Chủ tịch Google tìm kiếm gì ở Triều Tiên?

Google News

Chủ tịch điều hành công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới Google là Eric Schmidt chuẩn bị cho một chuyến thăm tới CHDCND Triều Tiên.

 Chủ tịch điều hành công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới Google - Eric Schmidt.

Hãng tin AP dẫn nguồn tin thân cận cho biết, chuyến đi này của ông Schmidt mang tính chất cá nhân. Ông sẽ đi cùng một phái đoàn nhân đạo do cựu Thống đốc bang New Mexico là Bill Richardson dẫn đầu. Chuyến thăm có thể diễn ra vào đầu tháng 1.

Đây sẽ là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của Google tới thăm Triều Tiên. Thực tế, hầu như chưa có một lãnh đạo doanh nghiệp Internet nào đặt chân tới Triều Tiên.

Trong thông điệp năm mới 2013, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói rằng, nước này đang ở trong một “cuộc cách mạng công nghiệp” của thời kỳ hiện đại. Ông Kim Jong Un kêu gọi thúc đầy phát triển khoa học và công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước, hướng tới mục tiêu trường học nào cũng có máy tính, nhà máy nào cũng có máy móc kỹ thuật số.

Tuy nhiên, việc cho người dân tiếp cận với Internet đến nay vẫn chưa nằm trong chiến lược của Triều Tiên. Hiện mới chỉ có một số người dân có thể tiếp cận với dịch vụ Intranet nội địa.

Hiện còn chưa rõ ông Schmidt và ông Richardson sẽ tiếp xúc với những nhân vật nào khi tới Triều Tiên. Hiện Triều Tiên và Mỹ không có quan hệ ngoại giao. Triều Tiên cũng hầu như không làm ăn với các công ty Mỹ vì các công ty này bị cấm nhập khẩu hàng hóa sản xuất tại Triều Tiên.

Ông Schmidt là người ủng hộ công khai và mạnh mẽ việc đem đến Internet và công nghệ cho tất cả mọi người trên thế giới. Với tư cách là Giám đốc điều hành (CEO) của Google cho tới tận năm 2011, ông Schmidt chèo lái Google vươn lên từ một công ty nhỏ bé trở thành một “gã khổng lồ” công nghệ của thế giới. Không chỉ dẫn đầu về mảng tìm kiếm, Google còn đang tiến vào những lĩnh vực mới như điện thoại di động và bản đồ.

Google hiện có văn phòng ở hơn 40 quốc gia, bao gồm văn phòng ở cả ba quốc gia có biên giới với Triều Tiên là Nga, Hàn Quốc, và Trung Quốc. Mảng tìm kiếm của Google đã rút khỏi Trung Quốc, thị trường tìm kiếm trực tuyến lớn nhất thế giới, do vấp phải chính sách kiểm soát Internet chặt chẽ của Bắc Kinh vào năm 2010.

Từ khi thôi giữ chức CEO của Google, ông Schmidt  trở thành Chủ tịch điều hành của công ty này, chủ yếu chịu trách nhiệm quan hệ đối ngoại giữa công ty với các nhà hoạch định chính sách, đối tác kinh doanh và các chính phủ trên khắp thế giới. Ông cũng chuẩn bị xuất bản một cuốn sách mang tựa đề “The New Digital Age” (tạm dịch: Kỷ nguyên kỹ thuật số mới), với thông điệp rằng, Internet và công nghệ di động có quyền năng đưa con người thoát khỏi nghèo đói và áp bức chính trị.

“Sự phủ sóng của điện thoại di động và những dạng thức kết nối mới đem đến cho chúng ta triển vọng kết nối tất cả mọi người. Khi điều đó xảy ra, sự kết nối có thể tạo ra cuộc cách mạng trên mọi phương diện, về chính trị, xã hội, và kinh tế”, ông Schmidt phát biểu tại ĐH Boston hồi tháng 5/2012.

Chuyến thăm của ông Schmidt và ông Richardson tới Triều Tiên diễn ra vào một thời điểm tương đối nhạy cảm về chính trị, khi Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa để đưa vệ tinh vào vũ trụ, với mục tiêu được Bình Nhưỡng tuyên bố là thám hiểm vũ trụ với mục đích hòa bình vào tháng 12/2012. Trong khi đó, Mỹ và nhiều quốc gia khác cho rằng, động thái này của Triều Tiên là nhằm thử nghiệm kỹ thuật phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể chạm tới California.

Ông Richardson tới Triều Tiên nhiều lần kể từ năm 1994, trong đó có hai chuyến đi đàm phán về việc phóng thích công dân Mỹ bị phía Triều Tiên bắt giữ. Lần gần đây nhất ông tới Triều Tiên là vào năm 2010.

Về phần mình, ngay cả trước khi nhà cố lãnh đạo Kim Jong-Il qua đời cách đây một năm, Triều Tiên thể hiện ý muốn cải thiện quan hệ với Mỹ. Cụ thể, một nhóm quan chức Triều Tiên đã tới thăm trụ sở của Google ở Mountain View, California vào năm 2012.

ĐANG ĐỌC NHIỀU
TIN LIÊN QUAN

Theo VnEconomy