Liên minh cầm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội NB

Google News

(Kiến Thức) - Thủ tướng Shinzo Abe đã củng cố thêm quyền lực, với việc liên minh cầm quyền kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện sau cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật (21/7).

Thủ tướng Abe trong ngày bầu cử
 
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, liên minh cầm quyền LPD-Công Minh mới giành được ít nhất 76 trong số 121 ghế được bầu. Cộng với 59 ghế không phải bầu lại, liên minh cầm quyền giành được ít nhất 135 ghế, đảm bảo một đa số quá bán tại Thượng viện theo đúng như mục tiêu mà  Chủ tịch LDP, Thủ tướng Shinzo Abe, đặt ra trước đó. Trong số các chính đảng đối lập, đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), đảng đối lập lớn nhất, thất bại thảm hại với 44 ghế trước bầu cử giảm xuống xuống còn 11 ghế tại Thượng viện Nhật Bản.

Tỷ lệ cử tri đi bầu là thấp. Hãng tin Kyodo ước tính tỷ lệ cử tri đi bầu giảm xuống 51,57%, thấp hơn tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử Thượng viện năm 2010 tới 6,35%.

Với việc liên minh cầm quyền giành được đa số quá bán tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện, tình trạng chia rẽ tại quốc hội Nhật Bản đã thực sự chấm dứt. Điều này sẽ giúp cho chính quyền của Thủ tướng Abe gặp nhiều thuận lợi hơn khi thúc đẩy hàng loạt những quyết sách quan trọng trong thời gian tới, đặc biệt là các chính sách kinh tế mang tên Abenomics nhằm đưa kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài gần hai thập kỷ qua.

Thủ tướng Abe sẽ thúc đẩy mục tiêu phục hồi  kinh tế và sửa đổi Hiến pháp hòa bình. Sau khi nhậm chức tháng 12/2012, Thủ tướng Abe đã thực hiện cam kết ưu tiên phục hồi kinh tế và nhanh chóng đưa ra một gói kết hợp tài chính-tiền tệ-tăng trưởng nhằm chấm dứt tình trạng giảm phát kinh niên đã cản trở kinh tế Nhật Bản phát triển trong nhiều năm qua.

Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Abe nói rằng cử tri Nhật Bản muốn chính trị ổn định để thúc đẩy nền kinh tế. Khi được hỏi về các vấn đề ưu tiên, ông Abe nói rằng kinh tế là ưu tiên hàng đầu.

Trước đó, những ưu tiên hàng đầu của nội các Abe là đưa kinh tế Nhật Bản ra khỏi tình trạng trì trệ kéo dài nhiều thập kỷ qua và sửa đổi Hiến pháp hòa bình để tăng cường sức mạnh của quân đội Nhật Bản, trong bối cảnh tranh chấp gia tăng với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông.





Lê Chân (theo Japan Times)