Ngày 11/11, chính quyền Myanmar khẳng định sẽ tôn trọng kết quả cuộc bầu cử lịch sử ngày 8/11 và chuyển giao quyền lực cho Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) một cách êm thấm.
Bộ trưởng Thông tin Myanmar Ye Htut khẳng định: “Chúng tôi sẽ tôn trọng và tuân thủ quyết định của cử tri. Chúng tôi sẽ hợp tác một cách hòa bình trong quá trình chuyển giao trọng trách cho đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi”.
|
Bà Aung San Suu Kyi muốn đối thoại với quân đội - Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, bà Suu Kyi đã lên tiếng kêu gọi quân đội đối thoại “hòa hợp dân tộc”.
Trong lá thư gửi tới Tổng thống Thein Sein, tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing và Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann, bà Suu Kyi viết: “Người dân đã bày tỏ ý nguyện của họ trong cuộc bầu cử. Tôi muốn mời các ngài đối thoại hòa hợp dân tộc vào tuần tới theo thời gian do các ngài lựa chọn”.
Bà Suu Kyi gửi lá thư trong thời điểm NLD đang trên đường giành thế đa số trong quốc hội. Ủy ban bầu cử Myanmar thông báo kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy NLD đã giành 56 trên tổng số 61 ghế hạ viện mới công bố, tương đương gần 90%. NLD tự tin khẳng định sẽ chiếm hơn 250 ghế hạ viện.
Bà Suu Kyi cho rằng đối thoại là việc hết sức cần thiết đối với đất nước và sẽ đem lại sự yên tâm cho người dân. Reuters dẫn lời ông Zaw Htay, một quan chức cấp cao trong phủ tổng thống, cho biết chắc chắn Tổng thống Thein Sein sẽ gặp bà Suu Kyi. “Vấn đề chỉ là khi nào”, ông Zaw Htay nhấn mạnh.
Trong khi đó, các nguồn tin cho biết quan hệ giữa bà Suu Kyi và tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing là khá căng thẳng. Vấn đề lớn nhất giữa bà Suu Kyi và ông Min Aung Hlaing là hiến pháp do quân đội lập ra cản trở bà trở thành tổng thống kể cả khi NLD thắng cử.
Ngoài việc quân đội bổ nhiệm 25% nghị sĩ quốc hội, ông Min Aung Hlaing có quyền chỉ định bộ trưởng ba bộ có quyền lực và ngân sách lớn là Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh biên giới.
Bộ Nội vụ giúp ông kiểm soát bộ máy hành chính của Myanmar, do đó sẽ không dễ để chính phủ của NLD điều hành đất nước. Hiến pháp còn cho phép quân đội lật đổ chính phủ bất kỳ lúc nào.
Dù muốn đàm phán với quân đội nhưng bà Suu Kyi vẫn tỏ ra rất quyết liệt. Trả lời phỏng vấn BBC, bà mô tả quy định trên của hiến pháp là “ngớ ngẩn”. “Chúng tôi sẽ tìm ra một tổng thống nhưng điều đó không thể cản trở tôi quyết định mọi vấn đề với tư cách chủ tịch đảng thắng cử” - bà Suu Kyi nhấn mạnh.
Theo TTO