- Những động thái gần đây nhất trong cuộc khủng hoảng ở Syria chứng tỏ, Mỹ và NATO đang lặp lại "kịch bản Libya".
Kịch bản Libya
Một mặt, họ ráo riết cung cấp các loại vũ khí hiện đại và các cố vấn quân sự cũng như lực lượng đặc nhiệm cho các nhóm vũ trang đối lập hoạt động trên lãnh thổ ở Syria. Mặt khác, họ đang thực hiện kế hoạch thiết lập "vùng cấm bay" từ tại khu vực trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ giáp giới với Syria để khống chế không quân Syria.
Theo tin trên báo The Times (Anh), ngay từ giữa tháng 9/2012, có một khối lượng lớn vũ khí hạng nặng hiện đại được Mỹ và đồng minh chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria để trang bị cho lực lượng đối lập thuộc "Đội quân tự do Syria", trong số đó có tàu chiến Intisaar cập cảng Iskenderun của Thổ Nhĩ Kỳ để chuyên chở 400 tấn vũ khí gồm tên lửa phòng không vác vai, súng phóng lựu chống tăng và nhiều loại vũ khí khác.
Trước đó, tháng 4/2012, chính quyền Lebalon đã từng bắt giữ một tàu chở côngtenơ đến từ Libya và cập cảng Tripoli, mang theo khối lượng lớn súng chống tăng, súng cối, súng máy cỡ lớn và tên lửa phòng không vác vai. Theo báo The Sunday Times (Anh), tính từ tháng 4 - 8/2012, có ít nhất 7 chuyến tàu chuyên chở vũ khí, trong đó có tên lửa phòng không vác vai đã cập cảng ở Lebalon để chuyên chở vũ khí sang Syria.
Theo Franklin Lamb, Giám đốc Ban nghiên cứu về Trung Đông của Quỹ Sabra Shatila, hiện nay có ít nhất 24 quốc gia cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập ở Syria, trong đó có 2/3 là thành viên NATO.
Tháng 11/2011, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đã từng tuyên bố trong chuyển thăm Libya rằng, Chính phủ Mỹ đã viện trợ cho Libya 40 triệu USD để mua vũ khí mới.
Cũng theo tin từ các báo ở Mỹ, trước khi bị tiến công và thiệt mạng vào ngày 11/9/2012 ở Bengazi, vào khoảng tháng 3/2011, Đại sứ Mỹ ở Libya Christopher Stevens đã có cuộc gặp Ali Sait Akin, Tổng lãnh sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya, để thảo luận khả năng chuyên chở vũ khí từ Libya sang Syria. Chính Đại sứ Christopher Stevens đã nhận được chỉ thị từ Washington tổ chức cuộc tiếp xúc với các lực lượng đối lập ở Libya đã từng có quan hệ mật thiết với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và hiện nay chuyên thực hiện nhiệm vụ chuyên chở vũ khí cho các lực lượng đối lập ở Syria.
|
Một khối lượng lớn vũ khí hạng nặng hiện đại được Mỹ và đồng minh chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria. |
Sự giúp đỡ các nước NATO
Cùng với Mỹ, Pháp cũng đang ráo tiết viện trợ quân sự cho các lực lượng đối lập ở Syria. Đại sứ của Pháp ở Syria, ông Eric Chevalier, tuyên bố không cần úp mở từ tháng 9/2012 rằng Pháp đang hợp tác với các nhóm vũ trang đối lập ở Syria.
Báo Đức "Die Welt" đưa tin, trong hàng ngũ lực lượng vũ trang đối lập Syria có tên lửa phòng không vác vai Mistral do Pháp sản xuất và đã từng được đưa vào trang bị cho quân đội Pháp từ năm 1988. Trước đây, Không quân Pháp đã từng sử dụng dù để thả vũ khí xuống lãnh thổ Libya cho các lực lượng đối lập và như vậy đã vi phạm Nghị quyết 1970 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập ở Libya. Hiện nay Không quân Pháp đang hành động tương tự ở Syria.
Cùng với Pháp, Anh cũng đã công nhận lực lượng đối lập ở Syria là "chính phủ hợp pháp" và đơn phương dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho các lực lượng đối lập ở Syria, tạo điều kiện cho lực lượng này lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Báo Anh The Sunday Times đưa tin, cơ quan tình báo Anh đang theo dõi tình hình ở Syria từ một căn cứ quân sự bố trí trên đảo ở Sip, sau đó chuyển tin tức tình báo cho Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Còn Thổ Nhĩ Kỳ lại chuyển tin tức tình báo cho các lực lượng vũ trang đối lập ở Syria. Dựa vào những tin tức tình báo này, các tổ chức khủng bố quốc tế tổ chức các cuộc tiến công nhằm vào các lực lượng của Chính phủ Syria. Nói cách khác, Mỹ, Pháp và Anh đang có ý định lặp lại nguyên vẹn "Kịch bản Libya" ở Syria.
Hương Ly
[links()]