Chị Trần Hương an toàn trong vụ động đất ở Nepal ngày 25/4 và tới Sân bay quốc tế Tribhuvan ngày 26/4 để trở về Việt Nam. Chị trải qua đêm dài tại sân bay cùng các hành khách của nhiều nước khác và hiện vẫn tiếp tục chờ đợi ở phi trường. Trần Hương là người giám sát bóng đá nữ Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), có chuyến công tác tại Kathmandu.
"Chờ đợi và chờ đợi.... Cả sân bay như trại tị nạn, các con giời cứ thấy máy bay nào đến thì mừng như được giải cứu", bà mẹ trẻ viết trên trang cá nhân.
|
Người đứng, người ngồi tại Sân bay quốc tế Tribhuvan hôm qua. Ảnh: Facebook Huong Tran. |
Trong thời gian chờ, chị cảm nhận được một lần rung lắc nhẹ tại phi trường.
Chị giúp khiêng hành lý của mọi người ra xe tải để chở lên máy bay vì hệ thống băng chuyền hỏng. Điện thoại sắp hết pin, chị tìm kiếm và cuối cùng mò được ổ điện để nhiều người cùng dùng chung.
Theo miêu tả của người phụ nữ quê Nam Định, nhiều phi cơ đến sân bay nhưng phải lượn vòng vì chưa có chỗ hạ cánh ngày 26/4.
Trả lời phóng viên trưa 27/4, chị Hương cho biết, chị ổn. Chị tranh thủ về khách sạn ăn, tắm và đã trở lại sân bay chờ chuyến 14h.
|
Chị Hương chụp ảnh tại Quảng trường Patan Durbar nổi tiếng của Nepal trước khi có động đất. Trận động đất ngày 25/4 đã phá hủy công trình cổ này. Ảnh: Facebook/AP. |
Trong khi đó, báo NDTV của Ấn Độ đưa tin, hơn 1.000 người xếp hàng tại sân bay ở Kathmandu để rời Nepal sau khi thảm họa ập tới, cướp đi sinh mạng của hơn 3.200 người và biến thủ đô nước này thành đống đổ nát.
Khoảng 20 khách du lịch Việt ở Nepal khi động đất xảy ra, theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal. Đại sứ quán đang liên hệ với các đầu mối để tiếp tục cập nhật thêm thông tin và có biện pháp hỗ trợ công dân Việt Nam tại Nepal.
Ông Trần Quang Tuyến, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal, cũng công bố số điện thoại để các nhóm người Việt liên lạc nếu cần hỗ trợ: 00 91 971 6793 097.
Chị Hương đến Kathmandu, thủ đô Nepal, công tác gần 10 ngày trước trận động đất lịch sử. Thảm họa bắt đầu khi chị đang ở sân vận động Dasrath chuẩn bị cho trận tranh huy chương đồng giữa đội bóng nữ Ấn Độ và Iran.
Từng chứng kiến động đất tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, năm 2008, nên chị hiểu điều gì đang xảy ra. Chị hô to "Động đất" rồi cùng 2 đội bóng chạy ra giữa sân, nơi chị cho là an toàn nhất.
Khán đài sân vận động rung chuyển và cánh cổng sân đổ rầm sau cơn giận dữ của thiên nhiên. Chị trở về khách sạn, nơi cũng bị động đất phá tan tành. Sau đó, chị Hương trải qua hơn 60 dư chấn khác sau động đất mạnh 7,9 độ Richter. Mỗi lần như vậy, chị cùng các bạn lại ba chân bốn cẳng chạy tới nơi an toàn.
Chị Hương nói với phóng viên rằng, chuyến đi này thật đáng nhớ và có nhiều kỷ niệm. Chị đang mong ngóng trở về nhà với gia đình.
Theo Zing.vn