Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75 hôm qua (21/9) chính thức khai mạc theo hình thức trực tuyến. Với dấu mốc quan trọng 75 năm, khi niềm tự hào về sự lớn mạnh của Liên Hợp Quốc đan xen với nỗi lo lắng thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có cho thấy sự cấp thiết phải cải tổ tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới này để phù hợp với tình hình mới.
|
Ảnh minh họa: Reuters. |
Phát biểu khai mạc phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh những thành quả to lớn đạt được của Liên Hợp Quốc trong 75 năm hình thành và phát triển để trở thành “trung tâm điều phối hành động chung của các quốc gia”.
Ông Guterres nhận định: “Một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, mà rất nhiều người đã lo sợ, đã không xảy ra. Chưa bao giờ trong lịch sử hiện đại, chúng ta trải qua nhiều năm mà không có một cuộc đối đầu quân sự giữa các cường quốc. Đây là một thành tựu tuyệt vời mà các quốc gia thành viên có thể tự hào và tất cả chúng ta phải cố gắng gìn giữ”.
Không thể phủ nhận những kết quả đạt được của Liên Hợp Quốc, nhưng hầu hết bài phát biểu của các nhà lãnh đạo thế giới đều đề cập đến những thách thức “chưa từng có” mà thế giới đang phải đối mặt, cho thấy tổ chức đa phương này vẫn chưa thể ăn mừng một sinh nhật trọn vẹn.
Các nhà lãnh đạo thế giới cho rằng, xung đột, cạnh tranh nước lớn, chính trị cường quyền, chủ nghĩa đơn phương…đang thách thức các mục tiêu chính của Liên Hợp Quốc trong việc “duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”, “phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia” và “hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế”.
Trong mục tiêu “hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức” và “phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia”, dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình nhất cho thấy các cơ quan của Liên Hợp Quốc vẫn chưa thể hiện rõ sự hiệu quả trong việc phối hợp các nỗ lực toàn cầu.
Tổ chức Y tế thế giới đối mặt với chỉ trích thiếu công bằng, chịu tác động và chưa đưa ra cách xử lý hiệu quả, dẫn đến việc Mỹ rút khỏi WHO, khơi mào cho chủ nghĩa dân tộc vaccine toàn cầu.
Trong bài phát biểu hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, dịch Covid-19 cho thấy bài toán cải cách là cần thiết để phát huy hiệu quả các cơ chế do Liên Hợp Quốc dẫn dắt.
“Dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình cho thấy các vấn đề toàn cầu cần có sự hợp tác vượt ra ngoài ranh giới các quốc gia. Liên Hợp Quốc chỉ có thể hoạt động và thể hiện rõ vai trò hiệu quả khi kết nối, đoàn kết được các nước thành viên thống nhất một cách tiếp cận chung”, Thủ tướng Đức đánh giá.
Trên khía cạnh “đảm bảo duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”, trong 75 năm phát triển, Liên Hợp Quốc đã góp phần giải tỏa cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962, chiến tranh Trung Đông năm 1973, chấm dứt nhiều điểm nóng trên thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn cùng lợi ích dân tộc nổi lên, những cơ hội hợp tác này đang dần kém hiệu quả. Các nỗ lực tập thể để chấm dứt xung đột tại Syria, Yemen hay Libya vẫn chưa hiệu quả do lợi ích chiến lược, phe nhóm giữa các quốc gia.
Học thuyết "Trách nhiệm bảo vệ" của Liên Hợp Quốc đang tạo “cớ” cho các liên minh do một nước lớn dẫn đầu đi xa hơn mục tiêu ban đầu,nhằm thay đổi chế độ tại một quốc gia và thực hiện hóa lợi ích chiến lược của mình.
Có thể nói sau 75 năm hình thành và phát triển, mặc dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng Liên Hợp Quốc vẫn là một tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị thế giới. Dù vậy, với một thế giới đang có sự biến đổi, việc cải tổ một cách toàn diện và có hệ thống, phù hợp với tình hình quốc tế mới đang là một yêu cầu cấp thiết nhằm tiếp tục đảm bảo vai trò và vị thế của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này.
Theo Phạm Hà/VOV.VN