Reuter mới đây đưa tin, theo nguồn của một quan chức giấu tên của Mỹ, nhóm P5+1 (gồm 5 nước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) với Iran đang tiến dần đến một thỏa thuận ban đầu nhằm giải quyết chương trình hạt nhân của Iran. Nhiều khả năng thỏa thuận này sẽ được các bên nhất trí được tại cuộc họp dự kiến diễn ra từ ngày 20/11 đến ngày 22/11 tại Geneva (Thụy Sĩ).
“Đây gần như là lần đầu tiên trong gần 1 thập kỷ qua, chúng tôi có tiến gần hơn đến thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran”, vị quan chức giấu tên này cho biết.
Cũng theo nguồn tin, người phụ trách chính sách ngoại giao Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif sẽ có cuộc gặp riêng tại Geneva vào ngày 20/11 trước khi có cuộc gặp chung với các thành viên nhóm P5+1 gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ vào ngày 22/11.
|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (chỉ tay), bà Catherine Ashton (ngồi giữa) phụ trách chính sách ngoại giao Liên minh châu Âu và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif trong cuộc gặp tại Geneva 9/11/2013 |
Cuộc gặp giữa P5+1 và Iran lần này nhằm tìm kiếm một thỏa thuận tạm thời để các bên có thêm thời gian đàm phán tìm kiếm một thỏa thuận toàn diện và lâu dài hơn với Iran nhằm chấm dứt các bế tắc liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran trong suốt 10 năm qua.
Iran cũng phủ nhận rằng đang tìm kiếm khả năng sản xuất vũ khí nguyên tử và khẳng định chỉ thực hiện tham vọng hạt nhân nhằm mục đích hòa bình và dân sự.
Bất chấp việc thương lượng kéo dài thêm một ngày, cuộc đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 diễn ra tại Geneva, kết thúc ngày 9/11 trước đó đã không đạt được thỏa thuận nào về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Các bên chỉ nhất trí sẽ gặp lại nhau vào ngày 20/11 tới để tiến hành các cuộc đàm phán mới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ không áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới đối với Iran trong khi các cuộc đàm phán đang được tiến hành và kêu gọi tạm dừng các biện pháp trừng phạt của Mỹ mà sử dụng các biện pháp ngoại giao. Ngoài ra theo các nhà vận động hành lang, Nhà Trắng trong tuần này cũng đã tìm đến những nhóm tiến bộ ủng hộ ngoại giao với Iran để đảm bảo phù hợp với cách tiếp cận của chính quyền Obama.
Ước tính Irancos khoảng 100 tỉ đô đang bị đóng băng trong các tài khoản nước ngoài mà Tehran không thể tiếp cận do các lệnh trừng phạt. Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Iran. Các quan chức Mỹ ước tính rằng nền kinh tế Iran đã suy giảm 5% năm ngoái và đồng tiền Rial của Iran mất khoảng 60 % giá trị của nó so với đồng USD kể từ năm 2011 .
Bình luận về báo cáo kiểm tra của Liên Hợp Quốc ngày 14/11 cho rằng Iran đã ngừng mở rộng các chương trình làm giàu uranium, vị quan chức này cho biết đây là một tiến triển tốt nhưng không giải quyết được nhiều câu hỏi và quan ngại về tham vọng hạt nhân của Tehran.
"Chúng tôi đánh giá cao những bước tiến trong tiến trình xử lý khủng hoảng hạt nhân của Iran nhưng chúng tôi muốn chắc chắn rằng, Iran không sử hữu vũ khí hạt nhân, đó là lý do mà chúng tôi kiên trì trong suốt 10 năm qua”.
Ngoại giao phương Tây cho biết một trong những điểm khúc mắc trong các cuộc đàm phán là lập luận liệu Iran có "quyền" làm giàu uranium hay không, trong khi Mỹ khăng khăng cho rằng Iran không thực chất có quyền đó theo những điều khoản ghi trong Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Bình Nguyên (theo Reuters)