Nhà cầm quân thiên tài
Cuộc kháng chiến trường kì 30 năm của dân tộc ta đã sản sinh ra một thế hệ tướng lĩnh tài giỏi. Họ là những nhà cầm quân thiên tài nhưng đặc biệt hầu hết không xuất thân từ các trường lớp quân sự. Lúc sinh thời, khi trả lời phỏng vấn của một tờ báo, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đánh giá có 4 vị tướng xuất sắc nhất là: Đầu tiên là tướng
Võ Nguyên Giáp, thứ hai là tướng Lê Trọng Tấn, thứ ba là tướng Hoàng Văn Thái và thứ tư là tướng Nguyễn Hữu An.
Nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2014), Kiến Thức xin giới thiệu tới độc giả các bài viết về hồ sơ chiến tranh Việt Nam với những thông tin đầy đủ, sinh động và giàu giá trị tham khảo. Kính mời độc giả theo dõi, đón đọc.
Trong đánh giá của tướng Thảo, người xếp vị trí thứ hai sau thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp là Đại tướng Lê Trọng Tấn. Tất nhiên còn nhiều góc nhìn khác có thể sắp xếp những người khác nhưng cách đánh giá của Thượng tướng Thảo về tướng Tấn hoàn toàn có cơ sở.
Nhìn lại một cách tổng quát cuộc chiến tranh 30 năm qua của dân tộc ta, ngoại trừ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người vạch đường lối chiến lược quan trọng, không có một tướng lĩnh nào có thành tích chiến đấu như tướng Tấn. Năm 1954, đại đoàn 312 do ông làm tư lệnh là đơn vị đã mở đầu chiến dịch Điện Biên và cũng là những người đánh vào sở chỉ huy của De Castries sớm nhất và bắt sống De Castries. Sáng 7/5/1954, khi tin tức báo về Bộ Tổng tư lệnh, tướng Giáp còn ngỡ ngàng vì nhanh quá nên yêu cầu phải xác nhận lại.
|
Tướng Tấn và tướng Giáp trao đổi tình hình chiến sự. Ảnh tư liệu |
Ngay sau đó, Lê Trọng Tấn và chính ủy Trần Độ là những sĩ quan cao cấp đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào
De Castries và tiếp xúc với Bộ tham mưu của Pháp ở Điện Biên. Theo hồi ức của Trần Độ được ghi trong cuốn sách của Võ Bá Cường thì sau khi nói chuyện với Lê Trọng Tấn và Trần Độ bằng tiếng Pháp, De Castries đã nói đại ý: Tiếp xúc với các ông tôi thấy sự chiến thắng của các ông là xứng đáng.
Trong
đại thắng mùa xuân 1975, tướng Lê Trọng Tấn là người lên kế hoạch và chỉ huy chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng. Ban đầu ông dự định đánh trong 5 ngày nhưng tướng Giáp không đồng ý yêu cầu chỉ được chuẩn bị trong 3 ngày. Mặc dù lúc đó tướng Tấn lo lắng 3 ngày khó hoàn thành nhưng ông đã nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh.
Nhờ chớp thời cơ quân địch đang hoang mang tan rã, với một lực lượng yếu hơn địch nhưng quân ta đã nhanh chóng tràn qua Huế và Đà Nẵng, đập tan âm mưu co cụm của địch đồng thời đánh tan 100.000 quân hỗn hợp các quân binh chủng của địch.
Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, tướng Lê Trọng Tấn được cử làm Phó tư lệnh chiến dịch kiêm phụ trách cánh quân hướng Đông gồm quân đoàn 2 và quân đoàn 4.
Trong trận cuối cùng đánh vào Sài Gòn, cánh quân tướng Tấn ở cách xa nội đô hơn các mũi khác. Hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nêu một sự kiện chứng minh việc này. Hồi ký viết: Theo kế hoạch, 5h30 sáng 30/4/1975, các hướng đồng loạt đánh vào Sài Gòn. Riêng cánh quân phía đông, anh Lê Trọng Tấn đề nghị nổ súng từ 18 giờ ngày 29/4. Lý do là các lực lượng ta còn cách vùng ven từ 15 đến 20km, phải vừa đánh địch vừa tiến quân, lại phải vượt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nếu cùng nổ súng sẽ không đến kịp”.
|
Tướng Lê Trọng Tấn (bên trái ảnh) và tướng Trần Độ tại rừng miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu |
Mặc dù vậy, cũng như 21 năm trước, cánh quân của tướng Tấn lại là cánh quân đầu tiên tiến vào cơ quan đầu não của đối phương mà cụ thể ở đây là
Dinh Độc Lập. Vinh dự bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và nội các thuộc về các chiến sĩ xe tăng của lữ đoàn 203 và quân đoàn II thuộc cánh quân hướng đông nói chung. Nhưng đó cũng là vinh dự cho người chỉ huy cánh quân này.
Tướng Tấn trong đánh giá của các đồng sự
Tướng Tấn vốn tên thật là Lê Trọng Tố, xuất thân trong một gia đình trí thức có cha là một nhà Nho thường được gọi là cụ đồ Lê. Mặc dù gia cảnh bần hàn, cụ đồ Lê vẫn cố gắng nuôi các con ăn học. Lê Trọng Tố đã được theo học trường Bưởi ở Hà Nội.
Theo Wikipedia, thời thanh niên, tướng Tấn mê học võ nghệ và bóng đá. Ông từng tham gia đội bóng Éclair (tia chớp) ở vị trí tiền vệ.
Còn đối với niềm đam mê võ thuật, trong hồi ký Từ Đồng Quan đến Điện Biên, chính tướng Lê Trọng Tấn thừa nhận điều này. Ông viết đại ý: Thời đó thanh niên chúng tôi rất mê võ, con nhà giàu học võ để giữ của, người bình thường học võ để không ai bắt nạt được mình.
Lê Trọng Tố bắt đầu tham gia cách mạng từ khoảng năm 1944 sau khi được bà Hoàng Ngân (khi đó là người phụ trách công tác binh vận của Xứ ủy Bắc Kỳ) giác ngộ. Trong Cách mạng tháng 8, Lê Trọng Tố tham gia giành chính quyền tại huyện Ứng Hòa và tỉnh Hà Đông ở cương vị ủy viên Ủyban khởi nghĩa tỉnh Hà Đông.
Ông chuyển sang binh nghiệp từ năm 1946 với chức vụ trung đoàn phó rồi trung đoàn trưởng của trung đoàn Sơn La. Năm 1950, đại đoàn 312 thành lập, ông được bổ nhiệm làm đại đoàn trưởng.
Từ năm 1946 đến khi mất (1986) tướng Tấn đã nam chinh bắc chiến liên tục. Suốt 40 năm, ông có mặt ở hầu hết các chiến trường trọng điểm. Ngoài chiến dịch Điện Biên và chiến dịch Hồ Chí Minh, tướng Tấn còn tham gia và có công lớn trong nhiều chiến dịch quan trọng khác như Đường 9 nam Lào, chiến dịch Trị Thiên, chiến dịch phản công biên giới Tây Nam…
Tướng Võ Nguyên Giáp đã giành những lời rất tốt đẹp khi nói về ông khi nói: “Trận nào anh Tấn trực tiếp đốc chiến thì tôi đã yên tâm 50%” và “ Người chỉ huy kiên cường, lỗi lạc, người bạn chiến đấu chí thiết”. Trong một nhận định khác có tính khẳng định hơn, tướng Giáp nói: “Lê Trọng Tấn là một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam qua các thời đại”.
Trong một lần trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, tác giả đã đặt câu hỏi với tướng Thước về tướng Lê Trọng Tấn thì được câu trả lời như thế này: “Đây là một vị tướng giỏi cả về tài năng, về sức sáng tạo và đặc biệt là chất nhân văn của một người tướng. Dù là ở cấp cao nhưng vẫn sống rất bình dân, bình dị hai là khi chiến đấu thì rất quan tâm người chiến sĩ. Trong những thời điểm khó khăn nhất ông thường có mặt động viên cấp dưới.
Nói chung tướng Tấn là một tướng chiến lược, một danh tướng. Lúc ở cơ quan cũng giỏi nhưng quan trọng nhất là trong từng trận chiến, tướng Tấn là tướng chiến trường, là cánh tay phải của tướng Giáp”.
Khánh Nam