Vợ vua khi ấy có Lưu Quý phi và Lý Quý phi cùng lúc mang thai. Lưu Quý phi là người rất thông minh, còn Lý Quý phi tính tình đôn hậu. Tống Chân Tông nói, ai sinh con trai thì sẽ lập người đó làm Hoàng hậu.
Trong hậu cung, Lưu phi và thái giám Quách Hòe bắt đầu chuẩn bị âm mưu: Nếu Lý phi sinh con trai thì họ sẽ hoán tráo ly miêu vào chỗ Thái tử, hãm hại Lý phi và tố bà là yêu nhân vì đã sinh ra quái thai.
Quả nhiên, Lý phi hạ sinh Thái tử, kế hoạch trong hậu cung liền được triển khai như đã định. Quách Hòe giao Khấu Châu nhiệm vụ giết Thái tử, nhưng Khấu Châu không nỡ xuống tay nên đã đưa Thái tử giao cho thái giám Trần Lâm. Trần Lâm lại đem Thái tử đưa tới phủ của Bát Hiền Vương. Đúng lúc phu nhân của Bát Hiền Vương cũng đang lâm bồn, sinh hạ một bé gái, nên gia đình truyền ra bên ngoài rằng phu nhân đã sinh ra song sinh long phượng, rồi nhận Thái tử làm con của mình.
Khi đó Lưu phi cũng sinh một bé gái. Lưu phi và Quách Hòe nghi ngờ Khấu Châu không giết chết Thái tử, Khấu Châu một mực nói dối rằng Thái tử đã chết. Để Lưu phi và Quách Hòe không hoài nghi nữa, Khấu Châu đã đập đầu vào cột nhà mà chết.
Lý phi bị đưa vào lãnh cung, rồi sau này lưu lạc nhân gian, nếm trải nhiều khổ nạn, hai mắt không còn sáng nữa. Sau khi Hoàng đế Chân Tông băng hà, con trai thứ hai của Bát Hiền Vương (cũng chính là Thái tử) lên ngôi, xưng là Hoàng đế Tống Nhân Tông. Sau này, ông đã đem vụ án cũ ra xét xử, Lý phi được trở lại hậu cung, Lưu Thái hậu vì thế tự sát, Lý phi chính thức trở thành Thái hậu.
Lý Thái hậu chịu đựng đại nạn này, nếm trải đủ khổ sở trong nhân gian, tính tình ngày càng trở nên thiện lương, thường khuyên nhủ Hoàng thượng chú ý tới các thống khổ của dân chúng. Thái hậu thường nói, Lưu phi quá trọng danh lợi, hại người lại hại bản thân, còn nói: “Ta và cô ấy thời trẻ bản tính rất giống nhau, cái gì mình thích thì muốn có bằng được”.
Chuyện có thật hay chỉ là lời đồn của hậu thế?
Một dòng quan điểm khác lại khẳng định trong lịch sử Trung Hoa không hề tồn tại sự kiện “Ly miêu hoán Thái tử”. Đây chỉ là một giai thoại xuất phát từ thân thế của Tống Nhân Tông mà thôi.
Nhiều nguồn sử liệu khẳng định Tống Nhân Tông vốn không phải là con ruột của Hoàng hậu mà do một cung nữ của Lưu Đức phi là Lý thị sinh thành, được Đức phi thu nhận làm con.
Sau này, Hoàng tử lên ngôi, sử cũ gọi là Tống Nhân Tông. Lưu Đức phi cũng nhờ vậy mà trở thành Hoàng Thái hậu.
Bản thân Nhân Tông không hề biết mẹ đẻ của mình là Lý thị, triều thần cũng không ai dám nói. Nhưng Lưu Thái hậu là người nhân từ, phong mẹ ruột của vua làm Thần phi. Sau khi Lý thị qua đời, bà còn an táng Thần phi bằng nghi thức dành cho Hoàng hậu.
|
Ly miêu hoán Thái Tử |
Không lâu sau đó, Lưu Thái hậu cũng giã từ trần thế. Tới lúc này, quần thần mới có kẻ gièm pha, dâng tấu cho Nhân Tông: “Bệ hạ do Lý Thần phi sinh hạ, thần phi chết oan uổng.”
Nhân Tông vô cùng giận dữ, muốn tru di cả gia tộc họ Lưu. Nhưng may mắn lúc đó linh cữu của Thần phi vẫn còn, Nhân Tông mở ra xem, thấy trang phục và đồ tùy táng đều dành cho Hoàng hậu mới tin tưởng Lưu Thái hậu không hại chết mẹ ruột của mình.
Theo Khỏe & Đẹp