Trong một thông tin được phát đi sáng 4/2 cho biết, cảnh sát Myanmar đã đệ đơn cáo buộc bà Suu Kyi và bà sẽ bị giam giữ cho tới ít nhất là ngày 15/2 để phục vụ điều tra. Cảnh sát cũng yêu cầu toà án nêu các chi tiết cáo buộc bà San Suu Kyi và các vật chứng thu được trong cuộc khám xét nhà riêng của bà tại thủ đô Naypyitaw. Theo phía cảnh sát, họ đã thu giữ được các loại bộ đàm nhập khẩu bất hợp pháp và không được phép sử dụng.
|
Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, một thông tin khác cho biết, cảnh sát đã đệ đơn cáo buộc Tổng thống mới bị lật đổ Win Myint vì các tội liên quan tới luật Quản lý Thiên tai. Cụ thể, ông Win Myint bị cáo buộc đã đến thăm nhiều nơi trong giai đoạn Myanmar áp dụng biện pháp hạn chế ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan.
Cũng liên quan tới diễn biến chính trị tại Myanmar, Bộ Thông tin và Truyền thông nước này cho biết, mạng xã hội Facebook sẽ bị chặn tới Chủ nhật (6/2), bởi hiện tại có nhiều người đang gây khó khăn cho quá trình ổn định lại đất nước bằng việc tung ra các tin giả mạo trên Facebook.
Còn vào buổi sáng 4/2, một nhóm sinh viên khoảng 20 người đã biểu tình tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar. Những người này mang theo biểu ngữ phản đối hành động của quân đội và yêu cầu ngay lập tức phóng thích những người bị bắt giữ. Đây là cuộc biểu tình đầu tiên sau biến cố chính trị tại Myanmar.
Trước những diễn biến chính trị phức tạp tại Myanmar, Tổng thư ký Liên Hợp Antonio Guterres đã tuyên bố cam kết huy động sức ép quốc tế đối với quân đội Myanmar và cho rằng, hành động của quân đội là không thể chấp nhận được.
Theo PV/VOV.VN