Lo ngại “Bụi thiên thần” khiến người thường hóa điên

Google News

Ma túy PCP (hay còn gọi là "Bụi thiên thần") gây rối nhiễu tâm trí và các triệu chứng tâm thần nghiêm trọng.

- Một số người sử dụng một loại ma túy mới PCP (hay còn gọi là "Bụi thiên thần") bị chuyển từ khoa chấn thương sang khoa thần kinh và phải cố định chân để họ không nhảy khỏi cửa sổ.

Thuốc lá nhúng PCP lỏng

Ở những góc phố Westmoreland và Rorer (Philadelphia, Mỹ), bạn có thể nghe thấy những nhóm thanh niên gốc Nam Mỹ, lưng giắt súng, hô to: "wet, wet, wet". Họ đang quảng cáo một loại thuốc đặc biệt cho khách hàng, những người không tới đây để mua heroin, cocaine mà tìm kiếm một loại ma túy mới PCP, hay còn gọi là "Bụi thiên thần". Đến khi trời sáng, một vài người sẽ bị cố định trên cáng và được đưa vào khoa tâm thần nội trú của trung tâm Phản ứng Khủng hoảng. Rất nhiều trong số đó là trẻ vị thành niên.

Giới chức và các chuyên gia y tế lo ngại rằng, trào lưu dùng PCP đang thịnh hành trở lại. PCP (phencyclidine) là chất được cho phép sử dụng gây mê tổng quát vào năm 1953. Do những tác dụng phụ đối với con người bao gồm gây ảo giác và bất an nên nó bị ngừng sử dụng vào năm 1965.

Trung úy Charles Jackson đã phục vụ tại đơn vị gây mê của Cục Cảnh sát Philadelphia trong 15 năm. Ông cho biết, PCP từng là một loại ma túy phổ biến ở thành phố này vào cuối những năm 1970, 1980. Ngày nay, PCP xuất hiện dưới dạng dung dịch lỏng trong những lọ nhỏ màu vàng có tên "wet". Những kẻ buôn ma túy nhúng lá bạc hà nghiền nát hoặc thuốc lá vào "wet" rồi đem bán để người mua tiện dùng.

Thuốc lá nhúng PCP lỏng.
Thuốc lá nhúng PCP lỏng.

Bước ra khỏi thân xác và giết người

"Rõ ràng loại ma túy này rất hấp dẫn với những đối tượng trẻ tuổi", Jackson nói, "Bạn sẽ không thấy nhiều người lớn dùng thuốc này bởi nó có tác dụng phụ" như rối nhiễu tâm trí và các triệu chứng tâm thần nghiêm trọng khác.

Nelly, một người từng nghiện "wet" kể rằng, anh tìm tới loại thuốc này để đổi khẩu vị: "Tôi chán hút cần sa và thấy wet rất hay". Phê PCP không hề giống phê cần sa. Những người hút "wet" nói rằng, họ cảm giác như mình có thể trò chuyện với đồ vật hoặc thậm chí là bước ra khỏi thân xác của mình.

Nelly cho biết hút wet khá rẻ. Người ta thường bán 15USD/mẩu thuốc hoặc 25USD cho 2 mẩu. Tuy nhiên, sau đó chi phí sẽ tăng cao. Khi đã nghiện nặng, mỗi tối Nelly phải hút tới 6 điếu.

Những người sử dụng "wet" quá liều cho biết thân nhiệt của họ tăng đột ngột. Họ cảm thấy cơ thể mình nóng như thiêu đốt nên phải cởi quần áo để hạ nhiệt. Ngoài ra, Jackson còn cho biết, ông từng chứng kiến người ta nhảy khỏi cửa sổ từ tầng 2 tòa nhà: "Người ta làm đủ thứ điên rồ khi dính tới PCP".

Jason Laughlin, một phát ngôn viên của Văn phòng Công tố viên Quận Camden (New Jersey) tin rằng, PCP trong "wet" có thể là nhân tố góp phần gây ra hàng loạt vụ giết người man rợ tại đây. "Thông thường, cần sa được sử dụng làm phần gốc của wet nhưng người ta cũng có thể dùng thuốc lá, mùi tây hoặc lá bạc hà thay thế", Laughlin nói, "Trong khi đó, PCP là thành phần chung".

Theo Trung tâm Nghiên cứu Lạm dụng chất gây nghiện của Đại học Maryland (CESAR), PCP có khả năng làm gián đoạn thụ quan của chất truyền dẫn thần kinh cùng cảm nhận nỗi đau, gây ảnh hưởng tới trí nhớ và cảm xúc. Những ảnh hưởng tức thì của nó có thể bao gồm cảm giác xa rời thực tế, bóp méo nhận thức và khao khát muốn cởi bỏ quần áo, nảy sinh hành vi thù địch.

Theo BS John McCafferty, Giám đốc nội trú tại Bệnh viện Einstein, những người bị nghiện thường nhanh chóng ổn định lại nhưng người hút "wet" có thể mất khả năng tự vận hành cơ thể mấy ngày liền. "Một số người sử dụng PCP còn bị chuyển từ khoa chấn thương sang khoa thần kinh và bị cố định chân để họ không nhảy khỏi cửa sổ. Có người nói mình bị đau ngực và khi chụp X-quang chúng tôi thấy xương sườn gãy. PCP là một loại thuốc gây tê nên thường các chấn thương chỉ bị phát hiện khi thuốc hết tác dụng".  
Phương Thanh (Theo Livescience, Dailybeast)
[links()]