Hà Lan quyết định trục xuất một bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ

Google News

Hà Lan đã trục xuất một bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ quanh bất đồng việc Amsterdam không hỗ trợ cho các chuyến thăm cấp bộ trưởng vì mục đích vận động chính trị.

Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan tiếp tục leo thang nghiêm trọng khi cảnh sát Hà Lan trục xuất một bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách tới thành phố Rotterdam để tham dự một cuộc mít tinh. Trong khi đó, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phong tỏa các cơ quan ngoại giao của Hà Lan tại nước này với lý do an ninh.
Sáng sớm 12/3,Thị trưởng thành phố Rotterdam thông báo về việc Hà Lan trục xuất bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, Bộ trưởng Các chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ, bà Fatma Betul Sayan Kaya, cùng gia đình đang được hộ tống trở lại biên giới Đức, sau khi đoàn xe của vị quan chức này cố tình tìm cách đến Rotterdam bằng đường bộ khi chưa có sự đồng ý của phía Hà Lan.
Bộ trưởng Kaya và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu có kế hoạch đến Hà Lan để tham dự một cuộc mít tinh quy mô lớn, do người dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức để vận động cho cuộc trưng cầu dân ý về dự luật sửa đổi Hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến diễn ra vào ngày 16/4 tới, giúp tăng quyền lực cho Tổng thống Tayyp Erdogan.
Ha Lan quyet dinh truc xuat mot bo truong cua Tho Nhi Ky
 Người Thổ Nhĩ Kỳ tại Hà Lan biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Thổ Nhĩ kỳ ở Rotterdam đòi gặp bà Fatma Betul Sayan Kaya. (Nguồn: EPA)
Cả hai quan chức này đều đã bị từ chối nhập cảnh vào Hà Lan. Bộ Ngoại giao Hà Lan ngày 9/3 tuyên bố từ chối ủng hộ các chuyến thăm của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tới Hà Lan để vận động chính trị. Ngoại trưởng Hà Lan cũng từ chối gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh Amsterdam không hỗ trợ cho các chuyến thăm cấp bộ trưởng vì mục đích vận động chính trị như trên.
Động thái của Hà Lan đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong ngày 11/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa Đại sứ quán Hà Lan tại Ankara và Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại Istanbul vì "lý do an ninh".
Trong ngày, khoảng 200 người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Hà Lan tại Ankara, hô vang những khẩu hiệu ủng hộ Tổng thống Tayyip Erdogan và phản đối lệnh cấm của Amsterdam.
Trong khi đó, khoảng 1.000 người mang theo cờ Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung bên ngoài Tòa lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Rotterdam, nhằm thể hiện sự ủng hộ với chính quyền Ankara. Cảnh sát Rotterdam đã buộc phải sử dụng vòi rồng để giải tán những phần tử quá khích.
Tương tự tại Đức, ở Hà Lan hiện có khoảng 400.000 người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống. Do đó, chính quyền Ankara đang tìm cách vận động để thu hút lá phiếu của cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức và Hà Lan, để ủng hộ việc trao thêm quyền cho tổng thống trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới.
Theo TTXVN/VIETNAM+