Phát biểu trước Quốc hội Indonesia hôm qua (23/11) về vụ rơi máy bay xuống biển cuối tháng 10/2018, Nurcahyo Utomo – quan chức Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết “phi công máy bay Lion Air JT610 đã cố điều khiển máy bay đến phút cuối cùng nhưng không thành”.
Cụ thể, theo Utomo, phi công đã cố tìm cách tăng độ cao chiếc Boeing 737 Max khi phát hiện máy bay có dấu hiệu chúi đầu xuống. Tuy nhiên, “mọi việc càng lúc càng trở nên khó khăn”.
|
Mảnh vỡ máy bay Lion Air JT610. Ảnh: Reuters |
Việc máy bay bất ngờ chúi đầu xuống bắt nguồn từ sự cố ở cảm biến AOA. Một số tổ chức hàng không Mỹ, bao gồm Cơ quan Hàng không Liên bang cho biết hãng Boeing đã không thông báo về việc lắp cảm biến AOA mới vào phiên bản máy bay 737 Max.
Cuối cùng, chiếc Lion Air JT610 hoàn toàn mất kiểm soát và lao xuống biển với tốc độ hơn 400 dặm/giờ, khiến toàn bộ 189 người có mặt trên máy bay thiệt mạng.
Theo Utomo, việc màn hình buồng lái chiếc Lion Air hiển thị sai số liệu, khiến cơ trưởng và cơ phó nhận được những thông tin khác nhau về máy bay có thể là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc.
Cơ trưởng của chuyến bay được xác định là Bhavye Suneja (người Ấn Độ), và cơ phó là Harvino (người Indonesia).
Utomo cũng xác nhận thông tin cho rằng chiếc Boeing 737 Max đã gặp những lỗi tương tự trong các chuyến bay trước đó.
Hãng hàng không Lion Air thừa nhận máy bay có trục trặc, nhưng khẳng định đã khắc phục sự cố trước chuyến bay JT610.
Cơ quan điều tra Indonesia hiện vẫn đang tích cực tìm kiếm hộp đen chứa dữ liệu ghi âm buồng lái để có thêm manh mối về khoảnh khắc chiếc máy bay xấu số gặp nạn.
Chỉ 13 phút sau khi cất cánh lúc khoảng 6h15’ sáng 29/10 từ thủ đô Jakarta của Indonesia, chiếc máy bay mang số hiệu JT610 của hãng hàng không Lion Air chở 189 người đã bất ngờ biến mất khỏi radar và rơi xuống vùng biển gần bờ.
Toàn bộ 189 hành khách và thành viên phi hành đoàn được cho là không còn khả năng sống sót.
Vụ tai nạn của phi cơ Lion Air JT610 là thảm họa hàng không tồi tệ nhất ở Indonesia kể từ năm 1997.
Theo Minh Hạnh/Báo Tiền Phong