Chiến đấu cơ Nhật rượt đuổi máy bay quân sự Nga

Google News

(Kiến Thức) - Các chiến đấu cơ Nhật Bản lập tức được triển khai ngay sau khi 2 máy bay quân sự Nga bị phát hiện lượn lờ dọc bờ biển phía bắc của nước này.

Máy bay ném bom Nga TU-95 bay trong không phận Nhật Bản gần đảo Okinoshima hôm 22/8.
Hai chiếc máy quân sự Nga IL-38 đã bay dọc bờ biển Hokkaido, Aomori và Akita hướng ra Biển Nhật Bản hôm qua nhưng vẫn ở ngoài không phận Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết.
Lực lượng Tự vệ Nhật Bản đã “đáp trả bằng cách triển khai phi đội chiến đấu cơ”, thông cáo báo chí ngắn gọn từ Bộ Quốc phòng đi kèm bản đồ đường bay của máy bay quân sự Nga viết.
Các quan chức Quốc phòng Nhật Bản vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức.
Vụ việc này xảy ra chỉ 3 ngày sau khi các máy bay ném bom Nga bị phát hiện xâm nhập vào không phận Nhật Bản trong một khoảng thời gian ngắn ngày 22/8. Trường hợp này, Tokyo cũng đã triển khai phi đội chiến đấu cơ để xua đuổi máy bay ném bom Nga.
Trong vụ xâm nhập này, 2 máy bay ném bom Nga Tu-95 đã bay vào không phận gần đảo Okinoshima ngoài khơi Fukuoka ở phía nam Nhật Bản trưa ngày 22/8.
Tổng cộng 4 chiến đấu cơ F-2 của Lực lượng Phòng không Nhật Bản đã được triển khai để xua đuổi máy bay Nga, một quan chức Bộ quốc phòng xác nhận. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng gửi công văn phản đối chính thức tới Đại sứ quán Nga tại Tokyo và yêu cầu điều tra các hành vi xâm phạm lãnh thổ.
Trước đó, các chiến đấu cơ Su-27 của Nga cũng xâm phạm không phận của Nhật Bản hơn một phút ngoài khơi Hokkaido hồi tháng 2. Theo Tokyo, đây là lần đầu tiên Nga có hành vi này trong 5 năm qua.
Tokyo và Moscow chưa từng ký hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Dù có quan hệ thương mại song phương quan trọng, Nga-Nhật vẫn còn những bất hòa chưa được giải quyết về chủ quyền các hòn đảo về phía bắc của hòn đảo chính của Nhật Bản Hokkaido.
Nhật Bản có tranh chấp về chủ quyền chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc. Kể từ khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa 3 đảo chính thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật leo thang đỉnh điểm, dẫn đến việc tàu chiến và chiến đấu cơ 2 bên rất nhiều lần cuộc đụng độ, đối đầu tạo ra các nguy cơ xung đột nghiêm trọng trên biển.
Bạch Dương (Theo channelnewsasia)