|
Đổng Ngạc Phi và Hoàng đế Thuận trị triều Mãn Thanh của Trung Quốc. Ảnh: Baidu |
Đổng Ngạc Phi là một phi tần của Hoàng đế Thuận Trị. Bà nhập cung năm 18 tuổi, được hoàng đế vô cùng sủng ái, lập làm Hiền phi rồi ngay sau đó một tháng lên Hoàng quý phi. Năm 1657, Đổng Ngạc phi và Thuận Trị sinh một hoàng tử nhưng đứa trẻ mất sau đó 3 tháng. Do quá đau buồn, Đổng Ngạc phi lâm bệnh hậu sản, rồi qua đời năm 1660, ở tuổi 21. Sau khi mất, Thuận Đế truy phong bà làm Hiếu Hiến Đoan Kính Hoàng hậu.
Một thời gian ngắn sau khi Đổng Ngạc phi mất, Hoàng đế Thuận Trị cũng qua đời vì mắc bệnh đậu mùa. Theo quy định, triều đình công bố di chiếu sau khoảng thời gian 8 giờ đồng hồ kể từ khi hoàng đế băng hà. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như trong bản di chiếu ấy Thuận Trị không nhắc đến người vợ mà ông sủng ái dù người đấy đã mất, hơn nữa lại nhắc tới với hàm ý trách tội.
Theo "Vương Văn Tịnh tập - Niên phổ tự soạn" kể lại, Vương Văn Tịnh chính là người soạn ra ba bản di chiếu để Thuận Đế xem xét trước khi ông mất. Thuận Trị xem xét, ngẫm nghĩ rất lâu, mãi tới trưa ngày hôm sau mới quyết định và ngay tối hôm ấy thì băng hà.
Bản di chiếu có đoạn: "Đoan Kính Hoàng Hậu giữ trọn hiếu đạo với Hoàng Thái hậu, hết lòng hầu hạ Trẫm, quán xuyến nội chính. Trẫm vâng lời Thái hậu, tưởng nhớ Hiền phi, tổ chức lễ tang hậu ái, không theo lễ tắc thông thường. Vì việc này, Trẫm luôn thấy áy náy, đấy là cái sai của Trẫm".
Xét cho cùng, câu này dù ý tứ không gay gắt, trực tiếp, nhưng không thể phủ nhận vị Hoàng đế đang có ý trách móc người phi quá cố. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì nội dung ấy không đúng với tính cách và tình cảm của Thuận Trị dành cho Đổng Ngạc phi. Vậy, bản Di chiếu đã biến thành chiếu luận tội như thế nào?
Thù oán chốn hậu cung
Lishichunqiu, trang web chuyên về lịch sử Trung Quốc, dẫn lời các chuyên gia nghiên cứu lịch sử thời Thanh, cho rằng trong khoảng thời gian từ khi Thuận Trị băng hà tới khi công bố di chiếu (8 giờ đồng hồ), có thể thái hậu và các vương thần sửa đổi vài chi tiết. Việc này bắt nguồn lòng hận thù của Thái hậu Hiếu Trang đối với Đổng Ngạc Phi bấy lâu nay.
Thái hậu Hiếu Trang ngay từ đầu đã không đồng ý hôn sự giữa Thuận Trị và Đổng Ngạc. Sau này, khi Thuận Đế băng hà, lòng căm ghét, hận thù của thái hậu đối với Đổng Ngạc Phi càng tăng lên gấp bội, bởi bà quả quyết rằng quá thương nhớ Đổng Ngạc Phi là nguyên nhân chính khiến con trai bà chết.
Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, cuộc đời của hoàng hậu, phi tần có liên quan mật thiết tới vận mệnh của những người trong gia tộc của họ. Cái chết của Đổng Ngạc Phi, việc Hoàng đế Thuận Trị băng hà, rồi việc công bố nội dung bản di chiếu đã khiến những người có quan hệ trực tiếp với Đổng Ngạc Phi hết sức lo lắng. Trinh phi Đổng Trọng Thị, em họ của Đổng Ngạc phi, là một trong số đó.
Khiếp nhược trước sự tức giận của Thái hậu Hiếu Trang và với mong muốn Thái hậu mở lòng từ bi, xóa bỏ hận thù, bảo toàn sinh mạng của toàn gia tộc, Trinh phi đã quyết định hy sinh, xin được tuẫn táng cùng Thuận Trị.
Năm đó, Trinh Phi vừa tròn 20 tuổi, trong vòng chưa đầy nửa năm đã mất cả chồng và người chị họ. Bi kịch hơn, Trinh Phi chưa bao giờ được hưởng sự sủng ái của Thuận Trị như chị họ Đổng Ngạc Phi. Vì vậy, việc tự nguyện tuẫn táng của nàng hoàn toàn không phải vì tình cảm đối với người chồng hoàng đế, mà thực chất là để tránh một cuộc báo thù gia tộc, mà nguồn gốc của nó chính là sự sủng ái quá mức của Thuận Trị đối với Đổng Ngạc phi.
Nhìn từ một khía cạnh khác, cái chết của Trinh Phi là vật hy sinh cho mối tình cảm giữa Hoàng đế Thuận Trị và Đổng Ngạc Phi. Như vậy, tục tuẫn táng theo hoàng đế từ thời cổ đại trong lịch sử Trung Hoa đã trở lại vào thời nhà Thanh với câu chuyện này.
Sau này, Hoàng đế Khang Hy truy phong Trinh Phi làm Hoàng Khảo Trinh Phi. Đến Khang Hy năm thứ 20 (năm1673), tục "tuẫn táng" trong lịch sử Trung Quốc mới biến mất hoàn toàn.
Theo Quỳnh Phương/Zing