Nước Việt từ thuở dựng nước đến nay, lễ tết, hội hè ngày càng phong phú, đa dạng, cũ mới đan xen. Nhưng, Tết Cả mà dân gian quen gọi là Tết Nguyên đán thì vẫn thế, được hình thành và bảo lưu, phát triển. Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, là muôn người nô nức. Vua chúa khi xưa, cũng chờ đón Tết cổ truyền chằng kém muôn dân là mấy. Có điều, mỗi người một thú khác nhau.
Dân gian có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè”. Quả có thế thật, cứ xét khắp ba miền Bắc – Trung – Nam từ cổ chí kim, trong thời gian này, lễ tết, hội hè diễn ra hàng ngày. Thần dân thì không biết thế nào, chứ vua chúa qua các đời thì có muôn kiểu đón năm mới.
|
Ảnh minh họa. |
Tìm trong sử cũ, thấy vào dịp tống cựu, nghênh tân, đức thiên tử nhiều vị nhân dịp này mà làm những việc ích nước, lợi dân như vua Lê Đại Hành năm Đinh Hợi (987) “cày ruộng tịch điền ở núi Đọi… lại cày ở núi Bàn Hải” (Theo Việt sử lược), có vua nhân thời gian đó đổi niên hiệu khẳng định thời trị vì của mình như Lý Huệ Tông năm Tân Mùi (1211) đổi niên hiệu là Kiến Gia; vua Trần Thánh Tông ngày mùng Một Tết năm Quý Dậu (1273) đổi niên hiệu là Bảo Phù; cũng ngày ấy năm Giáp Tý (1324) vua Trần Minh Tông đổi niên hiệu là Khai Thái, hay vua Lê Thái Tông đúng mùng Một Tết năm Canh Thân (1440) đổi niên hiệu là Đại Bảo... Ngoài những việc trên, có vua lại nhân dịp này mà làm ngọc điệp (phả hệ nhà vua), phong vương tước, tổ chức thi cử, ra luật lệnh, sai người đi sứ, thậm chí là xuất quân tiễu trừ giặc giã…
|
Vua thường đi ngắm phố phường dịp Tết. Ảnh minh họa.
|
Ấy là những việc “quốc thái dân an” cho dân cho nước. Còn trong nội điện, cái Tết Cả của các vua như thế nào? Việc này sử sách ghi chép không nhiều lắm, nhưng cóp nhặt lại, chúng ta cũng biết được đôi điều. Xin mạn phép khái lược cho mọi người cùng hay.
Thời vua Lê Đại Hành, năm Nhâm Thìn (992), để đón Tết cổ truyền của dân tộc, vua Lê “ngự điện Càn Nguyên xem đèn” (trích Đại Việt sử ký toàn thư), thưởng thức lễ hội đèn hoa đăng ở Hoa Lư. Đời sau thời Lý, cũng sách trên cho hay, vua Lý Nhân Tông năm Bính Ngọ (1126) cũng dịp này “mở hội đèn Quảng Chiếu 7 ngày đêm. Tha người có tội giam ở phủ đô hộ. Cấm nhân dân mùa xuân không được chặt cây”. Phải chăng tiếp nối từ việc làm này của vị vua trị vì lâu nhất lịch sử nước ta mà ngày nay chúng ta có Tết trồng cây? Thực hư chưa biết ra sao nhưng rõ ràng là ý thức bảo vệ môi trường, cấm sát sinh cây cỏ đã được vua Việt chú ý từ lâu rồi. Cũng thời Lý, vua thứ năm là Lý Thần Tông trong dịp Tết Nguyên đán đã lệnh “mở vườn Diên Quang tại hương Lãnh Kinh” để hoàng thân quốc thích được ngắm hoa thơm, cỏ lạ.
Sang thời nhà Trần, vào năm Mậu Ngọ (1258), sử cũ còn ghi nhận sau chiến thắng quân Mông Cổ xâm lược lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông ngày mùng Một tết Nguyên đán đã thiết triều, cho trăm quan vào chầu, vỗ về dân chúng để yên nghiệp nước. Đồng thời với ngày lễ dân tộc, vua cũng nhân đó mà định công ban thưởng cho các tướng lĩnh có công chống giặc ngoại xâm. Việc đó ý nghĩa biết bao khi giúp củng cố lòng trung thành của quân dân với triều đại. Ấy nhưng cũng thời Trần, vào thời trị vì của vua Trần Dụ Tông, ông vua này lại không có được những việc làm tốt đẹp như tiền nhân. Do là ông vua ham ăn chơi, hưởng lạc, nên dịp Tết cổ truyền càng là dịp để vua được mặc sức với những ham thích của bản thân. Vào dịp Tết Nhâm Dần (1362), vua truyền cho các nhà vương hầu, công chúa dâng trò chơi, trò nào hay nhất được ban thưởng. Là người mê cờ bạc, nên vua triệu tập các nhà giàu trong nước, như ở làng Đình Bảng thuộc Bắc Giang, làng Nga Đính thuộc Quốc Oai thuở ấy vào trong cung đánh bạc làm vui. Có lúc đặt gần 300 quan tiền một ván bài. Thói đỏ đen trong dịp Tết nhiều nơi sinh thành tệ nạn, nhưng không ngờ chính vua là người khởi xướng.
Đến thời nhà Lê sơ, phong tục tốt đẹp, đất nước phồn thịnh, nên việc đón Tết cổ truyền dân tộc của vua có phần mang tính biểu trưng cao, như vua Lê Thái Tông, thường vào dịp Tết, nhân ngày mùng Một tháng Giêng, vua cùng bách quan văn võ đến yết Thái miếu như cách ghi nhớ công ơn giành lại nước, sáng lập triều đại của tổ tông. Đồng thời không quên quan hệ ngoại giao hữu hảo, vua thân chinh đến Khách quán trong Đông Đô, gặp gỡ sứ thần nhà Minh. Công việc xong xuôi, vua về cung mặc áo trắng coi chầu, cho dàn nhạc nổi lên điệu Bình Ngô phá trận, các quan đều mặc cát phục dâng biểu mừng vua, chúc cho muôn họ no đủ, đất nước thái bình. Sau này, vua Lê Nhân Tông vẫn duy trì lệ tốt đẹp đó, lại đến ngày mùng Ba của Tết ban đại yến cho vương hầu, quan lại: “Bính Tỵ (1456). Mùa xuân, tháng Giêng, ngày mùng Ba, ban đại yến cho các quan, Lạng Sơn vương là Nghi Dân cùng dự” (trích Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Có lẽ, việc đón Tết Cả của vua Việt được biết đến nhiều hơn cả là vào đời nhà Nguyễn. Theo đó, vua nhà Nguyễn có lệ du xuân vào ngày mùng Một Tết. Cứ mỗi khi đến ngày này, buổi chiều vua ngồi kiệu vàng cùng đoàn ngự đạo hộ giá nhà vua với 2 con voi và 2 con ngựa đi đầu ra khỏi Đại Nội dạo quanh kinh thành, thăm thú dân tình, lại cho dân được ngắm long nhan. Việc này được ghi nhận từ đời vua Đồng Khánh, các vua sau cũng nối tiếp mà theo lệ. Riêng đối với vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến nước ta và của nhà Nguyễn là Bảo Đại, do tiếp xúc với văn hóa Âu châu, hưởng thụ nền giáo dục từ nước Pháp nên thú chơi xuân của vua cũng có khác. Sau khi làm lễ thiết triều ở điện Thái Hòa, vua Bảo Đại cùng Nam Phương Hoàng hậu đến vấn an, chúc thọ bà Từ Cung. Vốn yêu thể thao, vua Bảo Đại rất thích môn chơi quý tộc, cứ chiều mùng Một hoặc sáng mùng Hai Tết vua về đánh golf ở vùng đồi núi Dạ Lê (nay là phường Dạ Lê, thị xã Hương Thủy) vừa giải trí vừa rèn luyện thể lực.
Tản mạn như trên đủ thấy cách đón Tết cổ truyền dân tộc của đấng quân vương thật phong phú, đa dạng. Nhưng xét chung, mô típ cho việc đón Tết ấy đều có những điểm chung nhất định. Việc này có thể lấy mục Lễ tết chính đán ở quyển XXII phần Lễ nghi chí của sách Lịch triều hiến chương loại chí mà chứng thực, đại lược là:
Trước ngày mùng Một Tết, bệ rồng của vua được đặt ở chính giữa cửa điện Kính Thiên, bảo án đặt phía đông, hương án trước bệ rồng. Dàn nhạc cổ và đại nhạc ở hai bên sân điện. Đến canh năm, vua được rước lên bệ rồng, nhạc Văn quang (nhạc nổi) vang lên, cũng là lúc trời vừa sáng. Bách quan đã tề tựu hai bên sân rồng. Quan tuyên biểu dâng biểu chúc mừng của quan lại trong triều và các đạo chúc vua “vạn thọ vô cương”: “nay gặp tiết chính Nguyên đán, chúng thần kính nghĩ rằng hoàng đế bệ hạ vâng chịu mệnh trời, sáng cầm nghiệp lớn, gặp ngày chính đán, thêm hưởng phúc lành, chúng thần khôn xiết vui mừng chúc tụng, kính chúc hoàng thượng sống lâu muôn năm”. Xong đến lượt quan truyền chế đọc chế mừng của vua dành cho quan lại, thần liêu. Các quan dưới sân nghe xong cảm ơn, tung hô “vạn tuế”. Khi nghi thức trên hoàn thành, buổi chúc mừng năm mới của triều đình kết thúc.
Trần Đình Ba