Nữ tình báo xuất thân Quận chúa xinh đẹp nhất VN (3)

Google News

Tháng 10/1949, trong phiên tòa xử tên cướp Nguyễn Bình tại thị xã Long Thành (Bà Rịa- Vũng Tàu), bà Đặng Hoàng Ánh chính là thư ký. 


Kỳ 3: Sự thật về Trung tướng Nguyễn Bình và phiên xử Nguyễn Bình tướng cướp

Như chúng tôi đã giới thiệu ở kỳ trước, sau khi thực hiện chiến công ném lựu đạn diệt hai tên lính Pháp ở rạp hát Nguyễn Văn Hảo (Sài Gòn), bà Đặng Hoàng Ánh lúc đó có tên là Phạm Ngọc Diệp được Xứ ủy Nam Kỳ tuyển chọn cử đi học lớp phản gián đầu tiên tại Đông Cao Miên (Campuchia) trong thời gian 1 năm. Cùng khóa học này còn có đồng chí Phan Văn Đáng (Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam mà bà thường gọi thân thiện là anh Hai Văn), đồng chí Đặng Thiết Bảng, đồng chí Bùi Ngọc Hường và người giảng dạy là đồng chí Đào Phúc Lộc (tên khác Hoàng Minh Đạo, Bùi Văn Thu - nhà tình báo nổi tiếng).

Năm 1948, đồng chí Đào Phúc Lộc nhận lệnh điều động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử vào tăng cường cho chiến trường miền Nam, đảm trách chức Trưởng ban Quân báo Nam Bộ với nhiệm vụ là Đặc phái viên của Bộ Tổng tham mưu đi kiểm tra tình hình công tác phản gián, tình báo, quân báo ở Khu IV vào đến tận Nam Bộ. Mục đích là để kiện toàn thống nhất lại tổ chức của ngành tình báo từ Trung ương đến địa phương, giúp Cục có điều kiện chỉ đạo tình báo toàn quốc. Chủ trương này được Trung ương nhanh chóng tiến hành nhằm chuẩn bị để đối phó với tình hình mới, khi Pháp quyết quay lại leo thang xâm lược ở Nam Bộ.

 Đồng chí Đào Phúc Lộc năm 1968, người cùng bà Ánh xử tên Nguyễn Bình tướng cướp.

Lúc này ở miền Nam có một  nhóm lớn trung lập, nhưng có xu hướng thân Pháp đó là lực lượng Bình Xuyên do tên tướng cướp Bảy Viễn (Lê Văn Viễn, người Chợ Lớn- Sài Gòn) cầm đầu. Trước năm 1945, Bảy Viễn nổi tiếng là một tên tướng cướp ngang tàng và ma mãnh. Y từng bị chính quyền Pháp tuyên án rất nhiều lần, từng bị đày đi tù Côn Đảo nhưng vượt ngục trốn về thành lập lực lượng Bình Xuyên (dân giang hồ tứ chiếng ở Nam Bộ, hoạt động ở vùng ven Sài Gòn trong 10 năm từ 1945-1955).

Năm 1946, Pháp quay lại Nam Kỳ thì Bảy Viễn ngả sang Pháp, y được Tướng Pháp De la Tour gắn cho lon đại tá. Năm 1952, vua Bảo Đại phong cho Bảy Viễn cấp bậc thiếu tướng 2 sao và bổ nhiệm vào chức vụ Đô trưởng Cảnh sát Công an Sài Gòn Chợ Lớn. Bằng thế lực của mình, Bảy Viễn thâu tóm các sòng bài Đại Thế Giới, Kim Chung ở Sài Gòn và casino Thái Bình Dương ở Vũng Tàu, đồng thời làm ngơ cho khu mại dâm Bình Khang hoạt động công khai.

Với quyền thế cộng với máu giang hồ, Bảy Viễn không những tăng cường hợp tác với Pháp, mà còn cho đàn em lộng hành chống phá cách mạng ráo riết, gây tổn thất rất lớn cho cách mạng và nhân dân. Trong đó y cho một tên tướng cướp tên là Nguyễn Bình, đây là một đàn em đắc lực của Bảy Viễn, chuyên cướp của giết người ở Long Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu). Điều đáng nói là sau khi gây án, hắn thường lấy tên công khai và đổ vấy cho phía Việt Minh, hạ uy tín của Trung tướng Nguyễn Bình phía cách mạng, làm mất lòng tin nhân dân. Chủ trương của phía cách mạng là phải bắt cho bằng được tên này để công khai xử trước nhân dân, ổn định tinh thần quần chúng.

Đồng chí Đào Phúc Lộc được cử thực hiện điệp vụ này, ông đã tìm cách làm quen và làm thư ký của Thiếu tướng thân Pháp Nguyễn Văn Xuân (1892-1989, Thủ tướng của Cộng hòa tự trị Nam Kỳ, là sĩ quan gốc Việt đầu tiên mang quân hàm cấp tướng của quân đội Pháp năm 1947). Qua nhiều lần điều tra thì đồng chí Lộc lần được hồ sơ về cái tên tướng cướp Nguyễn Bình. Với sự khôn khéo, một mẻ lưới được bủa, tên tướng cướp Nguyễn Bình nhanh chóng bị bắt gọn. Tháng 10/1949  phía cách mạng đưa tên này ra xử công khai tại Long Thành, chính bà Đặng Hoàng Ánh lúc đó tên là Đặng Ngọc Diệp làm thư ký phiên tòa, Hội đồng xét xử có đồng chí Đào Phúc Lộc và một số đồng chí khác. Phiên tòa công khai trước bàn dân thiên hạ, kết quả tên Nguyễn Bình tướng cướp bị nhận án tử, tên thổ phỉ từng gây bao tai họa bị tử hình, từ đó người dân mới yên tâm sinh sống.

 Trung tướng Nguyễn Bình người từng bị nhầm lẫn với tướng cướp Nguyễn Bình của Bảy Viễn.

Cuộc gặp bất ngờ vị tướng tài ba

Trở lại năm 1951, trong thời gian học lớp phản gián tại Đông Cao Miên (Campuchia), bà Đặng Hoàng Ánh là người có cơ duyên gặp được Trung tướng Nguyễn Bình. Có thể nói, trong lịch sử quân đội Việt Nam đây là nhân vật khá đặc biệt. Nguyễn Bình là Trung tướng đầu tiên, ông có tên khai sinh rất nữ là Nguyễn Phương Thảo và có biệt danh là tướng một mắt. Trước khi theo cách mạng ông là thành viên chủ chốt của Quốc Dân Đảng ở Bắc Bộ. Sau khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 bất thành ông và bạn mình là Trần Huy Liệu bị đày đi Côn Đảo. Nhưng rồi khi Quốc Dân Đảng bị phân hóa, ngả sang hữu, do có tư tưởng theo phe cách mạng. Nguyễn Bình và Trần Huy Liệu bị nhóm cực hữu trong Quốc Dân Đảng kết án tử, nhưng Nguyễn Bình may mắn thoát nạn, ông bị đâm mù một mắt từ đó.

Với tài năng quân sự và năng lực lãnh đạo, sau khi Pháp mở rộng đánh chiếm miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông vào để thống nhất lực lượng vũ trang toàn Nam Bộ. Chính ông có vai trò to lớn trong việc phân hóa lực lượng Bình Xuyên do Bảy Viễn đứng đầu, đưa một số quân không nhỏ về phía cách mạng, được gọi là bộ đội Bình Xuyên. Khi tình hình ổn định, tháng 6/1951, Trung tướng Nguyễn Bình nhận được quyết định triệu tập ra Trung ương để triển khai kế hoạch mới. Ngày 6/7/1951, ông khởi hành đi từ Tân Uyên (chiến khu Đ, Bình Dương) với một đội bảo vệ 22 người, dự tính phải đi 6 tháng mới ra đến thủ đô kháng chiến Việt Bắc. Đoàn của ông đi sang đường Campuchia, xuyên qua các bản làng để tránh sự truy sát của giặc Pháp. Tại đây ông có đến thăm lớp học phản gián tại Đông Campuchia, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng bà Đặng Hoàng Ánh được gặp Trung tướng Nguyễn Bình. “Tướng Nguyễn Bình thăm hỏi và động viện đồng chí Đào Phúc Lộc (người dạy phản gián), và những đồng chí anh em chúng tôi, sau đó thì cáo từ”, bà nói.

 Bà Đặng Hoàng Ánh, nhân chứng sống của vụ án xử tướng cướp Nguyễn Bình của trùm Bảy Viễn.

Chuyến đi của Trung tướng Nguyễn Bình được ông ghi nhật ký trong cuốn Nhật ký đi đường, cho thấy vô cùng gian nan, thiếu thốn. Những dòng nhật ký của chuyến đi tháng 6 năm ấy nay còn lưu giữ: "Đi từ Sốcky đến Suối Đá, rồi từ Suối Đá đi Tà Nốt, tôi đành phải nằm trên xe bò vì bệnh ngày càng nặng. Bác sĩ ở Cao Miên nói phải tạm nghỉ trong hai tháng nếu không muốn quỵ dọc đường. Tôi nghĩ nếu dừng hai tháng, rồi đến mùa mưa thêm ba tháng, sau đó đi sáu tháng nữa mới ra tới Trung ương thì không thể được. Một năm không hoạt động gì trong khi cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, tôi kiên quyết ra đi. 80% đoàn bị bệnh, bốn chiếc xe bò cũng không chở hết. Gạo đã gần hết. Từ một tháng nay mỗi ngày tôi (Nguyễn Bình) chỉ ăn chút xíu đủ để đứng vững. Tôi đã ăn măng thay cơm... Đang đi thì một xe bò bị gãy trục, theo dân địa phương là một điềm rất xấu. Ngày 23, tôi quyết định phái tổ trinh sát vượt sông Serepok, đi vòng để tránh gặp địch. Ngày 24, cả đoàn không còn gì ăn nữa".

Bất ngờ vào trưa 29/9/1951, đoàn của ông dừng lại ở phun Back bên bờ sông Srê-pốc, bị toán lính Pác-ti-giăng nổ súng hạ sát nhưng không biết ông là ai, cuốn nhật ký kết thúc...

Đừng tiếp tục nhầm lẫn!

Bà Đặng Hoàng Ánh bảo, đây là vụ án ít người biết có nhiều chi tiết trùng khớp, chỉ có những người từng tham gia hoạt động với bà mới nắm rõ. Nhiều người sau này từng nhầm lẫn cho rằng, Trung tướng Nguyễn Bình là tướng cướp (vì ông bị hư một mắt) tham gia cướp của đã bị tử hình trong phiên tòa này. Tiện thể bà Ánh đính chính: "Nguyễn Bình tướng cướp bị tòa xử tử năm 1949 tại Vũng Tàu, trong khi Trung tướng Nguyễn Bình phía cách mạng hi sinh năm 1951 tại Campuchia, các sự kiện cách nhau hai năm. Một người là phía cách mạng, người còn lại là bên kia chiến tuyến. Mong sao chúng ta đừng tiếp tục nhầm lẫn, nhân chứng vụ việc còn sống chính là tôi".

Theo Người Đưa Tin