Sự kiện được tổ chức tại Đại học Washington, thành phố St. Louis, bang Missouri vào lúc 21h ngày 9/10 (8h ngày 10/10, giờ Hà Nội).
Cuộc tranh luận Tổng thống Mỹ lần này diễn ra theo cách thức hoàn toàn khác là "town hall meeting" (giao lưu, nhận câu hỏi từ công chúng). Hai ứng viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ không đứng sau bục của mỗi người người nữa mà sẽ đi lại giữa đám đông cử tri trong trường quay. Bà Clinton và ông Trump phải trả lời các câu hỏi của các cử tri còn chưa quyết định ủng hộ ai. Bà Clinton được hỏi trước sau khi bốc thăm.
|
Khu vực dành cho báo chí chật cứng người từ trước khi buổi tranh luận bắt đầu. Nguồn: CNN |
Dẫn dắt cuộc tranh luận lần này là 2 nhà báo, người dẫn chương trình nổi tiếng: Anderson Cooper của đài CNN và Martha Raddatz của đài ABC. Cooper là một trong số những nhà báo công khai đồng tính sáng giá của nước Mỹ trong khi Raddatz là người có nhiều năm kinh nghiệm trong mảng tin quốc tế.
Theo thống kê của trang Buzzfeed, tỷ phú Donald Trump đã ngắt lời bà Hillary Clinton 6 lần trong chưa đầy một phút, mặc dù người dẫn chương trình đã “cầu xin” ông dừng lại. Ông Trump còn nhiều lần tranh cãi với người dẫn chương trình khi ông nói lệch chủ đề hoặc đã hết thời gian mà không dừng lại.
“Hai người ngắt lời tôi mọi lúc. Tại sao lại không ngắt lời bà ấy?”, ông Trump tức giận nới với hai người dẫn chương trình.
Ông Trump và cái ghế
Các nhà quan sát trên mạng xã hội đã để ý dáng vẻ và hành động kỳ lạ của ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc tranh luận thứ hai vừa kết thúc tại St. Louis, Missouri. Trong suốt buổi tranh luận, những người sử dụng Twitter nhận định rằng khi không phải nói, tỷ phú Trump thường đi lại loanh quanh sân khấu, đứng sau ghế của mình và dựa vào nó.
|
"Bức ảnh đáng giá nhất tối nay", một cư dân mạng bình luận về điệu bộ của ông Trump với cái ghế. Nguồn: Business Insider |
Những cư dân mạng chú ý rằng ông Trump thỉnh thoảng có những điệu bộ bước đi rất kỳ lạ, có người còn cho rằng Trump chẳng có việc gì làm ngoài đi quanh một cái ghế. Hay có người còn “châm chọc” rằng: “Chắc chiếc ghế chuẩn bị đi kiện ông Trump vì cản trở nó thực hiện nhiệm vụ”. Có người thì mỉa mai “Có phải ông Trump đang tập chống đẩy với chiếc ghế không, thật kỳ lạ”, hay “Trump dường như phải cầm lấy chiếc ghế như một cách để kiềm chế bản thân vậy”.
Dù có khoảng thời gian các ứng viên không tham gia phát biểu hay trả lời câu hỏi trong các cuộc tranh luận, song ngôn ngữ cơ thể và cách thể hiện trên sân khấu cũng thường xuyên bị quan sát rất kỹ và trở thành đề tài phê bình.
Ví dụ, trong buổi tranh luận năm 1992, cựu Tổng thống George H.W. Bush đã bị chỉ trích vì kiểm tra đồng hồ liên tục, khiến người xem có cảm giác ông đang rất sốt ruột và thiếu kiên nhẫn.
Vì sao ông Trump luôn đứng sau bà Clinton?
Ngoài ra, ứng viên đảng Cộng hòa còn tạo ra một tình huống hết sức kỳ quặc trong buổi tranh luận lần thứ hai, khi các ứng viên được tự do đi lại xung quanh sân khấu thì ông Trump thường xuyên chọn vị trí đứng ngay phía sau bà Hillary Clinton khi bà đang phát biểu.
|
Khoảnh khắc ông Trump đứng sau bà Clinton. Nguồn: CNN |
Trong khi đối thủ của mình trả lời câu hỏi của khán giả về Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền thì tỷ phú Donald Trump đứng ngay đằng sau bà Clinton một cách không thoải mái. Lập tức hành động này của ông tiếp tục phải nhận nhiều chỉ trích.
Mặc dù hành động đó của ông Trump có thể chỉ là ngẫu nhiên nhưng nhiều người đã chú ý và cho rằng đó là một trong những khoảnh khắc ngớ ngẩn nhất của buổi tranh luận. Một số người không nghĩ rằng cách đứng của ông Trump là hài hước, đặc biệt là sau khi đoạn video ông nói về cách “tán tỉnh” phụ nữ bị phát tán.
Thậm chí, các cư dân mạng đã ra tay “chế” hình ảnh ông Trump đứng ngay sau bà Clinton, nhiều người ví đó là một cảnh trong phim kinh dị và có người còn nhắc bà Clinton hãy cẩn thận.
|
"Hãy nhìn đằng sau kìa bà Clinton", một cư dân mạng cảnh báo. Nguồn: Twitter |
|
"Khoảnh khắc đáng sợ nhất của mọi phụ nữ", một người khác lên tiếng. Nguồn: Twitter |
Đáp lại, Kellyanne Conway, quản lý chiến dịch của ông Trump sau đó đã viết lên trang Twitter của mình rằng: “Làm thế nào để bạn biết Donald Trump đã giành chiến thắng sau buổi tranh luận. Một, bạn đã xem nó. Hai, Hillary và giời truyền thông xoáy vào hình ảnh ông Trump đứng đằng sau đối thủ”.
Obama cùng 400.000 cử tri đi bỏ phiếu sớm
Tổng thống Obama ngày 7/10 cũng đã đến một địa điểm tổ chức bầu cử sớm ở thành phố Chicago, bang Illinois để bỏ phiếu chọn người kế nhiệm.
Năm nay là lần thứ 58 người dân Mỹ đi bầu cử và họ sẽ chọn ra tổng thống thứ 45 cùng phó tổng thống thứ 48 của nước này. Cuộc bầu cử được ấn định vào ngày 8/11 sắp tới.
Việc bầu cử sớm được cho phép ở 37 bang và thủ đô Washington. Tính đến ngày diễn ra cuộc tranh luận thứ hai, 10 bang đã tiến hành bỏ phiếu sớm bằng hình thức trực tiếp. Ngoài ra, một số bang cho phép cử tri bỏ phiếu sớm qua mail, bao gồm các bang tranh chấp quan trọng như North Carolina, Nevada, Florida, Virginia,...
Theo AP, số cử tri bỏ phiếu sớm năm nay có thể đạt tỷ lệ 40% trên tổng số cử tri đi bầu, cao hơn 5% so với mùa bầu cử năm 2012. Hiện tại, ít nhất 400.000 cử tri đã bỏ lá phiếu của mình.
Theo Tuệ Minh/Infonet