Lắp 6 radar
Một quan chức quân sự cấp cao ở Seoul cho biết, chính phủ Hàn Quốc đã chi 3,8 tỷ won (3,6 triệu USD) cho kế hoạch lắp đặt 6 radar do thám tầm ngắn trên đảo Gyodong trên vùng biển Hoàng Hải trong năm nay. Các radar có tầm phát hiện tối đa 5 km và có khả năng theo dõi các đối tượng chuyển động vào ban đêm cũng như trong điều kiện thời tiết xấu.
|
Binh sĩ Hàn Quốc đi tuần trên đảo biên giới phía tây Baengnyeong của Hàn Quốc.
|
Gyodong là đảo chiến lược quan trọng của Hàn Quốc cách vĩ tuyến 38 (ranh giới chia đôi 2 miền Triều Tiên) chỉ 20 km về phía nam. Hòn đảo có dân số khoảng 5.000 người.
Dù Thủy quân Lục chiến Hàn Quốc đang đóng quân tại đây, một số khu vực ven biển trên đảo vẫn bị bỏ ngỏ, không có hàng rào dây thép gai cần thiết để bảo vệ hòn đảo cũng như ngăn chặn sự xâm nhập những người Triều Tiên đào ngũ.
“Hệ thống radar sẽ tăng cường khả năng giám sát Triều Tiên từ đảo Gyodong – khu vực được coi là nhạy cảm, dễ bị tấn công", quan chức quân sự Seoul giấu tên cho biết.
Seoul khước từ kêu gọi cải thiện quan hệ của Kim Jong-un
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong bài phát biểu chào năm mới đã mạnh mẽ kêu gọi Hàn Quốc cải thiện quan hệ và chấm dứt “mọi lời lẽ vu khống” đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, bên cạnh lời kêu gọi cải thiện quan hệ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng không quên lên án Mỹ, Hàn tiến hành tập trận trên bán đảo Triều Tiên đồng thời đe dọa, nếu chiến tranh nổ ra, Bình Nhưỡng sẽ không ngại gây ra một thảm họa hạt nhân mà ngay cả Mỹ cũng không thể được đảm bảo an toàn.
Đáp lại, Seoul tuyên bố sẽ không mắc lừa “chiến lược cây gậy và củ cà rốt” của Bình Nhưỡng một ngày sau sau đó. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan –jin cho biết, Bình Nhưỡng có thể có ý định tiếp cận 2 chiều trong việc đối phó với Seoul như mô hình trong quá khứ. Tuy nhiên, Seoul sẽ không bị mắc lừa.
Trả lời về vấn đề này, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min –seok nhấn mạnh: “Trong quá khứ Triều Tiên từng có lập trường hòa giải khi họ đang bận xử lý các vấn đề nội bộ hoặc tiến hành cải tổ bởi các nhân tố bên ngoài. Khi họ thất bại trong việc giải quyết khó khăn, họ sẽ hành động khiêu khích”.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
|
Trong khi đó, giới nhà phân tích tại Seoul bình luận, họ không bất ngờ khi trong bài phát biểu năm mới nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi chấm dứt đối đầu với Hàn Quốc.
“Tôi cho rằng, động thái của ông ấy có liên quan đến việc chính phủ Tổng thống Park Geun -hye thay đổi chính sách đối với Triều Tiên. Nhưng đây chỉ là sự nhắc lại những gì đã từng được nói nhiều lần trước đây”, Giáo sư Kim Yong-hyun ở Đại học Dongguk bình luận.
Bài phát biểu chào năm mới là diễn văn công khai thứ 2 của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un kể từ khi ông thay cha “chèo lái” Triều Tiên. Các chuyên gia ở Seoul đã theo dõi và phân tích bài phát biểu chi tiết để dự đoán hướng đi của Bình Nhưỡng năm 2014. Giống với ông nội, Chủ tịch Kim Nhật Thành ông Kim Jong-un thường xuyên phát biểu trước công chúng khác hẳn với người cha quá cố, nhà lãnh đạo Kim Jong-il.
Giáo sư Kim Geun-shik ở Đại học Kyungnam bình luận: “Khác với phong cách bí ẩn, không ưa giao thiệp của nhà lãnh đạo Kim Jong-il, tôi cho rằng, ông ấy (Kim Jong-un) đang cố gắng xây dựng hình tượng lãnh đạo giống ông nội – cởi mở, gần gũi hơn với người dân”.
Dù vậy, nhiều nhà phân tích tỏ ra quan ngại, Triều Tiên sẽ tiếp tục duy trì và thậm chí, mở rộng đường lối cứng rắn và có thể thực hiện các hành động khiêu khích trong vòng 3 tháng tới.
Bạch Dương (theo Yonhap)