Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Người phát ngôn Chính phủ Campuchia, Phay Siphan cho biết Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh các tài liệu liên quan đến
bản đồ phân giới với Việt Nam không chỉ là những căn cứ xác thực được Quốc vương và Quốc hội Campuchia phê chuẩn mà còn là một bằng chứng lịch sử trong nghiên cứu khoa học về lãnh thổ quốc gia.
|
Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
|
Theo nhà lãnh đạo Campuchia, tài liệu này cũng chứng minh sự minh bạch, nghiêm túc và trách nhiệm cao của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Campuchia, đập tan những cáo buộc phi lý và sai trái rằng CPP và Thủ tướng Hun Sen bán đất cho Việt Nam.
Quyết định của Thủ tướng Hun Sen được đưa ra sau khi nghị sỹ đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) đối lập Um Sam An ngày 7/10 tuyên bố trên phương tiện truyền thông rằng đã tìm thấy tấm bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 được Campuchia nộp lưu chiểu vào Liên hợp quốc (LHQ) ngày 4/10/1954.
Ông Um Sam An cho rằng đây chính là bản đồ Campuchia được quy định trong Hiến pháp và vì thế cần xem xét lại các cột mốc biên giới Campuchia - Việt Nam vì Chính phủ Campuchia sử dụng bản đồ không hợp hiến trong quá trình phân giới.
Cùng ngày, Chính phủ Campuchia tuyên bố xem xét áp dụng biện pháp pháp lý chặt chẽ với nghị sỹ Um Sam An về những tuyên bố nói trên.
Báo chí Campuchia dẫn thông cáo của Cơ quan Báo chí và phản ứng nhanh thuộc Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia nêu rõ hành động và lời nói của nghị sỹ Um Sam An từ trước đến nay nhằm kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan, gây hiểu lầm trong dư luận trong và ngoài nước về vấn đề chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia.
Hành động ngoan cố của ông Um Sam An kích động gây mất an ninh, ổn định xã hội, phá hoại đoàn kết dân tộc, vì thế chính phủ có nghĩa vụ phải xem xét áp dụng các biện pháp pháp luật nghiêm ngặt để bảo vệ Hiến pháp cũng như sự thống nhất của dân tộc và nhân dân Campuchia.
Thông cáo khẳng định, bản đồ chính thức được công nhận theo Hiến pháp Campuchia là bản đồ được nộp lưu chiểu tại LHQ vào năm 1964, không phải vào năm 1954 như lời ông Um Sam An.
Ông Um Sam An có hai quốc tịch Mỹ và Campuchia, đã rời Campuchia sang Mỹ từ hồi tháng 8 vừa qua. Ông này dự kiến sẽ trở về Campuchia vào đầu năm 2016.
Theo TTXVN/Tin Tức