Tên tuổi của Phạm Văn Xảo gắn với những chiến công lẫy lừng góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc
khởi nghĩa Lam Sơn. Chỉ tiếc rằng, một con người có công lao to lớn như vậy lại chết vì những lời gièm pha của bọn gian thần.
Đối phó với Vương Thông
Với cương vị tướng chỉ huy cao nhất ở Ninh Kiều, Phạm Văn Xảo đã họp các tướng để hoạch định kế sách đối phó với Vương Thông. Kế sách như sau:
Chủ động tấn công vào Thanh Oai phá tan âm mưu của Vương Thông ngay khi hắn chưa kịp thực hiện. Và quả đúng như dự kiến, giặc ở Thanh Oai bị tấn công mãnh liệt đã bỏ chạy tán loạn, khiến cho giặc ở Sa Đôi cũng chạy theo, bỏ mặc Vương Thông ở đất Cổ Sở.
Khi Vương Thông tập trung hết lực lượng về cơ sở để trực tiếp chỉ huy tấn công vào Ninh Kiều, Phạm Văn Xảo đã cùng các tướng bí mật rút hết quân ở Ninh Kiều về Cao Bộ. Sau khi vồ hụt nghĩa quân Lam Sơn ở Ninh Kiều, Vương Thông phát hiện được nơi đóng quân mới của Lam Sơn, liền cho quân tiến về Cao Bộ. Đoán được ý đồ của giặc, Phạm Văn Xảo đã cùng các tướng rút khỏi Cao Bộ, kéo quân về mai phục ở cánh đồng Tốt Động - Chúc Động.
Khi quân Minh ào ạt kéo đến, quân ta nhất tề đổ ra đánh một trận quyết chiến chiến lược kiệt xuất ở Tốt Động - Chúc Động. Mười vạn quân tham chiến của giặc Minh đã bị giết và bắt sống đến một nửa. Vương Thông bị thương suýt bị bắt sống đã hoảng hốt kéo tàn quân về cố thủ ở Đông Quan. Vương Thông từ vị trí của một viên tướng hung hăng dẫn quân đến cứu nguy, đã bị đánh tơi bời, bị trọng thương và trở thành kẻ kêu cứu viện.
Đây là chiến thắng lừng lẫy của nghĩa quân Lam Sơn trong đó có vai trò chỉ huy của tướng quân Phạm Văn Xảo.
Trong Bình Ngô đại cáo ghi: "Ninh Kiều: máu chảy thành sông, tanh hôi muôn dặm. Tốt Động: Thây phơi đầy nội, thối để ngàn thu...".
Năm 1427, Phạm Văn Xảo còn chỉ huy đánh chặn năm vạn quân của Mộc Thạnh ở Lê Hoa góp phần lớn vào thắng lợi của chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang đưa cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại do Lê Lợi lãnh đạo đến thắng lợi hoàn toàn.
|
Tranh minh họa. |
Chết vì gian thần
Tháng 3 năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), sau khi triều đình luận công ban thưởng, tướng quân Phạm Văn Xảo được ban quốc tính (họ Lê), được Thăng hàm Thái Bảo, tháng 5 năm Thuận Thiên thứ hai (1429), tên ông được khắc ở hàng thứ ba trong bảng danh sách các Khai quốc công thần và được Thăng hàm Thái phó, tước Huyện Thượng hầu.
Nhưng tiếc thay, ông chưa kịp hưởng sự tôn vinh đó thì bị bọn gian thần gièm pha là có âm mưu làm phản. Ông bị bắt giam, tra khảo, uất ức quá ông đã tự sát chết trong nhà tù. Vụ án Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn đã được sử sách ghi chép là vụ giết hại công thần.
Đến đời vua Lê Thánh Tông, triều đình đã phục hồi danh dự cho ông, truy phong ông là Thái Bảo, tước Thắng Quận công.
Tiếc là Thủ đô Hà Nội hiện vẫn chưa có một đường phố mang tên Phạm Văn Xảo, một người quê gốc đất Thăng Long, đã có công lao lo lớn trong công cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh đô hộ, giải phóng Thăng Long, giải phóng đất nước, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc Việt Nam.
Trần Hồng Đức