Sau khi nghỉ ở Nam Quan, ngày 15 tháng Tư, vua ta mới cùng bầu đoàn chính thức lên đường đến Yên Kinh và được Phúc Khang An đi theo hộ tống.
Được đón tiếp như người thân đi xa trở về
Khỏi cần nói đến đoàn sứ đi đến đâu quan quân nơi đó phải đón tiếp, phục dịch như thế nào và tốn kém ra sao, vua Thanh còn có chỉ dụ nhắc nhở phải đón phái đoàn như khách quý của triều đình, làm sao để sứ đoàn được gặp ông ta càng sớm càng tốt. Vì vậy, các quan lại nhà Thanh phải chia sứ đoàn ra làm hai nhóm. Nhóm mang cống vật cồng kềnh được đưa lên Yên Kinh trước. Nhóm do vua Quang Trung đến Nhiệt Hà, nơi vua Thanh đang nghỉ mát.
Ngày 11 tháng Bảy phái đoàn đến ra mắt vua Thanh. Quan ngự quyển của vua Càn Long mời vào triều kiến, làm lễ "bão kiến thỉnh an". Đây là một điển lễ đặc biệt. Vì bất cứ phái đoàn nào đến ra mắt đều phải "tam quy, cửu khấu đầu" (quỳ ba lần, khấu đầu chín lần). Riêng lễ bão kiến là đặc cách dùng cho người thân đi xa trở về gặp mặt, nhà vua bước xuống ngai vàng hay ra khỏi lều ôm lấy người khách để tỏ sự ưu ái và quan tâm, đồng thời có lời thăm hỏi thân tình.
Sau khi trò chuyện, thăm hỏi, vua Thanh tặng vua ta nhiều vật trân quý và có giá trị như mũ miện, cân đai, áo bào và ngựa. Đặc biệt, trong số đó có "kim hoàng mãng bào", là loại áo bào dành cho các hoàng tử, rất hiếm thân vương được ban áo này. Ngô Văn Sở được phong hàng nhị phẩm, ban cho mũ chóp san hô, ngang với hàng tổng binh. Các bồi thần khác được phong tam phẩm, ngang với hàng tham tướng...
Tiếp đến phái đoàn vua ta cùng với các đoàn phiên quốc được tham dự buổi tổ chức đón tiếp theo lối du mục cổ truyền của dân tộc Mông - Mãn tại Vạn Thụ Viên (Vườn vạn cây). Vua Thanh tiếp các phái đoàn trong một chiếc lều cực lớn, xung quanh có nhiều chiếc lều nhỏ. Vua ta đến dự tiệc mặc kim mãng hoàng bào, mang đai vàng, khoác hoàng mã quải (áo ngắn màu vàng) trong tư thế một vị thân vương.
Lễ mừng thọ "bát tuần" kéo dài hằng tháng, yến tiệc linh đình tại Yên Kinh trước ngày lễ chính thức. Vua Quang Trung dự tiệc, được xếp ngồi ngay bên cạnh vua Càn Long. Trong một dịp như thế, vua Càn Long có ứng tác một bài Đường Luật tặng vua ta, có bốn câu mở đầu: "Vào chầu vừa gặp buổi thời xuân/Mới gặp mà như kẻ vẫn thân/Thuở trước có đâu thờ Tượng quốc/Đời xưa đáng bỉ việc kim nhân" (bản dịch của Hoàng Văn Hòe).
Câu thứ tư trong bài thơ rất đáng chú ý. Vua Càn Long coi việc các triều trước đây như nhà Minh bắt nước ta phải cống tượng Liễu Thăng đúc bằng vàng là điều đáng khinh bỉ.
Vua ta sai Phan Huy Ích làm thơ họa lại, được Càn Long rất tán thưởng, gọi lên ban cho chén ngự tửu.
Ngày 13 tháng Tám lễ mừng thọ bát tuần chính thức tổ chức tại Vườn Viên Minh. Đại tiệc tên là Kim long đại yến trác được mở kéo dài tới ngày 20 tháng Tám. Bàn tiệc của vua Càn Long để ngay trước ngai vàng. Bốn món khai vị đựng bằng đĩa vàng. Sau đó lần lượt được bưng ra đủ thứ sơn hào hải vị, tổng cộng là 109 món! Theo sử nước ta, phái đoàn ta cũng mang đến một đoàn nhạc công hát mười từ khúc chúc thọ.
Vì công việc trong nước còn bề bộn, ngay sau khi mãn tiệc, ngày 20 tháng Tám vua ta cáo từ ra về. Vua Càn Long đặc phái Tuần phủ Quảng Tây Thang Hùng Nghiệp và Bố chánh Trần Trung Phu đi theo phái đoàn để lo liệu chuyện xe cộ, thuyền bè. Phải đến tháng 12, phái đoàn mới trở về đến Nghệ An.
Một người trong sứ bộ là Đoàn Nguyên Tuấn đã ghi lại đầy tự hào như sau: "Từ xưa tới giờ, người mình đi sứ Trung Quốc, chưa có lần nào lạ lùng và vẻ vang như thế".
|
Chân dung vua Quang Trung do họa sĩ cung đình nhà Thanh vẽ năm 1790. |
Có thực vua Quang Trung đi sứ?
Xin trở lại một điều nghi vấn trong chuyến đi sứ này của vua Quang Trung. Theo một số tài liệu và sách sử về sau truyền lại rằng, người đi sang Tàu không phải là Nguyễn Huệ mà do người khác đóng thế. Người đóng thế ấy là Phạm Công Trị, cháu gọi Nguyễn Huệ là cậu. Nếu quả thế thì chuyện "lừa gạt" đâu có thể che giấu và được Càn Long chấp nhận. Như trên đã nhắc đến, trong đoàn đi sứ có Phạm Công Trị và ông này đã đưa Nguyễn Quang Thùy trở về trước khi vào Nam Quan. Trong tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí thì lại viết: Ngô Thì Nhậm đã tìm được một viên võ quan ở Nghệ An tên là Nguyễn Quang Thực có dung mạo giống Nguyễn Huệ cho làm "giả vương".
Chuyện này thực hư thế nào vẫn còn là một "nghi án". Tuy nhiên, theo những nguồn tài liệu mới thì chính Nguyễn Huệ đã dẫn đầu chuyến đi sứ mạo hiểm này. Và chuyện tung tin giả vương cũng nằm trong kế sách hư hư thực thực của vị vua nhiều mưu cao kế lạ này. Và "giả vương" có thể lại là người đóng thế ở trong nước bên cạnh Ngô Thì Nhậm để giữ yên trong nước khi nhà vua phải đi xa hơn nửa năm trời.
Dĩ Nguyên