Những "tuyên thệ" để đời của vua chúa Việt khi lên ngôi

Google News

(Kiến Thức) - Thời xưa các vua khi lên ngôi không ai phải tuyên thệ nhưng họ thường ban chiếu hoặc lệnh thể hiện các đường lối chính trị mà mình sẽ áp dụng.

Lý Thánh Tông không muốn dân bị oan sai
Năm 1055, năm đầu tiên sau khi lên ngôi, vua Lý Thánh Tông đã ban những chiếu chỉ thể hiện đường lối cai trị nhân đức của mình, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc xét án và các tội nhân. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: Mùa đông, tháng 10, rét lắm, vua bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung nào lò sưởi ngự, nào áo lót cầu còn rét như thế này, nghĩ đến người tù giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa biết ngay gian, mà ăn không no bụng, áo không kín mình, gió rét khổ thân, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy hạ lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu và mỗi ngày hai lần phát cơm”.
Nhung
 Công đường xử án thời Nguyễn. Ảnh minh họa.
Thương người tù tội nên nhà vua muốn các quan khi xét án nên khoan giảm hình phạt. "Sử ký toàn thư" chép: Mùa hạ, tháng 4 (năm 1066), vua ngự điện Thiên Khác xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa bảo ngục lại rằng: “Ta yêu con ta, cũng như lòng ta làm cha mẹ dân, nhân dân không biết mà mắc vào hình pháp, ta rất lấy làm thương. Từ năm nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ, đều nhất loạt khoan giảm”.
Đáng nói hơn, nhà vua còn cấp thêm bổng lộc cho các quan lại coi việc hình ngục để họ không nghèo đói mà sinh ra ăn hối lộ làm oan sai cho dân. Điều này trong Sử ký toàn thư, sử thần Ngô Sĩ Liên có ghi nhận: “Thánh Tông lo rằng tù giam trong ngục, hoặc có kẻ không có tội, nhân đói rét mà đến chết, thì cấp cho chiếu chăn ăn uống để nuôi cho sống; lo rằng quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo nhận tiền đút lót, thì cấp thêm bổng và thức ăn, đề nhà được giàu đủ; lo rằng nhân dân thiếu ăn thi xuống chiếu khuyến nông; lo rằng năm sau đại hạn đói kém thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo, trước sau một lòng đều là thành thực”.
Lê Thái Tổ chủ trương nhân đạo và thượng tôn pháp luật
Lê Thái Tổ là vị vua khai sáng cơ nghiệp nhà Lê. Ông đã mệt nhọc dãi nắng dầm mưa 10 năm mới đuổi được giặc Minh để giành lại độc lập cho dân tộc. Năm 1428, sau khi quân Minh rút hết về nước, Lê Lợi lên ngôi vua đã sai Nguyễn Trãi viết "Bình Ngô Đại Cáo" để bố cáo cho thiên hạ biết. Bản bố cáo này có thể coi là một bản tuyên ngôn độc lập, cũng có thể coi là một lời tuyên bố về đường lối chính trị của vua Lê Thái Tổ.
Ngay mở đầu bài cáo đã nói đến tư tưởng của nhà vua là “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Sau đó, tư tưởng nhân nghĩa lại được nâng lên ở câu “lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”.
Nhung
 Tranh minh họa vua Lê Lợi.
Đường lối chí nhân của Lê Thái Tổ được thể hiện ra ở ngay trong việc ông đã tha cho toàn bộ quân tướng nhà Minh khi chúng đâu hàng. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Tháng 12, ngày 12 (năm 1427) Vương Thông nước Minh sai quân bộ qua sông Lô đi trước, quân thủy theo sau. Bấy giờ tướng sĩ và người nước ta rất oán người Minh giết hại cha con họ hàng, rủ nhau khuyên vua giết cả. Vua dụ rằng: “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, mà không thích giết người là bản tâm của người nhân. Vả lại người ta đã hàng rồi mà giết thì việc bất tường không gì lo bằng. Để thỏa lòng giận trong một buổi mà mang tiếng giết người đầu hàng mãi muôn năm, chi bằng tha mạng cho ức vạn người mà tuyệt mối chiến tranh sau này, sử xanh ghi chép, tiếng thơm muôn đời há chẳng lớn sao!”.
Bên cạnh đó, Lê Thái Tổ cũng là vị vua ngay từ đầu đã chủ trương chú trọng luật pháp để trị nước. "Sử ký toàn thư" chép rằng ngay trong tháng 1/1428, khi còn chưa làm lễ đăng quang ngôi vua, Lê Thái Tổ đã hạ lệnh ho các quan tư không, tư đồ, tư mã, thiếu úy, hành khiển bàn định luật lệ trị quân và dân, cho người làm tướng biết mà trị quân, người làm quan ở các lộ biết mà trị dân, để răn dạy cho quân dân đều biết là có phép, phàm các công việc đều có người phụ trách.
Nhung
 Tượng đài vua Lê Thái Tổ ở Thanh Hóa.
Lệnh của Thái Tổ nói rõ: “Từ xưa đến nay, trị nước phải có pháp luật, người mà không có phép để trị thì loan. Cho nên bắt chước đời xưa đặt ra pháp luật, để dạy các quan, dưới đến nhân dân, cho biết thế nào là thiện ác, điêu thiện thì làm, điều ác thì lánh, chớ có phạm pháp”.
Quang Trung chú trọng đoàn kết dân tộc và cải cách giáo dục
Khác với Lý Thánh Tông lên ngôi trong buổi hòa bình và Lê Thái Tổ lên ngôi sau buổi dẹp loạn, Nguyễn Huệ đăng quang giữa lúc thù trong giặc ngoài đang căng thẳng. Ngày 22/11/1789, ông lên ngôi vua lấy hiệu là Quang Trung khi gần 30 vạn quân Thanh đã kéo tới Thăng Long. Quyết định lên ngôi, Quang Trung muốn có danh chính ngôn thuận để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Thanh của nhân dân ta.
Trong bản chiếu lên ngôi, vua Quang Trung nói rõ chí hướng: “… mấy năm gần dây, Nam Bắc gây việc binh đao, nhân dân rơi vào chốn bùn than. Trẫm là người áo vải ở Tây Sơn, không có một thước đất, vốn không có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn, mong mỏi được vua hiền để cứu đời yên dân, vì vậy trẫm tập hợp nghĩa binh, mặc áo tơi đi xe cỏ để mở mang núi rừng…”
Nhung
Tranh vẽ vua Quang Trung. 
Sau các phần nói về thế sự, vua Quang Trung nói thẳng vào các vấn đề mà nhà vua phải giải quyết và phương hướng giải quyết. Trước hết vua tuyên bố các khoản thuế trong nước ông thu một nửa chỉ trừ các nơi bị nạn binh hỏa thì các quan đến nơi xét thấy đúng mới miễn. Đúng ra các vua khi đăng quang thường miễn thuế và đại xá thiên hạ nhưng lúc này đang đối mặt với mấy chục vạn quân Thanh nếu không thu thuế của dân thì triều đình không có lương thực nuôi quân đánh giặc.
Thứ hai, lúc này còn nhiều quan lại cũng như dân chúng của nhà Lê cũ, phải làm sao để tranh thủ sự ủng hộ hoặc hạn chế đến mức thấp nhất sự chống phá của họ. Để giải quyết việc này, vua Quang Trung tuyên bố: “Bầy tôi và nhân dân cựu triều hoặc bị vạ lây đã phải kết tội nặng, trừ tội đại nghịch bất đạo, còn thì đều cho đại xá… quan viên văn võ cựu triều, hoặc vì tòng vong trốn tránh, cho phép được về nguyên quán, người nào không muốn ra làm quan cũng cho tùy tiện”.
Những tuyên bố trong chiếu đăng quang này nói chung cũng chỉ là một giải pháp trước mắt. Nhưng ít ngày sau, khi gặp gỡ các nhân sĩ trí thức, vua Quang Trung đã bộc lộ hoài bão rất sâu xa về vấn đề xây dựng đất nước sau khi thắng giặc.
Sách La Sơn phu tử của tác giả Lê Trọng Hoàn cho biết khi Quang Trung hành quân ra đến Nghệ An có dừng lại tuyển mộ thêm lính và tổ chức duyệt binh lớn. Một ngày trước khi duyệt binh, vua đã gặp Nguyễn Thiếp để tham khảo ý kiến. Vua nói: “Quân địch đông quân ta ít. Phu tử tinh thông lý số, xin bảo cho quả nhân cách đánh thắng quân giặc”.
Nguyễn Thiếp nói đại khái rằng địch tuy đông nhưng đường xa mỏi mệt lại không rõ binh lực của ta cũng như địa hình địa vật trong khi ta biết rõ địch và dũng khí có thừa. Ta lại rút hết về Tam Điệp khiến giặc kiêu ngạo. Nhằm lúc chúng không đề phòng hoàng thượng dùng binh thần tốc, đánh cho chúng không kịp trở tay. Nếu thế hoàng thượng đi ra chuyến này, không quá 10 ngày quân Thanh sẽ bị dẹp tan.
Nhà vua nghe xong rất mừng nói: “Phu tử nói phải! chuyến này quả nhân sẽ đánh cho quân nhà Thanh không còn mảnh giáp. Sau thắng lợi, đất nước yên bình, quả nhân sẽ mời phu tử làm thầy dạy học. Có nghĩa là phu tử sẽ giúp triều đình chấn hưng học vấn trong nước. Vua quan không học thì không biết trị nước. Dân chúng không học thì không biết bổn phận làm dân, không hiểu kỷ cương nhà nước. Cho nên đạo học phải được coi trọng”.
Sau này khi đã thắng giặc, vua Quang Trung đã bắt tay ngay vào việc cải cách giáo dục và mời Nguyễn Thiếp ra giúp nhưng tiếc rằng vua mất sớm nên sự nghiệp này dở dang.
Ba vị vua nói trên chỉ là một vài điển hình về các đường lối trị quốc an dân của cha ông ta. Tuy rằng mỗi thời mỗi khác nhưng các câu chuyện lịch sử này cũng cho chúng ta nhiều điều đáng để suy ngẫm.
Nam Khánh