Sự thật về chàng trai đóng khố cứu vua Gia Long

Google News

(Kiến Thức) - Hơn 200 năm trước, chàng thanh niên tên Đạt có công cõng vua Gia Long qua dòng sông Hoàng Long thoát khỏi sự bao vây truy sát.

Hơn 200 năm trước đây, chàng thanh niên tên là Đạt ở xóm Thạch Tác (xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) có công cõng vua Gia Long qua dòng sông Hoàng Long thoát khỏi sự bao vây truy sát. Sau này, vua mời anh ta vào triều phong chức, nhưng Đạt chỉ lấy đất để người dân sản xuất...
Người dân nơi đây coi cụ Đạt là Thành hoàng làng, thờ phụng rất trang nghiêm. 
Cứu vua Gia Long thoát chết
Ông Phạm Văn Số, 75 tuổi ở xóm Thạch Quy cho biết: Ông là con cháu đời thứ 7 của cụ đội Đạt. Trước đây, trong gia phả của dòng họ ghi chép rất cụ thể việc cụ đội Đạt từng vinh dự cứu vua Gia Long. Tuy nhiên, năm 1953 trong một trận hỏa hoạn, các tài liệu đó đã bị cháy.  Khi chúng tôi ngỏ ý muốn hỏi tên đầy đủ cụ Đạt thì ông Số lắc đầu, ông chỉ biết các cụ gọi là cụ đội Đạt.
Theo các cụ trong gia đình ông Số kể lại, xưa kia dòng họ ông nghèo khó, ruộng nương ít phải đi làm thuê cuốc mướn. Khi đó, chàng trai Đạt chừng mười tám, đôi mươi, gia đình nghèo, thường ra sông bắt tôm cá về ăn. Hôm đó, chàng trai đóng khố đang mải bắt cá men sông Hoàng Long, bỗng có một người cao lớn mặc áo giáp sắt, cơ thể bị nhiều vết thương chạy tới. Phía sau có nhiều binh lính đuổi đến. Ông ta nói: “Ta đến đây là tận số rồi”.
Cánh đồng Chiếu, xưa kia vua ban cho cụ Đạt. 
Vốn là chàng trai lực lưỡng, sức khoẻ hơn người, nhanh như cắt, Đạt đã cõng vị tướng lĩnh đó để bơi qua sông Hoàng Long. Nhờ thế mà ông ta đã thoát khỏi sự truy sát của kẻ địch. Sau đó, ông ta mời Đạt vào kinh thành để tạ ơn. Chàng trai đáp, mình chỉ là kẻ nghèo hèn, làm sao có thể vào kinh thành được. Vả lại lấy gì làm căn cứ để đòi sự cảm tạ đó. Đạt vừa dứt lời, người đàn ông đó nhúng đôi tay xuống bùn, in lên chiếc áo chàng trai đang mặc và bảo: “Sau này, ngươi cầm chiếc áo vào triều đình ta sẽ trọng thưởng”.
Thời gian sau, khi vào kinh thành chàng trai mới biết người mình cứu đó chính là vua Gia Long. Cảm kích trước tình cảm chàng trai dành cho mình, vua Gia Long đã mở yến tiệc chiêu đãi, mời Đạt ở lại để phong chức tước. Nhưng chàng trai đã  từ chối. Anh chỉ xin nhà vua đổi tên làng từ Văn Phú Phường thành làng Lực Giá và xin ruộng nương để về làm ăn sinh sống. Lời khẩn cầu của chàng trai nghèo được vua Gia Long đồng ý thực hiện. Vua trực tiếp về cho người đổi tên làng, ban đất cho chàng trai. Bóng cờ trên thuyền rồng của nhà vua đi trên sông tỏa đến đâu thì chàng trai Đạt xin đất đến đó. Ước tính nhà vua ban cho anh chừng 30 mẫu ruộng.
Theo ông Số, lý do cụ Đạt lúc đó xin đổi tên làng bởi từ “Lực” có nghĩa là lực lưỡng, khoẻ mạnh còn “Giá” có nghĩa là cứu giá, giúp vua. Để cho người đời biết đến ngôi làng có người khoẻ mạnh, giúp đỡ vua lúc bần hàn. Công trạng của cụ Đạt được đời sau còn ghi nhận, đích thân vua Khải Định từng về làng Lực Giá ban sắc phong mạ vàng cho cụ.
Theo người dân, ruộng đất nơi đây xưa kia thuộc sở hữu của cụ Đạt. 
Chuốc rượu say rồi hành quyết
Ông Số cho hay, tiếng cụ Đạt sở hữu trên 30 mẫu ruộng, nhưng cụ rất thương dân nghèo. Vì thế, nhiều khu đất mầu mỡ cụ thường nhường cho họ làm. Cụ chỉ thu một phần tô thuế ít ỏi để sinh sống. Những khi thiên tai, hạn hán mất mùa cụ thường phát thóc gạo cho người dân. Tuy nhiên, cũng vì số ruộng đất của vua ban mà cụ Đạt gặp họa. 
“Diện tích đất vua Gia Long ban phần lớn là diện tích đất của người dân làng khác. Trước đây, trên ruộng đất đó họ làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, không phải nộp thuế cho ai cả. Nhưng từ khi thuộc sở hữu của cụ Đạt, mỗi vụ họ phải nộp tô thuế cho cụ. Dân làng cay cú đã bày mưu, lập kế giết hại cụ. Ngày hôm đó làng giết dê, thịt lợn, mời cụ sang ăn uống. Mọi người hùa nhau chúc rượu khiến cụ say khướt. Vì cụ cao to, khoẻ mạnh không ai dám lao vào giết cụ luôn mà bẫy cụ ngồi trên chiếc giường ọp ẹp. Khi thang giường gãy cụ rơi xuống đất mọi người lao vào chém giết”, ông Số kể.
Theo ông Số, sau khi giết hại cụ Đạt dân làng đó đã bị trừng phạt. Nhiều người trong làng ốm đau mà không hiểu nguyên do gì. Sau này, một pháp sư đến nói nguyên do bị như thế là dân làng đã giết hại cụ Đạt quá dã man. Sau nhiều lần bàn bạc, cuối cùng các cụ trong làng đã quyết định xây dựng ngôi miếu thờ cụ Đạt. 
Cụ Hoan cho biết, miếu cụ đội Đạt rất linh thiêng. 
Linh thiêng miếu thờ cụ đội Đạt
Sau khi cụ Đạt mất, để tưởng nhớ tới cụ nhiều nơi lập miếu thờ phụng. Làng Lực Giá giờ đã đổi thành xã Ninh Mỹ. Từ xưa, người dân nơi đây lập miếu thờ cụ và họ coi cụ là Thành hoàng làng.
Cụ Phạm Thị Hoan, 78 tuổi - người được dân làng cử trông coi miếu cho biết: “Trước đây cả vùng đất này là của cụ, nhưng trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, dân chúng lấn chiếm đất nhiều, giờ khu miếu của cụ chỉ rộng chừng 4 thước ruộng. Tôi trông coi ngôi miếu thờ cụ đội Đạt đã nhiều năm, tôi thấy rằng rất linh thiêng”. 
“Ngôi miếu cổ thờ cụ Đạt đã bị phá hoại từ năm 1978. Thời đó, thấy người dân ra thắp hương, khấn bái, nhiều kẻ bài xích cho rằng mê tín dị đoan đã tổ chức phá miếu. Tuy nhiên, không hiểu vì sao những kẻ tổ chức phá miếu chỉ thời gian ngắn sau lâm bệnh mất. Người dân cho rằng, họ đã bị trừng phạt vì xâm phạm miếu”, ông Số kể.
Người dân nơi đây nghe kể nhiều câu chuyện về cụ đội Đạt. Xưa kia cụ có công trạng trong việc cõng vua Gia Long vượt sông Hoàng Long thoát khỏi vòng vây kẻ thù. Cụ Đạt được vua ban thưởng nhiều ruộng đất. Để tưởng nhớ tới cụ, sau khi cụ mất người dân lập miếu thờ cụ. Mỗi dịp ngày rằm, ngày Tết người dân đều ra thắp hương cúng bái cụ. Đặc biệt, ngày 10/4 Âm lịch là ngày giỗ của cụ, nên người dân lễ bái rất đông.
Ông Trịnh Văn Hòa (Bí thư Chi bộ xóm 2 Thạch Tác, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình)
Đại Cát

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

dangvien moi -

Không thấy tài liệu nói về Nguyễn Ánh đánh nhau với ai (nhà Trịnh hay Tây Sơn) ở Ninh Bình bao giờ.Có phải sông Hoàng long thuộc Ninh Bình ngày nay 0?

Hiển thị thêm bình luận