Chính phủ Nhật Bản nhận định rằng Triều Tiên dường như đã phóng 2 tên lửa cách nhau chỉ vài phút và quả tên lửa đầu tiên đã rơi xuống vùng biển nằm trong EEZ của Nhật Bản lúc 7 giờ 27 phút ngày 2/10 giờ Nhật Bản (khoảng 5 giờ 27 phút cùng ngày giờ Hà Nội).
Tuy nhiên, trong phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ sau đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: "Dường như một tên lửa đã được phóng, sau đó bị tách làm đôi và rơi xuống. Chúng tôi đang tiến hành phân tích các thông tin chi tiết".
|
Tên lửa đạn đạo chiến lược được phóng từ một địa điểm không xác định ở Triều Tiên ngày 23/4/2016. Ảnh tư liệu (do Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên đăng phát): AFP/TTXVN. |
Trong khi đó, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho rằng Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLMB) thuộc loại Pukkuksong từ khu vực biển phía Đông Triều Tiên trong vụ phóng sáng 2/10. Tên lửa này đã bay 450 km và đạt độ cao tối đa 910 km. Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là vụ phóng thử tên lửa SLBM đầu tiên của Triều Tiên trong 3 năm qua, kể từ ngày 24/8/2016. Trong cuộc thử nghiệm đó, tên lửa Pukkuksong-1, còn được gọi là KN-11, đã bay khoảng 500 km trên Biển Nhật Bản.
JCS tuyên bố đang theo dõi sát tình hình và các lực lượng "đang ở trạng thái sẵn sàng" nếu có các vụ phóng tiếp theo, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Vụ phóng tên lửa ngày 2/10 là vụ phóng thứ 11 của Bình Nhưỡng kể từ đầu năm đến nay, đồng thời là vụ phóng thứ 9 của Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại làng đình chiến Panmunjom ở Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên hồi tháng 6 vừa qua.
Vụ phóng được tiến hành chưa đầy một ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-Hui cho biết nước này và Mỹ đã nhất trí tiến hành các cuộc tiếp xúc sơ bộ vào ngày 4/10, sau đó sẽ là các cuộc đàm phán cấp chuyên viên vào ngày 5/10.
Các cuộc thảo luận nhằm mục đích thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đã đình trệ sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
Ông Trump hiện chưa đưa ra phát biểu về vụ phóng tên lửa sáng 2/10 của Bình Nhưỡng, tuy nhiên Tổng thống Mỹ đã không đề cao tầm quan trọng của những vụ phóng tên lửa trước đó của Bình Nhưỡng. Ông nói rõ: "Mỹ và Triều Tiên không có thỏa thuận về việc phóng tên lửa tầm ngắn, và rất nhiều nước khác cũng thử nghiệm những vũ khí như vậy".
Nhận định về vụ phóng mới nhất của Triều Tiên, ông Harry Kazianis - Giám đốc phụ trách nghiên cứu Triều Tiên thuộc Trung tâm lợi ích quốc gia Hàn Quốc, cho rằng: "Có vẻ như Triều Tiên muốn làm rõ về vị thế đàm phán của mình trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Bình Nhưỡng dường như muốn hối thúc Washington từ bỏ các yêu cầu (rằng Triều Tiên phải) phi hạt nhân hóa hoàn toàn vốn luôn được nêu ra trong quá khứ, chỉ để đổi lấy lời hứa nới lỏng các lệnh trừng phạt".
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cho ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kể từ khi bắt đầu đối thoại với Mỹ. Tuy nhiên tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân Triều Tiên tiến triển rất chậm dù hai nhà lãnh đạo đã 3 lần gặp nhau.
Từ tháng 5 vừa qua, Triều Tiên bắt đầu khôi phục phóng tên lửa. Từ đó đến nay, Triều Tiên đã phóng ít nhất 18 tên lửa, pháo phản lực cỡ lớn từ 10 điểm thử quân sự khác nhau. Giới chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng đã thử nghiệm 4 loại vũ khí mới với phần lớn tên lửa được phóng được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23. Tên lửa KN-23 có thể mang đầu đạn hạt nhân, được thiết kế có khả năng tránh bị bắn chặn cao, có thể bắn tới mọi nơi ở Hàn Quốc - nơi Mỹ có hàng nghìn binh sĩ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đưa ra thời hạn cho ông Trump đến cuối năm nay phải dỡ bỏ trừng phạt Bình Nhưỡng, đồng thời cảnh báo sẽ có “hướng đi mới” nếu Mỹ không thay đổi lập trường.
Mời độc giả xem thêm video: Triều Tiên công bố hình ảnh phóng tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản trước đây (Nguồn: VTC1)
Theo Thanh Phương/TTXVN