Vị hoàng đế ấy là Trần Thái Tông. Ông tên thật là Trần Bồ, sau đổi thành Trần Cảnh, là con thứ của Thái Tổ Chí Hiếu hoàng đế Trần Thừa, mẹ là Thuận Từ hoàng hậu Lê thị. Ông sinh vào ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần, niên hiệu Kiến Gia thứ 8 triều Lý (tức 10 tháng 7 năm 1218). Ông được sử cũ mô tả là người có mũi cao, mặt rộng, giống như Hán Cao Tổ.
Khi ông sinh ra, họ Trần đã nắm quyền lấn át triều chính nhà Lý. Lúc đó chú họ là Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ, cai quản toàn bộ binh lực triều đình. Cuối năm 1225, Trần Thủ Độ lập kế để nữ hoàng nhà Lý mới lên 8 tuổi nhường ngôi cho ông. Ông trở thành Hoàng đế Đại Việt, lập ra triều đại nhà Trần. Trần Thừa trở thành Thái thượng hoàng, cùng Trần Thủ Độ chấp chính giúp vua trị nước.
|
Hoàng đế Trần Thái Tông. Nguồn: Internet. |
Năm 1254, quân Mông Cổ đánh chiếm nước Đại Lý (Vân Nam ngày nay), muốn đánh chiếm Đại Việt để tạo thế "gọng kìm" bao vây Nam Tống. Các đoàn ngoại giao của Mông Cổ được phái sang Thăng Long đề nghị mở đường cho quân đội Mông Cổ đi qua để lên đất Tống. Nhưng các vua Trần đã từ chối các nhà ngoại giao Mông Cổ. Chiến tranh nổ ra vào năm 1258 khi Uriyangqatai cùng con trai là Aju đem 3 vạn quân Mông Cổ và 1,5 vạn quân Đại Lý tấn công Đại Việt. Quân Mông Cổ mau chóng giành được thắng lợi, chiếm được kinh đô Thăng Long, nhưng rồi cũng mau chóng bị quân dân nhà Trần đánh bật khỏi lãnh thổ Đại Việt. Cuộc chiến năm 1258 chỉ diễn ra trong vòng khoảng nửa tháng, cuối tháng 1 năm 1258.
Sau lễ mừng công chiến thắng, ông truyền ngôi cho Thái tử Trần Hoảng, lui về làm Thái thượng hoàng, được tôn làm Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái Thượng Hoàng Đế.
|
Lăng vua Trần Thái Tông ở Thái Bình. Nguồn: Internet. |
Ở ngôi Thái thượng hoàng 19 năm, ngày mồng 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (tức 5 tháng 5 năm 1277), Trần Thái Tông băng hà tại điện Vạn Thọ, thọ 60 tuổi, táng tại Chiêu Lăng phủ Long Hưng (Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình ngày nay).
Điều đáng nói là trước khi về miền cực lạc, vị Thái thượng hoàng này lại đoán biết trước được cả ngày chết của mình trước đó không lâu, việc ấy được Việt sử tiêu án ghi nhận tượng tận:
“Thái Tôn đến nhà ngự, hốt nhiên thấy con rết leo lên áo, lấy tay gạt xuống đất, có tiếng kêu, trông ra là cái đinh sắt, nhân thế mới xem bói, nói rằng: Đó là điềm về năm Đinh. Lại đùa bảo Mặc Lão xem cho biết tốt hay xấu, Mặc Lão nói:
- Thấy có một cái rương vuông, bốn bên đều có chữ Nguyệt, trên rương có một cái kim, cái lược.
Trần Thánh Tông mới suy ra rằng: “Cái hòm đó là quan tài, 4 mặt chữ “Nguyệt” tức là tháng 4, nguyệt cũng là mệnh âm (trái với nhật, tức mặt trời là mệnh dương). Cái kim trên hòm có thể xâu vật gì đó tương ứng với đòn xóc khiêng quan tài. Chữ “sơ” là cái lược, đồng âm với chữ “sơ” là xa, tức là sẽ xa rời cõi sống.
Và rồi, đương lúc đó, Thượng hoàng xem múa rối, tiết mục đó có câu cửa miệng: “Chóng đến ngày mùng một thay phiên” thì Trần Thánh Tông lại đoán rằng: “Thế là mùng Một ta chết”.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng viết: “Vế sau lời chiêm đoán của Thái Thượng Hoàng không sai chút nào. Đúng mùng một tháng Tư năm Đinh Sửu (1277), ông băng hà. Tương truyền, vào năm Bính Tý (1276), có lần ông bảo trước với người hậu cận: “Đến tháng tư sang năm ta tất chết”.
Quả nhiên đúng như lời suy đoán của vị Thượng hoàng, ngày mùng Một tháng tư năm Đinh Sửu (1277), Thượng hoàng Trần Thái Tông băng hà.
Câu chuyện này xem ra khá ly kỳ, bởi ngoài công trạng lừng lẫy trong nhiệm vụ với quốc gia dân tộc, Trần Thái Tông dường như biết được cả mệnh trời khi ông đã đoán chính xác được ngày mình sa băng. Khó lý giải nhưng rõ ràng sử sách ngày xưa có chép như vậy!
Theo Út Tẻo/Dân Việt