Trần Bình Trọng là một dũng tướng trung nghĩa triều Trần Nhân Tông, có công lớn hộ giá bảo vệ Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai (1285). Có tư liệu cho rằng, ông chính là con trai của danh tướng Lê Tần và vị nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam - Lý Chiêu Hoàng.
Lý Chiêu Hoàng - một nhân vật độc đáo
Lý Chiêu Hoàng - nữ hoàng duy nhất trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam, xuất hiện thoáng qua trên vũ đài chính trị, ở ngôi báu hơn một năm, nhưng đã trở thành nhân vật độc đáo, thành đề tài luận bàn gần 800 năm qua và còn thu hút sự quan tâm của các thế hệ người Việt mãi sau này.
Tuy nhiên, chính sử khi viết về Lý Chiêu Hoàng chỉ đề cập những dòng sơ lược, ngắn ngủi khiến hậu thế ít ai biết, cuộc đời bà có bao sự độc đáo, thú vị cùng những chi tiết về gia đình riêng rất đặc biệt.
Lý Chiêu Hoàng tên thật là Lý Phật Kim sau đổi là Lý Thiên Hinh, được sắc phong làm Chiêu Thánh công chúa, là con gái thứ hai vua Lý Huệ Tông và Hoàng hậu Trần Thị Dung.
Theo chính sử, bà chào đời tháng 9 năm Mậu Dần (1218), còn nội dung bản văn chầu sự tích về công chúa cho biết rõ hơn về ngày sinh, đó là ngày 16 qua đoạn ghi "lại còn thu cửu trăng cao/ngọc hoàng sai chúa hiện vào Lý gia”, như vậy thu cửu tức là mùa thu tháng 9, còn trăng cao là vào ngày 16 giữa tháng khi trăng tròn mọc cao và sáng nhất.
Lý Chiêu Hoàng bị truất ngôi hoàng hậu ở tuổi 19 (1237) sau 12 năm chung sống với Trần Thái Tông, trở lại với danh vị công chúa. Và hơn 20 năm sau, ở tuổi tứ tuần, bà bị chính Thái Tông gả cho Lê Tần, vị tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên.
|
Ảnh minh họa. |
Lê Tần - dòng dõi Lê Đại Hành
Lê Tần là danh tướng, mưu sĩ tài ba triều Trần Thái Tông; quê làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Không rõ năm sinh, tổ tiên vốn dòng dõi Lê Đại Hành, cha là Lê Khâm có công giúp Trần Thừa, Trần Thủ Độ đánh dẹp nạn cát cứ của Nguyễn Nộn, mang lại ngôi báu cho họ Trần, được Trần Thái Tông phong chức Khuông việt Thượng tướng quân, tước Thượng Vị Hầu. Ông có học vấn uyên thâm, có tài văn võ, sống cương trực, được triều đình nhà Trần tin tưởng trọng dụng. Tháng 2/1250, Trần Thái Tông phong cho ông Ngự sử trung tướng, tri Tam ty tiện sự, trông coi Viện Tam ty.
Cuối năm 1257, quân Mông - Nguyên đánh chiếm Đại Lý, áp sát biên giới, nhằm đánh chiếm Đại Việt, nhiều lần sai sứ sang dọa nạt, dụ hàng quân dân Đại Việt, nhưng đều thất bại. Ngày17/1/1258, Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy hơn 3 vạn quân, tiến đánh Đại Việt. Vua Trần Thái Tông thân chinh cầm quân, cử Lê Tần làm tướng tiên phong, dàn trận ở Bình Lệ Nguyên (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) chặn địch.
Trận chiến diễn ra ác liệt, Lê Tần xông pha trận mạc, đốc thúc quân sĩ đánh địch, vừa dũng mãnh, vừa bình tĩnh trong trận chiến. Nhưng thế trận quân Trần bị lấn dần, Lê Tần biết lúc này chưa thể đối đầu trực diện với quân địch, nên cố sức can vua tạm lánh để bảo toàn lực lượng. Vua Trần nghe theo ra lệnh cho lui quân và tổ chức các đội dân binh liên tục tập kích quân địch, lệnh cho phá cầu Phủ Lỗ làm chậm bước tiến quân giặc. Quân Mông - Nguyên đuổi gấp, âm mưu cướp thuyền bắt sống vua Trần. Lê Tần chỉ huy hậu quân chặn đánh quyết liệt, giúp vua Trần và đại quân rút lui an toàn.
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu