Khu vực mà ông Walubara tuyên bố chủ quyền có diện tích hơn 15.500 km2, bao gồm cả rạn san hô Great Barrier, theo New York Times.
Năm năm trước, ông Walubara nhận ra rằng mình là một người bản địa không được hiến pháp Australia công nhận.
Sau đó, ông từ bỏ sự nghiệp phóng viên chính trị, từ bỏ quốc tịch Australia và tên cũ của mình, Jeremy Geia. Ông trả lại hộ chiếu, giấy tờ dịch vụ y tế công và giấy phép lái xe cho cơ quan công quyền, đồng thời hủy thẻ ngân hàng.
|
Ông Walubara (áo xám bên trái) và các bộ trưởng của Yidinji tại cuộc họp thường kỳ. Ảnh: New York Times. |
Sau 5 năm tuyên bố chủ quyền với lãnh thổ Yidinji, ông Walubara đang gây sức ép buộc các lãnh đạo Australia ký thỏa thuận với chính phủ lãnh thổ Yidinji. Lãnh thổ Yidinji hiện có nội các gồm 10 bộ trưởng và gần 100 công dân (phần lớn đều có cả hai quốc tịch Australia và Yidinji).
Theo ông Walubara, thỏa thuận là phương thuốc duy nhất để xoa dịu nỗi đau mà nhiều thế hệ người bản địa Australia đã phải chịu đựng. Họ được cho là những người sinh sống ở lục địa này từ 65.000 năm trước, cho tới khi bị người Anh xua đuổi và tàn sát vào cuối những năm 1700.
Giờ đây, ông Walubara sống chủ yếu nhờ vào lòng hảo tâm của những người ủng hộ ông. Ông sống ở tầng trệt trong nhà một người bạn ở Cairns cùng với con trai, 11 tuổi và vợ, cũng là nhà hoạt động xã hội.
Các bộ trưởng của Yidinji cho rằng khi ký vào Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền của Người bản địa, Australia đã cam kết cho phép họ quyền tự trị và nhận bồi thường.
Một số chuyên gia cho rằng tuyên bố của Liên Hợp Quốc có thể sẽ có ích cho kế hoạch của ông Walubara và trên lý thuyết, thỏa thuận có thể được ký kết.
Tuy nhiên, nhiều người cũng nhận định chính phủ Australia sẽ không đàm phán về vấn đề này trong tương lai gần.
*) Title do Kiến Thức biên tập lại
Theo Hương Ly/Zing.vn