Sau 12 năm âm thầm khổ luyện, Hoắc Nguyên Giáp cuối cùng cũng có cơ hội khẳng định tài năng võ thuật của mình bằng việc giúp cha đánh bại một danh sư tới Hoắc gia thách đấu.
Với bản tính cương trực, sau này Hoắc Nguyên Giáp nổi tiếng với nhiều lần đứng ra đòi lại công bằng cho người dân, lấy lại danh dự cho người Trung Quốc.
Năm Quang Tự thứ 21 (năm 1895), Hoắc Nguyên Giáp đã lấy vợ, có con. Vì gia cảnh nghèo khó, Hoắc Nguyên Giáp phải đi nhặt củi kiếm tiền để trang trải cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Vốn có sức khoẻ, Nguyên Giáp kiếm củi nhiều gấp đôi người bình thường và mang tới Thiên Tân để bán. Tới cổng phía Tây của thành, Nguyên Giáp bị một tên côn đồ chặn lại, xin đểu rồi mới cho vô thành.
Tức giận, Nguyên Giáp đánh cho tên này một trận, bị mất mặt, hắn kéo một đám lăm lăm đao kiếm tới để báo thù. Tuy nhiên, cả đám bị một mình Hoắc Nguyên Giáp đánh tả tơi.
|
Lý Liên Kiệt vào vai Hoắc Nguyên Giáp trong bộ phim cùng tên. |
Chứng kiến cảnh đó, một ông chủ họ Phùng ở Thiên Tân đã cảm phục, mua lại toàn bộ số củi, còn thiết đãi Hoắc Nguyên Giáp một bữa, người dân ngoài thành cũng lấy làm vui mừng vì nhờ Hoắc Nguyên Giáp, họ không còn bị ức hiếp nữa.
Thế kỷ 19, thành phố Thiên Tân bị các nước đế quốc phân chia thành các khu tô giới. Các võ sĩ phương Tây, Nhật Bản thường đứng ra thách đấu với các võ sư người Hoa và đa số giành chiến thắng.
Một lần, một người Nga tên Solineron tự xưng là “Đại lực sĩ bậc nhất thế giới” và giương bốn chữ "Đông Á bệnh phu" (Người bệnh Đông Á) nhằm chế nhạo các võ sĩ cũng như người Trung Hoa.
Nghe tin, Hoắc Nguyên Giáp phẫn nộ, đi thẳng tới võ đài xin được giao đấu. Trước một con người nhỏ bé, Solineron vốn to lớn hơn rất nhiều đã tỏ ra rất chủ quan. Nhưng Nguyên Giáp đã làm cho đối thủ và rất đông khán giả phải bất ngờ.
Sau khi bị đối phương cậy sức dồn ép với không ít cú đấm và bị quật ngã xuống sàn, Nguyên Giáp lấy hết sức mình tung một đòn cước Mê tung hiểm hóc, đá văng đối thủ to lớn bay ra khỏi sàn đấu.
Mùa xuân năm 1909, võ sĩ người Anh tên là Aopian tới Thượng Hải để biểu diễn, những buổi biểu diễn của Aopian thu hút được sự chú ý của công chúng, Tại buổi biểu diễn cuối cùng, Aopian đưa ra lời thách đấu cùng những từ ngữ tỏ ý khinh thường người Trung Quốc.
Chuyện tới tai Hoắc Nguyên Giáp, tháng 3 năm đó, ông tới Thượng Hải để chấp nhận lời thách đấu với giao kèo sẽ đánh bằng tay không, nếu ai bị ngã xuống đất sẽ thua.
Một võ đài đã được dựng lên rất công phu để phục vụ cho việc tỉ thí, nhưng tới tháng 6 – thời điểm mà hai người so tài, Aopian đã không xuất hiện, võ sĩ người Anh này đã âm thầm rời bỏ Thượng Hải.
Đứng trên võ đài trống, Hoắc Nguyên Giáp đã xin phép người chủ trì để biến cuộc tỉ thí bất thành thành buổi biểu diễn võ thuật, hàng vạn người tới xem vừa hả hê khi võ sĩ người Anh đã bỏ cuộc, vừa mãn nhãn với màn biểu diễn của Hoắc Nguyên Giáp.
Với nhiều lần đả bại các võ sư nước ngoài, Hoắc Nguyên Giáp được tôn là người giỏi nhất Thiên Tân và trở thành một huyền thoại trong giới võ thuật Trung Quốc.
Năm 1909, Hoắc Nguyên Giáp liên kết với một số võ sư người Hoa yêu nước thành lập Tinh Võ Thể Dục Hội, tên ban đầu là Thượng Hải Tinh Võ Thể Dục Hội, Hội được lập ra với mục đích hệ thống hóa và phổ biến rộng rãi nhằm phát triển thể lực, lòng yêu nước và tinh thần phản kháng ngoại xâm của thanh niên Trung Hoa đương thời.
Nhưng chỉ một năm sau khi Tinh Võ Thể dục hội ra đời, Hoắc Nguyên Giáp đột ngột qua đời, cái chết ở tuổi 42 của ông cho đến bây giờ vẫn để lại nhiều nghi ngờ và giả thiết khác nhau.
Mời quý độc giả xem video:
Theo VTC News