Thường - Tổ yến nhà xử đường - Vị Ương cung chuyện cũ - Tránh sao kiếp tai ương".
Quả nhiên sau này bài thơ ứng nghiệm, Thường bị Gia Long xử tử.
Xin nói thêm, Ngô Thì Nhậm còn có biệt tài tướng số và bói toán, vì vậy ông mới biết được Đặng Trần Thường sau này bị hung tử.
Đặng Trần Thường (1759 - 1813), đậu sinh đồ cuối đời Lê; là con cháu nhà Trần, phải cải sang họ Đặng do những biến đổi lịch sử khôn lường trước khi tới định cư tại thôn Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.
Khi theo Nguyễn Ánh, Đặng Trần Thường giữ Tổng lý đê chính Bắc Thành. Tháng 8/1809, về Phú Xuân nhận chức Thượng Thư rồi ra Bắc Thành thực thi công vụ. Năm 1810, có chiếu triệu về Phú Xuân làm việc tại Bộ Binh. Đặng Trần Thường được giao làm sổ sắc phong cho bách thần. Đang ở đỉnh cao danh vọng, ông bị sa cơ bởi những lời xúc xiểm của Lê Chất, kẻ vốn có nhiều hiềm khích với ông, nên ông đã bị nhà Nguyễn xử treo cổ...
Lại nói về Ngô Thì Nhậm, sau hành động tàn nhẫn của trận đòn thù tại Văn Miếu (1803), nhà Nguyễn tiếp tục lên án ông tội bất trung, bất hiếu; chê trách ông đã bỏ vua Lê, chúa Trịnh theo Tây Sơn. Không chỉ vậy, phần thông tin về ông từng khắc trên bia đá trong Văn Miếu năm Cảnh Hưng 36 (1775) cũng bị đục bỏ.
Theo giới nghiên cứu, việc đục bỏ tên Ngô Thì Nhậm tại bia Văn Miếu diễn ra vào thời Nguyễn vì lý do ông từng rời bỏ nhà Lê, làm quan cho ngụy triều Tây Sơn. Theo giáo sư sử học Lê Văn Lan, cũng có khả năng Ngô Thì Nhậm bị xoá tên khỏi bia đá Văn Miếu vào cuối năm 1788, khi Lê Chiêu Thống cùng quân Thanh tái chiếm Thăng Long và trả thù những người từng theo nhà Tây Sơn.
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu