Hé lộ thế hệ lãnh đạo thứ 6 của Trung Quốc

Google News

Tôn Chính Tài, 49 tuổi, đã được bổ nhiệm làm Bí thư thành ủy Trùng Khánh.

Giữa lúc các nhà phân tích chính trị đang tìm kiếm những đầu mối về các vị quan chức nằm trong số thế hệ mới (thế hệ thứ sáu) cho các vị trí tối cao, Trung Quốc đã bổ nhiệm một vị quan chức được coi là "ngôi sao chính trị" đang lên về làm Bí thư thành ủy Trùng Khánh - vốn là thành trì của Bạc Hy Lai (người cũng từng được coi là ứng viên sáng giá cho tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc).

 

Tân hoa xã đưa tin, Tôn Chính Tài, 49 tuổi, đã được bổ nhiệm làm Bí thư thành ủy Trùng Khánh. Tại thành phố này, Bạc Hy Lai ghi điểm với sự ủng hộ chủ nghĩa dân túy trong một khu vực 30 triệu dân bằng các chương trình hỗ trợ người nghèo và chống lại tội phạm.

Theo giới phân tích, việc bổ nhiệm ông Tôn, một cựu bộ trưởng nông nghiệp và bí thư tỉnh ủy Cát Lâm - là dấu hiệu dự báo sớm cho thấy, các nhà lãnh đạo đang lên của Trung Quốc sẽ được trao quyền kiểm soát một số vùng quan trọng nhất của Trung Quốc cũng là những nơi tồn tại nhiều vấn đề phức tạp. Ví dụ, ở Trùng Khánh, ông Tôn sẽ phải đối mặt với những đặc quyền kinh doanh, với các tổ chức phạm tội và với sự ủng hộ vẫn tồn tại khá mạnh mẽ dành cho Bạc Hy Lai.

Sự bổ nhiệm nói trên - và một số nhân vật khác dự kiến sẽ tiếp tục ra mắt ở nhiều vị trí quan trọng trong các ngày, tuần tới - chỉ ra thực tế thay đổi nhân sự lớn trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc khi Đại hội đảng toàn quốc kết thúc.

Tại kỳ đại hội này, ông Tập Cận Bình trở thành người kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào ở cương vị Tổng bí thư. Việc thay đổi sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc vào một tầng lớp các ngôi sao đang lên - gọi là thế hệ thứ sáu - tiếp sau thế hệ thứ năm mà ông Tập đang dẫn đầu - những người được cho là sẽ kế nhiệm các vị trí tối cao khi ông Tập và các thành viên lãnh đạo khác nghỉ hưu sau một thập niên tính từ thời điểm hiện tại.

Triển vọng của thế hệ mới có thể khác biệt với những thế hệ cũ. Khác với thế hệ của ông Tập Cận Bình, những người sinh ra và trưởng thành trong sự hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa, ông Tôn Chính Tài và những người cùng thế hệ lớn lên trong giai đoạn tương đối mở cửa sau cải cách kinh tế do Đặng Tiểu Bình khởi xướng năm 1978.

Ông Tôn kế nhiệm cương vị của ông Trương Đức Giang, người được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. Trương Đức Giang từng đảm nhận Bí thư thành ủy Trùng Khánh sau khi ông Bạc Hy Lai mất chức này hồi tháng 3.

Một ngôi sao chính trị đang lên khác cũng được nhắc nhiều tới là Hồ Xuân Hoa, người được coi là sẽ kế nhiệm ông Tập Cận Bình sau một thập niên nữa. Hồ Xuân Hoa làm bí thư vùng giàu tài nguyên của Trung Quốc là khu tự trị Nội Mông kể từ năm 2009. Cả ông Hồ Xuân Hoa và Tôn Chính Tài đều là thành viên Bộ Chính trị khóa mới của Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng, đây là vị trí giúp họ sớm có mặt trong danh sách Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc vào khoảng năm 2017.

Hồ Xuân Hoa, 49 tuổi, người được giới phân tích dự đoán sẽ sớm đảm nhận cương vị bí thư tỉnh ủy Quảng Đông - "công xưởng thế giới" nằm ở phía nam Trung Quốc. Là một trong những khu vực kinh tế quan trọng nhất của Trung Quốc, Quảng Đông cũng là nơi có lực lượng lao động đang ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu về mức lương cao, điều kiện làm việc tốt hơn. Nơi đây có làng Ô Khảm, khá nổi tiếng kể từ năm ngoái sau khi các lãnh đạo địa phương bị mất chức hàng loạt trong một phép thử quan trọng về tính dân chủ và nỗ lực chống tham nhũng ở Trung Quốc.

Bí thư hiện tại của Quảng Đông là Uông Dương, người được đánh giá cao trong cách thức giải quyết vụ bạo động liên quan đến đất đai ở làng Ô Khảm với những biện pháp mềm dẻo và không gây đổ máu. Dân làng Ô Khảm đã kết thúc 10 ngày biểu tình và sau đó tham gia bầu cử lại ở địa phương. Trong những năm lãnh đạo ở Quảng Đông, ông Uông cũng cho thi hành nhiều biện pháp đổi mới trong quản lý hành chính.

Tuy nhiên, sau khi đại hội đảng toàn quốc tại Trung Quốc kết thúc, ông Uông không có tên trong Thường vụ Bộ Chính trị như một số người dự đoán. Và hiện chưa rõ ông sẽ đảm nhận vị trí nào từ chức vị hiện tại ở Quảng Đông.

Thách thức đặt ra với các nhà lãnh đạo trẻ là một con đường để thử nghiệm kỹ năng quản trị của họ, Willy Lam, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc cũng là nhà nghiên cứu cấp cao tại Qũy Jamestown nói. "Những kỳ vọng và mong đợi từ các quan chức cấp cao và người dân đang thay đổi", ông nhấn mạnh. "Họ mong đợi nhiều hơn từ Hồ Xuân Hoa và Tôn Chính Tài".

Trong những năm 1980 và đầu 1990, Hồ Xuân Hoa dành phần lớn thời gian làm việc ở khu tự trị Tây Tạng. Khi ở khu Nội Mông, Hồ Xuân Hoa "ẩn mình" kín đáo. Khu vực này nổi lên thành vùng quan trọng trong ngành sản xuất than giữa bối cảnh kinh tế Trung Quốc bùng nổ. Tuy nhiên, những lo ngại về môi trường và chênh lệch kinh tế đã ít nhiều gây ra những cuộc biểu tình hồi tháng 5/2011.

Sự nghiệp của ông Hồ Xuân Hoa và những người cùng thế hệ thăng tiến giữa một kỷ nguyên mà người sử dụng Internet của Trung Quốc lên tới khoảng nửa tỉ, cũng như yêu cầu gia tăng minh bạch, tính trách nhiệm từ đảng cầm quyền ngày càng lớn. Áp lực tương tác giữa quan chức và người dân thông qua các mạng xã hội tăng lên không ngừng...

Sự thay đổi lãnh đạo tại Trung Quốc còn được giới doanh nhân quốc tế dõi theo chặt chẽ. Họ mong muốn thấu hiểu những giai đoạn phức tạp và các diễn biến chính trị khó lường trước ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Các nhà điều hành trong ngành công nghiệp quan hệ công chúng cho biết, nhu cầu về kiến thức và mối quan hệ với các nhà lãnh đạo ở mọi cấp đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt, họ khẳng định, các công ty ngày càng tìm kiếm những con đường để có thể liên kết với các mục tiêu của tầng lớp lãnh đạo. "Các công ty đang cố gắng nắm bắt những động thái chính trị để họ có thể hiểu rõ những gì liên quan", Scott Kronick, một chuyên gia quan hệ công chúng nghiên cứu Bắc Á nói. "Tôi nghĩ mọi người hiểu rằng, chính phủ điều chỉnh mọi ngành công nghiệp và họ phải gắn kết nó với các mục tiêu của mình".

 

Theo VietnamNet