Sự thay đổi của nghề kỹ nữ ở Trung Quốc thời cận đại được miêu tả rõ trong tư liệu “Ca kỹ Trung Quốc - trước kia và hiện nay” của Đơn Quang Đĩnh:
1. Số lượng kỹ nữ và kỹ viện tăng mạnh, các loại kỹ viện tăng rõ rệt. Lấy Thượng Hải làm ví dụ, năm 1935, có người điều tra “đĩ công và đĩ tư ở vùng Thượng Hải là 6 đến 10 vạn người (“Vấn đề kỹ nữ” của Bao Tổ Tuyên, trang 81, Thư điếm - bạn gái Thượng Hải, ấn hành năm 1935). Nhân khẩu Thượng Hải lúc đó khoảng 3,6 đến 4 triệu, “tính theo nhân khẩu, Thượng Hải xứng đáng là nơi có số kỹ nữ cao nhất thế giới” (“Bến Thượng Hải bị bán” của Hoắc Tái, trang 205, Thương vụ ấn thư quán xuất bản năm 1960).
Nói về các loại kỹ viện, Thượng Hải có loại cao cấp như “Thư ngụ”, “Trường Tam”, cũng có loại đẳng cấp thấp hoặc hạ đẳng như “Ma nhị đường tử”, “Hoa yên gian”, “Đinh San”, “Khiếu lão Trùng”, “Lão trùng sào”, “Đài cơ”, “Hàm nhục trang”, vừa có trong thành phố, vừa có ngoài thành phố và nước ngoài nữa. Như Kỹ viện Quảng Đông, Kỹ viện Đông Dương, Kỹ viện nước ngoài, Kỹ viện Bạch Nga, còn có những chỗ không rõ tông tích như Thảng Bài, Gà đồng, đủ kiểu đủ loại, rất khác nhau.
|
Ảnh minh họa. |
2. Đã từ nghề ca kỹ cổ đại Trung Quốc coi trọng kỹ xảo ca múa, chuyển thành mại dâm, bán thể xác trần trụi, đối tượng phục dịch không chỉ là văn nhân học sĩ, quan chức quyền quý mà là các loại người, đủ cả sĩ, nông, công, thương.
3. Mại dâm trở thành hiện tượng công khai phổ biến. Ca kỹ cổ đại chủ yếu phục vụ ca múa nhạc kịch, phục vụ tình dục là thứ yếu và che đậy. Kỹ nữ Trung Quốc cận - hiện đại bán dâm công khai, thô tục và phổ biến, “hoàn toàn không có tí chút mùi vị kỹ xảo nghệ thuật, mại dâm công khai đã phổ biến khắp thành thị nông thôn Trung Quốc.
Các “gà đồng” trên đường phố Thượng Hải trắng trợn kéo khách đã trở thành cảnh tượng phổ biến của xã hội. Ngày 24.8.1934, “Trung Hoa nhật báo” dẫn lời người bán hàng trên đường phố Ái Đa Á: “Người qua đường không cần biết trắng đen, đều thực hiện lôi kéo. Gặp khách lái buôn nông thôn đi một mình đều ra níu kéo, thậm chí còn cướp giật không khác gì kẻ cướp”.
4. Cảnh ngộ kỹ nữ ngày càng tồi tệ, đã trở thành công cụ thỏa mãn tình dục và đối tượng bóc lột thuần túy. Địa vị xã hội của kỹ nữ rất thấp, hầu như không được luật pháp và đạo đức bảo hộ, chỉ có thể để người đời mặc sức cắn xé. Bề ngoài, họ “tươi thơm châu ngọc”, “sớm tối vui vẻ”, nhưng thực tế, họ chịu nhiều tầng áp bức bóc lột: Ông chủ, mụ chứa, bọn lưu manh côn đồ, cảnh sát.
Ngày 12/6/1935, “Đại vãn báo” đăng: Kỹ nữ tại Quảng Châu, mỗi cuộc rượu, khách chi 5 đồng, nhưng lại phải nộp thuế son phấn 1,1 đồng, các phí dụng khác 1,8 đồng, cộng nộp 2,9 đồng. Nhà nước lấy gần 60%. Số rất đông kỹ nữ qua một, hai năm bán dâm, đều bị bệnh đường sinh dục, có người bị đối xử nhục nhã mà chết.
Thập niên 1950, chính phủ Trung Quốc thành công trong việc đánh đổ chế độ đĩ điếm ở đại lục. Nước CHND Trung Hoa thành lập, sau khi chỉnh đốn công việc trật tự trị an, các thành thị đã quyết tâm tiêu diệt chế độ đĩ điếm do Trung Quốc cũ để lại, bằng hai phương thức cụ thể là “phương thức Bắc Kinh” và “phương thức Thiên Tân”.
Phương thức Bắc Kinh là phương thức cấm đĩ do Bắc Kinh đại diện, tức là cố gắng trong thời gian ngắn nhất, tập trung sức người sức của đồng loạt đóng cửa kỹ viện, tập trung điều tra xử lý các chủ chứa, cò mồi, tập trung thu dung, giáo dục và trị bệnh, dạy nghề cho gái điếm.
Còn phương thức Thiên Tân là phương thức cấm đĩ do Thiên Tân đại diện, là thời gian tương đối dài sau ngày mới giải phóng, theo phương châm “hạn chế”, dùng nhiều phương thức hạn chế có tính cưỡng chế, hạn chế kỹ viện hoạt động, để cho nó teo dần, tự tiêu diệt, hướng dẫn gái điếm đổi nghề, tìm cuộc sống khác, đợi thời gian chín muồi mới đồng loạt đóng cửa các kỹ viện còn lại.
Theo Đàm Đại Chính, qua 3 năm cố gắng, đến 1953, chính quyền nhân dân đã xóa bỏ chế độ kỹ nữ tồn tại mấy ngàn năm ở Trung Quốc. Năm 1964, Trung Quốc đã tuyên bố với toàn thế giới là xóa bỏ bệnh sinh dục ở đại lục. Nó cung cấp kinh nghiệm lịch sử quý báu tiêu diệt mại dâm, một hiện tượng xã hội xấu xa, độc ác của nhân loại.
Theo Lao động