Vào cuối triều Thanh, khi người Hán vẫn còn giữ tục bó chân và coi đôi chân “kim liên tam thốn” (gót sen ba tấc) là chuẩn mực của cái đẹp thì người Mãn lại ung dung hưởng thụ sự thoải mái của đôi chân trần. Dù vậy, phụ nữ Mãn tộc không để cho đôi chân tùy tiện phát triển tới mức to xù. Theo quan niệm của họ, bàn chân phải phẳng, năm ngón chân xinh xắn chụm vào nhau và tránh để ngón chân trỏ đè lên ngón cái. Vì như vậy, khi đi giày sẽ lồi lên một cục, trông rất xấu.
Người Mãn Thanh ưa thích đôi chân phẳng, không chỉ thể hiện ở bàn chân phẳng phiu mà còn ở dáng đi. Khi bước đi, hai bàn chân phải song song, không được đi hình chữ bát hoặc kiểu vạt tép và giữ đúng tư thế: thu bụng, ưỡn ngực. Có vậy, dáng đi mới trở nên thanh thoát, nhanh nhẹn.
Người Mãn coi chân là thứ rất riêng tư, cần che giấu. Vì vậy, ngay như chuyện rửa chân, đi tất, họ cũng không để người ngoài trông thấy. Con dâu trong gia đình Mãn tộc, nếu muốn rửa chân, phải đóng chặt cửa phòng và làm việc ấy trước khi đi ngủ. Khi con trai đã lớn, người mẹ cũng không được phép để quý tử trông thấy mình rửa chân. Vì vậy, để chân trần bước ra khỏi khuê phòng là chuyện hoang đường với phụ nữ Mãn.
Xuất phát từ truyền thống ấy, để thể hiện sự tôn quý, Từ Hy Thái Hậu cũng đặc biệt chú ý tới đôi chân ngọc ngà của mình. “Lão Phật gia” chưa từng cho phép bọn thái giám chạm tay vào mình. Nhưng cũng có kẻ đơm đặt thêm thắt, rằng, vì đau chân, Từ Hy hay đặt chân lên ghế rồi sai hoạn quan “quái thai” Lý Liên Anh xoa bóp cho mình.
|
Từ Hy thái hậu.
|
Bà hoàng này cũng rất coi trọng chuyện đi tất. Nói theo cách của bà: “Với giày, tất đều không nên gượng ép. Không vừa vặn một chút cũng khiến toàn thân khó chịu”.
Tất của Từ Hy thường được làm từ lụa mềm trắng tinh. Vì lụa vốn không co dãn nên đôi tất khâu xong buộc phải vừa khít với chân. Thời đó, phần trước và sau của đôi tất (phần mũi và gót bàn chân) được ghép bởi hai mảnh vải và tạo thành hai đường khâu. Đường khâu phía trước phải chắc, đẹp, có tác dụng như xương sống của đôi tất nên rất khó khâu. Phần này rất quan trọng, nếu khâu không thẳng, chỉ chỗ chặt chỗ lỏng thì tất dễ bị cuộn vào chân, đường chỉ trở nên lệch, xấu. Do vậy, kỹ thuật của người thợ phải cực cao. Mặt trước của đôi tất này có một đường khâu nổi, để thô sẽ rất khó nhìn. Muốn che đi khuyết điểm, người thợ lành nghề sẽ thêu thêm hoa dọc đường khâu này. Như vậy, để hoàn thành một đôi tất phải tốn rất nhiều thời gian.
Cho dù tất được khâu, thêu vô cùng tinh tế, tốn công mất sức, nhưng Từ Hy thái hậu chỉ đi mỗi đôi một lần, tuyệt đối không dùng lại lần hai. Mỗi ngày, ít nhất bà hoàng sẽ thay một đôi mới. Dù là thợ may giỏi nhất thời bấy giờ, cũng phải tốn tới 7, 8 ngày mới có thể hoàn thành một đôi tinh tế, đẹp mắt như trên. Tính chung lại, chỉ riêng việc khâu tất cho bà, mỗi năm phải tốn trên 3.000 công thợ, thêm vào đó là chi phí mua nguyên vật liệu, tiền công trả thợ... Như vậy, mỗi năm Từ Hy thái hậu phải chi trên 10 vạn lạng bạc cho khoản tất chân này.
Không chỉ chỉn chu, xa xỉ trong chuyện đi tất, bà hoàng Từ Hy còn tỏ ra là người sành sỏi, kỹ tính vô cùng đối với việc rửa chân. Có quan điểm cho rằng, ngâm rửa chân có tác dụng gấp bội so với dùng thuốc khi cơ thể mắc bệnh nhẹ mà trở nên uể oải, suy nhược. Riêng với Từ Hy thái hậu, rửa chân không chỉ vì vấn đề vệ sinh mà còn có lợi cho sức khỏe.
Rửa chân cho thái hậu là một trong những công việc hết sức quan trọng trong cung. Nước rửa cũng phải chuẩn bị chu đáo, cẩn thận. Vào ngày “Tam phục” (ngày dương khí cực mạnh), thời tiết nóng bức, lại ẩm thấp, nước rửa chân của bà hoàng là nước hoa cúc Hàng Châu đun sôi để ấm. Loại nước này khiến Từ Hy có được cảm giác mát mẻ, toàn thân sảng khoái, tránh bị cảm nắng. Vào ngày “Tam cửu”, thời tiết giá lạnh, nước rửa chân của thái hậu là nước nấu với đu đủ. Canh đu đủ ấm có tác dụng hoạt huyết, giữ ấm tứ chi và khiến toàn thân trở nên dễ chịu, thư thái. Đương nhiên, người trong cung còn phải căn cứ vào sự thay đổi của thời tiết bốn mùa để tăng giảm các thành phần dược liệu trong nước, giúp bà hoàng khỏe mạnh mà không cần nhờ tới thuốc thang. Thói quen xa xỉ này có thể được xem là một bí quyết giữ gìn sức khỏe của Từ Hy thái hậu.
Trong cung bấy giờ, hầu như ngày nào ngự y cũng phải cung hiến cho bà ta một phương thuốc được gọi là “Bình an thiếp tử”. Thực chất, đây là bài thuốc được bốc dựa vào thay đổi của thời tiết cũng như thể chất của Từ Hy. Hằng ngày, Tô La ở Thái y viện có nhiệm vụ mang phương thuốc tới cho bà hoàng. Người của Thái y viện buộc phải nắm rõ tình hình sức khỏe của thái hậu: xem bà ăn uống ra sao, ngủ nghỉ thế nào, tâm trạng vui hay buồn…
Nếu vào tiết giữa hè nóng bức “Tam phục”, chuyện ăn uống của Từ Hy có phần sa sút, bụng dạ ậm ạch, đám hầu cận sẽ dừng đun nước hoa cúc Hàng Châu. Tương tự như vậy, vào tiết “Tam cửu” lạnh giá giữa đông, khi thái hậu có dấu hiệu bốc nhiệt thượng hỏa, thân thể phát sốt, thì nước đu đủ cũng không còn thích hợp.
|
Sự xa xỉ của Từ Hy thái hậu "khét tiếng" khắp thiên hạ. |
Chậu bạc rửa chân của Từ Hy thái hậu cũng được thiết kế vô cùng công phu, tinh tế. Chiếc chậu này được làm từ mấy tấm bạc lớn, ở giữa là bục bằng gỗ, thành chậu được gò cuộn lại, đáy chậu bằng phẳng. Chậu hình chiếc đấu, sâu hơn so với loại chậu thông thường. Chọn bạc làm chất liệu cũng là dụng ý của bà hoàng bởi nó có tác dụng chống độc, bục gỗ tránh tản nhiệt. Đáy bằng phẳng thuận tiện cho việc di chuyển. Chậu hình đấu, đáy sâu cũng rất hợp cho bà hoàng ngâm chân. Mỗi lần rửa chân, Từ Hy đều dùng hai chiếc chậu loại này, một đựng nước thuốc nóng, một đựng nước sạch. Ngâm xong chân trong nước thuốc, thái hậu sẽ tráng lại bên nước sạch. Vốn nổi tiếng là bà hoàng cẩn thận tới từng centimét trong chuyện chăm chút sức khỏe, vì vậy, Từ Hy tỉ mỉ tới cả việc rửa chân cũng là điều dễ hiểu.
Có bốn cung nữ chuyên đảm trách chuyện rửa chân, tắm táp của bà. Khi rửa chân, hai người sẽ phục vụ, còn khi thái hậu tắm táp, cả bốn người cùng hầu hạ. Đám cung nữ này đã phải trải qua giai đoạn luyện tập cực khắt khe. Thường ngày, họ vẫn làm việc vặt trong cung, nhưng nhiệm vụ chính là tắm rửa cho thái hậu. Họ tỏ ra sành sỏi, chuyên nghiệp hết mực trong chuyện này: từ cách dùng khăn bông để ủ ấm đầu gối cho tới tuyệt chiêu xoa bóp làm thông huyệt đạo ở lòng bàn chân. Khi rửa chân, Từ Hy thái hậu ngồi xuống ghế, miệng vẫn không ngớt tán chuyện với kẻ hầu người hạ, hưởng thụ cảm giác ấm áp, thư thái tới vô cùng. Đây chính là lúc bà thả lòng, dễ chịu nhất trong ngày. Nhờ đó, đám cung nữ cũng thường được khen thưởng.
Rửa chân xong, nếu cần cắt móng, một trong hai cung nữ sẽ đi thắp đèn, sau đó quỳ một gối, chân còn lại chống trên đất, tay xách đèn dâng ngang tầm đầu gối thái hậu. Người còn lại cũng quỳ một gối, tay ôm chân thái hậu đặt trong lòng mình để cắt tỉa móng chân một cách tỉ mẩn, cẩn thận. Muốn thực hiện điều này còn phải trải qua một quy trình khác được gọi là “thỉnh tiễn tử” (xin kéo). Từ Hy đặt ra một quy định vô cùng nghiêm ngặt trong phòng mình, đó là, không ai được phép động vào dao, kéo. Nếu cần dùng, trước tiên phải xin phép. Người cung nữ phục vụ rửa chân cho thái hậu sẽ nói khẽ với người hầu phòng - kiêm nhiệm vụ giám sát: “Xin kéo”. Nghe xong, người này bèn bẩm lại với Từ Hy.
Bà hoàng nói: “Dùng đi, vẫn chỗ cũ!”. Lúc này, người hầu mới được lấy kéo giao cho cung nữ kia. Cắt tỉa xong, hai cung nữ quỳ xuống thỉnh an thái hậu rồi lui ra ngoài. Khi ấy, nhiệm vụ của họ mới được xem là hoàn thành...
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Hải Dịu (theo Voc, Cn.yahoo.com)