Sputnik đưa tin, báo cáo cuối cùng về thảm kịch MH17 sẽ được công bố vào ngày 13/10.
Chiếc máy bay chở khách mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị rơi xuống khu vực Donetsk ngày 17/7/2014 khi đang trên hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur (Malaysia). Toàn bộ 298 người, trong đó chủ yếu là công dân Hà Lan, đã thiệt mạng trong thảm họa hàng không kinh hoàng này.
|
Hiện trường vụ tai nạn hàng không ngày 17/7/2014. |
Theo kết quả sơ bộ của DSB – cơ quan điều tra vụ tai nạn – chiếc phi cơ đã nổ tung giữa không trung sau khi bị nhiều vật thể năng lượng cao bắn trúng.
Ukraine và các đồng minh phương Tây cáo buộc lực lượng dân quân ở miền đông nước này đã bắn hạ máy bay. Tuy nhiên, lực lượng dân quân khẳng định, họ không sở hữu vũ khí có thể bắn hạ máy bay ở độ cao như vậy, đồng thời quy trách nhiệm cho Kiev đã gây ra thảm kịch máy bay MH17.
Trước đó, một số phương tiện truyền thông phương Tây trích dẫn tài liệu bị rò rỉ của báo cáo cuối cùng cho rằng, trách nhiệm vụ tai nạn thuộc về dân quân Donbass và hãng hàng không Malaysia Airlines. Theo quy định quốc tế, nội dung bản báo cáo dự thảo không được tiết lộ cho tới khi báo cáo cuối cùng được công bố.
Trong khi đó, Moscow từng nhiều lần bày tỏ thất vọng rằng các nhà điều tra Hà Lan không hợp tác với các chuyên gia Nga.
Ngày 12/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, cuộc điều tra đã có nhiều sai phạm và những người chịu trách nhiệm điều tra vụ MH17 vẫn chưa giải đáp được nhiều thắc mắc.
Chẳng hạn như, Malaysia đã không được mời tham gia cuộc điều tra trong suốt nửa năm; các mảnh vỡ của máy bay không được đưa ra khỏi hiện trường vụ tai nạn trong một thời gian dài và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế không được đứng đầu cuộc điều tra.
Hồi tháng 6, công ty sản xuất vũ khí của Nga Almaz-Antey công bố kết quả cuộc điều tra của riêng họ. Theo đó, chiếc máy bay Malaysia MH17 bị một tên lửa dẫn đường từ hệ thống Buk-M1 bắn hạ.
Cuộc điều tra của Almaz-Antey – nhà sản xuất hệ thống tên lửa Buk – khẳng định rằng, chiếc phi cơ không thể bị bắn rơi từ khu vực do dân quân địa phương ở miền đông Ukraine kiểm soát. Hệ thống tên lửa này đã không được sản xuất tại Nga từ năm 1999 nhưng vẫn được quân đội Ukraine sử dụng.
Thiên An (Theo Sputnik)