Siêu đô thị Tokyo thường được mô tả là đông đúc, quá tải và phát triển bùng nổ. Tuy nhiên, trên thực tế, không giống nhiều siêu đô thị khác, phần lớn khu vực đô thị lớn nhất thế giới đã ngừng phát triển, cả về đất đai hay dân số.
Khi Mumbai, Lagos hoặc São Paulo liên tục mọc lên những khu dân cư mới vượt xa khả năng bắt kịp của thành phố, quy hoạch và dịch vụ đô thị của Tokyo chủ yếu bao gồm các phường trung tâm và các thành phố lân cận của Kawasaki, Yokohama, Chiba và Saitama, hình thành nên khu vực đô thị không bị chia cắt.
Theo Guardian, trong khi dân số Nhật Bản già đi, nhân khẩu học của Tokyo thực ra đang ở quãng giữa. Mật độ dân số ở đây ở mức trung bình, đông đúc hơn một số thành phố và ít hơn các nơi khác.
|
Tokyo đang ở trên hoặc gần dân số đỉnh cao, như "cao điểm của chuyến tàu lượn siêu tốc". Ảnh: Getty. |
Thất nghiệp và tội phạm ở mức thấp. Giao thông được quản lý tương đối tốt, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng và xe đạp rất cao. Việc chỉnh trang đô thị có vẻ ít gây xáo trộn hơn ở các thành phố thịnh vượng tương tự như London và New York, nơi nhiều khu phố đang được quy hoạch lại với tốc độ cao.
Tất nhiên, Tokyo có nhiều vấn đề. Bất động sản vẫn còn đắt đỏ, sự mở rộng làm cho thời gian đi lại dài, thành phố có ít không gian xanh trên đầu người và những vấn đề xã hội khác. Bộ mặt thành phố liên tục thay đổi khi các tòa nhà mới hiếm khi tồn tại lâu hơn 30 năm.
Tuy nhiên, có một lập luận được đưa ra rằng Tokyo, hiện đã hoàn thành sự phát triển sau chiến tranh, đã đạt đến sự trưởng thành hay chưa. Liệu đây có phải là dạng siêu đô thị ổn định nhất có thể tồn tại hiện nay với trạng thái cân bằng của dân số ổn định, thay đổi có thể quản lý được, cư dân và các ngành công nghiệp ở tình trạng cân bằng?
Thành phố ngừng tăng trưởng
"Tokyo là siêu đô thị đầu tiên chứng kiến sự kết thúc tăng trưởng", Andre Sorensen, giáo sư khoa địa lý nhân văn tại Đại học Toronto, tác giả cuốn sách The Making of Urban Japan (Sự tạo thành Đô thị Nhật Bản), nói với Guardian.
"Nó cung cấp bài học quan trọng cho các thành phố trên khắp thế giới, vì 'đô thị đỉnh cao' sẽ được nhìn thấy ngày càng nhiều ở những nơi khác trong phần còn lại của thế kỷ khi thế giới được đô thị hóa hoàn toàn, tăng trưởng dân số chậm lại, sau đó bắt đầu suy giảm", ông cho biết.
Ông chỉ ra rằng Nhật Bản về cơ bản đã "đô thị hóa hoàn toàn" với 94,7% dân số sống ở các thành phố vào năm 2015 nhưng Tokyo có thể bắt đầu co lại.
"Dự kiến tổng dân số Nhật Bản sẽ giảm từ 128 triệu vào năm 2010 xuống còn khoảng 87 triệu vào năm 2060, tức giảm khoảng 800.000 mỗi năm", ông nói.
|
Người qua lại tại một ngã tư ở quận Ginza của Tokyo. Ảnh: AFP/Getty. |
Một lợi ích rõ ràng của đỉnh điểm này là giá nhà đất đã chững lại, hơn hai thập kỷ sau khi bong bóng nhà đất bùng nổ vào năm 1991. Điều này cho phép sự bùng nổ phát triển nhà ở cao tầng trong lõi của thành phố trong 15 năm qua, một phần vì giá đất thấp hơn khiến cho việc xây dựng nhà chung cư mới ở khu vực trung tâm trở nên khả thi về mặt kinh tế.
Thật không may, Tokyo cũng đang hút người và tài nguyên từ các khu vực. Việc xây dựng nhà ở trong lõi Tokyo có nghĩa là thêm nhiều nhà ở bỏ trống ở ngoại ô và phần còn lại của Nhật Bản.
Tom Gill, giáo sư nhân chủng học xã hội tại Đại học Meiji Gakuin ở Tokyo, cho rằng đây là vấn đề lớn. Nó cướp đi các khu vực dân số trẻ và làm tổn thương các ngành công nghiệp như nông nghiệp và thủy sản.
Ông Gill nhấn mạnh rằng mỗi năm trong ba thập kỷ qua, gần 1% dân số chuyển từ nông thôn lên thành phố, dẫn tới dân số nông thôn suy giảm nhanh chóng, cảnh quan ở các thôn làng bị bỏ hoang, nhiều "cộng đồng ngoại vi" trên bờ vực biến mất.
Sự thay đổi không tránh khỏi
Trong nhiều chỉ số xã hội, Tokyo dường như đã đạt đến ổn định. Thất nghiệp chỉ là 4,7%, trong khi bất bình đẳng thu nhập (được đo bằng hệ số Gini) là 0,33, tốt hơn so với London và New York và chỉ kém hơn một chút so với Berlin. Tỷ lệ giết người thấp ở mức kinh ngạc, 0,4 trên 100.000 người (New York là 5,6; Bogota là 16,1).
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra mối nguy hiểm trong sự ổn định được ca ngợi của Nhật Bản, khi các nhóm bên lề ít có tiếng nói bị bỏ quên trong xã hội đồng thuận cao.
|
Đường dành cho người đi bộ ở quận Shibuya, một trong những lối băng qua đường nhộn nhịp nhất thế giới. Ảnh: Alamy. |
Bất chấp sự kỳ diệu của hệ thống giao thông, Tokyo vẫn là một thành phố lớn với việc đi lại khó khăn và văn hóa làm việc khắt khe. Có rất nhiều người phải chịu đựng bốn hoặc năm giờ trên một chuyến tàu quá tải nghiêm trọng mỗi ngày, phải vật lộn để đi lại giữa nơi làm việc và những vùng ngoại ô xa xôi.
"Thời gian linh hoạt? Làm việc từ nhà? Những biện pháp này đã có khoảng nửa thế kỷ nhưng rất ít nhà tuyển dụng lớn của Nhật Bản sử dụng chúng. Thế là sự khốn khổ của việc đi lại hàng ngày vẫn tiếp diễn", Gill nói.
Bất kể Tokyo có là "thành phố đỉnh cao" hay không, mọi người đều đồng ý một điều: thay đổi là không thể tránh khỏi.
"Các tính năng vượt trội của phiên bản Tokyo mà chúng ta có bây giờ chỉ mới xuất hiện vài thập kỷ. Vì vậy, sự cân bằng và ổn định mà chúng tôi nhận thấy chỉ rõ ràng trong khung thời gian hẹp", Franz Prichard, trợ lý giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Đông Á của Đại học Princeton, nói.
Sorensen cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu Tokyo 2019 như một khuôn hình trong một thời điểm cụ thể.
"Các thành phố luôn tồn tại trong thời gian, các quy trình tạm thời và quy tắc kỳ vọng tương lai trong thị trường bất động sản. Sự cân bằng này dường như là một khoảnh khắc tạm thời và sẽ trôi qua", ông nói.
"Tôi không cảm thấy thoải mái khi gọi Tokyo là 'thành phố đỉnh cao'", Gill đồng tình.
"Đây là một tình huống rất phức tạp và có một số khía cạnh tích cực, đáng chú ý là việc sống ở Tokyo tương đối rẻ, chắc chắn rẻ hơn London và không thể phủ nhận tỷ lệ tội phạm thấp và cảm giác an toàn khi đi lại ở Tokyo về đêm. Tuy nhiên, bạn có thể dễ dàng lập luận rằng nó đã vượt qua đỉnh cao và đang kéo phần còn lại của Nhật Bản xuống cùng với nó", ông nói.
*) Title do Kiến Thức biên tập lại
Theo Tuyết Mai/Zing.vn