Sau khi chạy khỏi Triều Tiên, gia đình dì Kim Jong Un sang Mỹ thay vì Hàn Quốc. Họ có một cửa hàng giặt là, nuôi nấng 3 người con ăn học và có việc làm ổn định.
Lang thang trên Quảng trường Thời đại, đi qua nơi đứng của chàng cao bồi Naked Cowboy hay những người phe vé, người phụ nữ tầm 60 tuổi có thể là bất kỳ một người nhập cư nào đó đang muốn sống giấc mơ Mỹ. Với mái tóc xoăn mềm và bộ quần áo kín đáo, bà cùng chồng đang tận hưởng một ngày nghỉ cuối tuần.
Nhưng người phụ nữ này không phải người nhập cư. Bà là dì của Kim Jong Un, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên từng đe doạ sẽ quét sạch New York bằng một quả bom H. Trong 18 năm qua, kể từ khi đào tẩu khỏi Triều Tiên, bà Ko Yong Suk đã sống một cuộc sống ẩn danh tại Mỹ cùng chồng và ba đứa con. Gia đình Ko sống trong một căn nhà hai tầng với hai chiếc ôtô. Họ trông giống một gia đình bình thường như bao gia đình khác.
|
Dì của Kim Jong Un cùng chồng đi dạo trên Quảng trường Thời đại ở New York ngày 23/4. Họ sống ở Mỹ từ năm 1998. Ảnh: Washington Post |
"Các bạn tôi ở đây nói rằng tôi thật may mắn khi có mọi thứ. Những đứa con học ở trường tốt và chúng đều thành công. Tôi có một người chồng có thể lo toan mọi thứ. Chúng tôi không có gì để ghen tị", bà Ko trả lời Washington Post.
Chồng bà, người từng được biết đến với tên Ri Gang, phụ hoạ theo bằng cách cười lớn: "Tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được giấc mơ Mỹ".
Đây là câu chuyện của một gia đình từ tầng lớp cao của Triều Tiên trở thành những người sống cuộc sống bình thường tại Mỹ. Ko và Ri đã dành gần 20 giờ nói chuyện với hai phóng viên Washington Post ở thành phố New York. Họ rất lo lắng vì xuất hiện sau khi ẩn danh và trên tất cả, có nhiều người Mỹ làm công việc nghiên cứu Triều Tiên không hề hay biết họ ở đây. Trong cuộc trò chuyện, cặp vợ chồng muốn được giấu tên khi họ dùng ở Mỹ và không tiết lộ nơi sinh sống để bảo vệ những đứa con.
Những ký ức tươi đẹp
Ko có nét giống với người chị gái Ko Yong Hui, là một trong những người vợ của cố lãnh đạo Kim Jong Il và là mẹ của Kim Jong Un, nhà lãnh đạo thế hệ thứ 3 của Triều Tiên.
Một tấm ảnh tại nhà bà Ko chụp thành phố cảng Wonsan, nơi gia đình Kim có một căn biệt thự. Người con gái trong album là Kim Yo Jong, em gái của Kim Jong Un. Dù Ko và Ri không gặp Kim Jong Un gần 20 năm và dường như không có vị trí chính thức nào, cặp vợ chồng này vẫn được coi là nguồn thông tin giá trị về gia đình Kim.
Họ có thể tiết lộ Kim Jong Un sinh năm 1984, không phải 1982 hay 1983 như mọi người thường được biết. Họ chắc chắn điều này bởi đó cũng là năm sinh của cậu con trai đầu. "Kim Jong Un và con trai tôi từng tôi là những đứa trẻ chơi với nhau từ khi sinh ra. Tôi đã thay tã cho cả hai cậu nhóc", Ko cười nói.
Đôi khi, nhân viên của CIA tìm đến thị trấn, hỏi Ko và Ri về những người Triều Tiên trên các tấm ảnh. CIA từ chối đưa ra bình luận hay xác nhận các tuyên bố của Ko và Ri.
Ngày nay, Ri thể hiện sự ủng hộ với chế độ Triều Tiên và đang cố gắng để được đến Bình Nhưỡng. Cả hai đều thận trọng khi nói về người cháu trai quyền lực, người mà họ lặp lại bằng cái tên "Nguyên soái Kim Jong Un". Nhưng những gì họ nói về chuyện trước đây sẽ vẽ ra bức chân dung một chàng trai được nuôi dạy với tâm thế rằng một ngày nào đó mình sẽ làm nhà lãnh đạo.
Năm 1992, Ko Yong Suk đến thành phố Bern, Thụy Sĩ cùng với Kim Jong Chol, con trai đầu của chị gái Ko và Kim Jong Il. Kim Jong Un đến đất nước này năm 1996, khi 12 tuổi.
"Chúng tôi sống trong một ngôi nhà bình thường và cư xử như một gia đình bình thường. Tôi khuyến khích cậu ấy đưa bạn bè về nhà bởi chúng tôi muốn chúng sống một cuộc sống bình thường. Tôi chuẩn bị những món ăn nhẹ cho lũ trẻ. Chúng ăn bánh và chơi Legos", Ko kể về thời gian sống ở Bern.
Với hộ chiếu ngoại giao, Ri thường đi lại giữa Triều Tiên và Thụy Sĩ, đôi khi mang theo của người con gái út của họ và em gái Kim Jong Un. Gia đình nói tiếng mẹ đẻ tại nhà, ăn đồ ăn quê hương nhưng vẫn trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài. Album ảnh của bà có đầy đủ hình ảnh họ đi trượt tuyết trên dãy núi Alps của Thụy Sĩ, đi bơi ở vùng Riviera thuộc Pháp hay ăn ở nhà hàng Italy. Kim Jong Un thích trò chơi và máy móc, hay mày mò khám phá cơ chế hoạt động của tàu hay máy bay.
"Cậu ấy không phải là một kẻ gây rối, nhưng nóng tính và thiếu kiên nhẫn. Khi mẹ nhắc không nên chơi những thứ đó quá nhiều và phàn nàn vì chưa chăm học, cậu sẽ không nói lại nhưng phản đối bằng cách khác, như tuyệt thực", bà Ko nhớ lại. Kim thích về nhà vào mùa hè, dành nhiều thời gian ở Wonsan hoặc nhà tại Bình Nhưỡng.
"Cậu ấy bắt đầu chơi bóng rổ và yêu thích môn này. Kim còn từng ôm bóng rổ đi ngủ", người dì nói về cháu trai, người hâm mộ Michael Jordan. Kim thấp hơn bạn bè cùng trang lứa và người mẹ từng nói với con trai rằng nếu chơi bóng rổ, chiều cao sẽ cải thiện.
Trong căn nhà ở Mỹ, ông Ri lấy bức ảnh chưa từng được công bố, được đựng trong phong bì, về hình ảnh cậu bé Kim Jong Un 13 tuổi, cùng người anh trai trong bộ đồng phục bóng rổ sau một giải đấu ở Bình Nhưỡng. Ri ngồi ở hàng ghế phía trước, trong khi Ko đứng ở phía sau. Kim đang cầm chiếc cúp vàng.
Theo lời kể của vợ chồng Ko, cả thế giới đều biết Kim Jong Un sẽ là người thừa kế cha hồi tháng 10/2010. Nhưng từ năm 1992, Kim đã biết điều này. Các dấu hiệu được đưa ra vào lần tiệc sinh nhật lần thứ 8, khi Kim được mặc trang phục của một vị tướng với các ngôi sao, trong khi các vị tướng đều cúi chào Kim và tỏ lòng tôn kính kể từ lúc đó.
Xuất thân khiêm tốn, Ko xuất hiện ở tầng lớp trên trong xã hội Triều Tiên khi người chị gái lọt vào mắt xanh của Kim Jong Il và trở thành người vợ thứ 3 của cố lãnh đạo năm 1975.
Kim Jong Il là người chọn Ri làm chồng cô em vợ. Họ sống chung trong một khu nhà ở Bình Nhưỡng. Ko là người chăm sóc con của mình cùng con của chị gái trong nhiều năm. Bà mô tả đó là một cuộc sống tươi đẹp.
Nỗi sợ hãi và cuộc trốn chạy
Khi Kim Jong Un 14 tuổi và anh trai Kim Jong Chol 17 tuổi, Ko và Ri đã quyết định rời Triều Tiên vì lo sợ họ sẽ không còn có giá trị. Chị gái của Ko, tức mẹ Kim Jong Un, bị chẩn đoán ung thư vú, trong khi những đứa cháu ngày càng trưởng thành.
Sau khi phát hiện ung thư vú, chị gái Ko được điều trị ở Thụy Sĩ, Pháp. Đây cũng là lúc mà các sự việc theo lời kể của Ko và Ri trở nên không rõ ràng. Họ nói rằng điều trị ung thư ở châu Âu không có kết quả, nên quyết định đến Mỹ để đảm bảo điều trị cho người chị. Trong khi đó, theo truyền thông Hàn Quốc, cặp vợ chồng đã xin tị nạn tại Mỹ vì họ lo ngại những điều có thể xảy sau khi bố hoặc mẹ Kim Jong Un qua đời.
Đi bộ qua Central Park vào một buổi sáng chủ nhật, Ko ngụ ý nhắc đến một mối lo ngại. "Trong lịch sử, bạn thường thấy những người gần gũi với nhà lãnh đạo quyền lực vướng rắc rối ngoài ý muốn vì người khác. Tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu chúng ta tránh xa rắc rối đó", bà Ko giải thích.
Theo Michael Madden, biên tập viên của trang North Korea Leadership Watch, họ có lý do để sợ hãi. "Ko Yong Hui là một phụ nữ đầy tham vọng. Bà muốn con trai mình được đề bạt các vị trí cao. Nếu là em gái hay em rể của bà, bạn sẽ cảm thấy bị đe dọa. Ai đó có thể dễ dàng khiến bạn biến mất", Madden phân tích.
Trên thực tế, sự nguy hiểm ngày nay vẫn tồn tại. Đơn cử như trường hợp của Jang Song Thaek, người chú từng bị hành quyết năm 2013.
Vì vậy, vào một ngày định mệnh năm 1998, Ri và Ko cùng 3 đứa con đã đến Đại sứ quán Mỹ tại Bern. Cặp vợ chồng nói rằng họ là các nhà ngoại giao Triều Tiên và muốn tị nạn. Sau vài ngày, họ được đưa đến một căn cứ quân sự của Mỹ gần Frankfurt, Đức. Họ ở trong một ngôi nhà ở căn cứ vài tháng và bị thẩm vấn. Đó là lúc Ri và Ko tiết lộ về các mối quan hệ gia đình.
"Mỹ không biết Kim Jong Un là ai và việc cậu ấy sẽ trở thành nhà lãnh đạo", Ri nói. Chính phủ Mỹ cũng không tiết lộ với Hàn Quốc rằng họ biết Ko và Ri cho đến khi họ đã ở trên đất Mỹ.
Đối với cơ quan tình báo Mỹ, nơi luôn tìm kiếm thông tin đáng tin cậy về hoạt động Triều Tiên, cuộc đào thoát này dường như là một món hời. Nhưng Ri khẳng định họ không biết nhiều.
"Họ nghĩ rằng chúng tôi phải biết một số bí mật, nhưng chúng tôi không biết điều gì hết. Chúng tôi chăm sóc những đứa trẻ và giúp chúng học hành, nên dĩ nhiên chúng tôi chứng kiến cuộc sống riêng của họ. Nhưng chúng tôi không biết bí mật nào về hạt nhân hay quân sự", Ri khẳng định.
Tuy nhiên, Madden nhận định vợ chồng Ko có giá trị tình báo nhất định. Alexandre Mansourov, một chuyên gia về lãnh đạo Triều Tiên, người từng học tại Đại học Sung Il Kim ở Bình Nhưỡng, đồng ý với quan điểm này.
Khi đặt chân đến Mỹ, gia đình Ko đã có vài ngày ở khu vực Washington - không xa CIA - trước khi chuyển đến một thành phố nhỏ, nơi có một nhà thờ Hàn Quốc đề nghị giúp đỡ họ.
"Những người ở nhà thờ liên tục hỏi chúng tôi. Họ biết chúng tôi đến từ Triều Tiên, nhưng họ nói chúng tôi không giống người Triều Tiên", Ko nhớ lại. Gia đình bà chuyển đến một thành phố khác, nơi có ít người Hàn Quốc, thậm chí người châu Á.
Ri cho biết cuộc sống ban đầu gặp khá khó khăn khi họ không có người thân và phải làm việc 12 giờ mỗi ngày. Ông từng làm xây dựng, sau đó làm bảo vệ trong một căn chung cư, những công việc khá đơn giản với người không có tiếng Anh. Việc duy nhất bà Ko có thể làm được là giặt là. Sau này, họ mở một cửa hàng nhỏ.
Sau thời gian im lặng, vợ chồng Ri quyết định lên tiếng. Ri nói rằng ông muốn đến Triều Tiên và xoá bỏ những định kiến giả dối về họ cũng như gia đình họ ở Triều Tiên. Năm ngoái, Ri và Ko đã kiện 3 người đào tẩu Triều Tiên khi xuất hiện trên truyền hình Hàn Quốc và cáo buộc họ về một loạt các sự việc như phẫu thuật thẩm mỹ hay ăn cắp hàng triệu USD.
Sau nhiều năm sống ở Mỹ, Triều Tiên vẫn có một sức hút kỳ lạ với hai vợ chồng. Ông Ri cho rằng mình là người có thể thu hẹp khoảng cách khoảng cách ngày càng lớn giữa Washington và Bình Nhưỡng.
"Mục tiêu cuối cùng của tôi là quay lại Triều Tiên. Tôi hiểu cả Mỹ và Triều Tiên, vì vậy tôi nghĩ rằng tôi có thể là một nhà đàm phán giữa hai bên", ông nói. "Nếu Kim Jong Un vẫn như những gì tôi còn nhớ, tôi sẽ có thể gặp cậu ấy và nói chuyện".
Mời quý độc giả xem video Đại hội Đảng Triều Tiên sẽ khiến cả thế giới kinh ngạc?:
Theo Zing News