Sĩ Nhiếp được đánh giá như thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Giới khoa học đã có đánh giá, nhận xét về con người Sĩ Nhiếp với nước ta, nói cách khác là ảnh hưởng văn hoá Nho giáo từ Trung Hoa sang VN.

Những nhận xét khác nhau về công trạng
Sách Việt Điện U Linh của Cao Huy Diên viết: "Sĩ Phủ quân (Sĩ Nhiếp) đem gợn sóng thừa của sông Thù, sông Tử cho chảy dần sang Nam Hải"... Phía Bắc thì thờ đại Hán, phía Đông thì chịu khuất phục nước Cường Ngô, anh em đều cầm đầu các quận, vinh diện một thời, tưng bừng bút mực... Vương hiệu là do người trong châu tự mình xưng hô, chứ ông vốn chưa hề ngang nhiên tự tôn tự đại như quan Uy Triệu Đà ở Nam Hải đã ngồi xe Hoàng ốc cắm cờ tá đạo đó... Sống được vinh danh, chết còn hiển hách, oanh liệt một thời.... Đẹp thay, ít ai bì kịp! Xét ra thật hiếm thấy vậy.
Trong Việt sử Thông giám cương mục, vua Tự Đức cho rằng: "Sĩ Nhiếp chẳng qua là một thái thú nhà Hán, tùy thời nịnh hót cầu sao cho mình được an toàn, chứ không có tài lược mưu cán gì giỏi cả, đến nỗi truyền được hai đời đã mất, có gì đáng khen! Thế mà sử cũ cho rằng Uý Đà cũng không hơn được, chẳng cũng là lời khen quá đáng ư?".
Trần Trọng Kim, tác giả cuốn Việt Nam sử lược thì cho rằng: "Sĩ Nhiếp trị dân có phép tắc và lại chăm sự dạy bảo dân, cho nên lòng người cảm mộ cái công đức, mới gọi tôn lên là Sĩ Vương. Nhà làm sử cho nước ta có văn hoá là khởi đầu từ Sĩ Nhiếp. Cái ý kiến ấy có lẽ là không phải lắm. Vì rằng từ khi nhà Hán sang cai trị nước Giao Chỉ đến đời Sĩ Nhiếp đã được hơn 300 năm, người Giao Chỉ đã có người học hành thi đỗ hiếu liêm, mậu tài. 
Vậy nói rằng đến ông Sĩ Nhiếp mới có Nho học thì chẳng sai lắm ru. Hoặc giả ông ấy là người có văn học, rồi trong khi làm quan, lo mở mang sự học hành hay giúp đỡ những kẻ có chữ nghĩa, cho nên về sau mới được cái tiếng làm học tổ ở nước ta, tưởng như thế thì có thể hợp lẽ hơn".
Phạm Văn Sơn trong Việt sử tân biên thì cho rằng: "Một vài điều sai lầm về Sĩ Nhiếp. Chép thân thế và sự nghiệp một phương lại có tiếng trong thời Bắc thuộc trọng nhậm ở nước ta giữa buổi loạn ly nhiều nhà chép sử đã đề cao một cách quá đáng vai trò của vị quan cai trị này. Người ta tôn sĩ Nhiếp lên bậc vương, có người tặng cho Sĩ Nhiếp một sự nghiệp vĩ đại hơn nữa bằng cách gọi Sĩ Nhiếp là Nam Bang học tổ. Chưa hết! Người ta còn gọi thời Sĩ Nhiếp cai trị Giao Chỉ là một kỳ (Sĩ Vương Kỳ).
Lăng Sĩ Nhiếp. 
Tôn sùng là thích đáng?
Tác giả cho rằng, trước khi Sĩ Nhiếp nắm quyền thì ở nước ta chữ Hán và đạo học đã có từ ba thế kỷ trước. Nếu so với một số nhân vật như Đào Hoành, Đỗ Viện, Tích Quang và Nhâm Diêm thì sự nghiệp của Sĩ Nhiếp chưa dễ đã hơn. Tuy nhiên, tác giả cũng nhận rằng: "Dù sao chúng ta cũng phải nhận rằng việc tôn sùng ông Sĩ Nhiếp làm vua cũng có một vài phần thích đáng do ông đã dùng chính sách nhân nghĩa đối với dân ta xưa kia và đã có công gây nên một kỷ nguyên văn học cho dân ta. Còn chuyện ông đã đem chữ Nho sang dạy dân ta đầu tiên thì không đúng".
Tác giả Nguyễn Đăng Thục trong lịch sử tư tưởng Việt Nam (tập 1 SG. 1967) đã dành một phần của cuốn sách để viết về Sĩ Nhiếp. Tác giả đã dẫn lời của Nguyễn Trọng Thuật cho rằng: "Chữ Nho sách Tàu thì ra đã thâu thái từ đời Triệu Vũ đế rồi. Còn lập được chi phái về Nho học thì mới từ thời Sĩ Nhiếp... Người Việt gọi Vương (Sĩ Nhiếp) là Nam Giao học Tổ, tức là Tổ của học phái nước Nam chứ không phải là Tổ mới bắt đầu dạy chữ Tàu, sách Nho và nhận định rằng: "Đây là tiêu biểu cho cái tinh thần Việt hoá, thích ứng với hoàn cảnh địa lý, lịch sử, những tài liệu văn học đã thâu hoá của phương Bắc vậy".
Còn cố GS Trần Quốc Vượng cho rằng: "Những lý thuyết về chủng tộc và lịch sử phần nhiều cho rằng chủng tộc và nói rộng ra là nguồn gốc xuất thân không thật quan trọng. Cái quan trọng nhất là người ấy có lối sống (văn hoá) thế nào và phục vụ cho ai. Theo tôi Sĩ Nhiếp cũng như Triệu Đà là người Việt gốc Hoa. Cả hai, nhất là Sĩ Nhiếp đều sống mấy chục năm ở không gian văn hoá Việt và như Triệu Đà trong thư viết gửi Hán Văn Đế đã tự xưng là Man di đại trưởng lão phu, ông đã tự giác quên cái cội nguồn quý tộc ở nước Triệu. 
Sĩ Nhiếp cũng như Triệu Đà là người dung hợp lối sống văn hoá Việt Hoa và đến lượt mình đã góp phần đẩy mạnh sự giao thoa này. Về học vấn Sĩ Nhiếp học Nho song đã tập sãi và Đạo sĩ. Ông góp phần vào việc hình thành bản sắc dung hoà, khoan nhượng của văn hoá Việt Nam".
Dương Tuấn