Nhân viên Malaysia Airlines từ chối bay sau MH17

Google News

(Kiến Thức) - Sau thảm kịch MH370 và MH17, nhiều nhân viên Malaysia Airlines (MAS) bao gồm cả phi hành đoàn gặp nhiều áp lực về mặt tình thần, thậm chí từ chối bay.

Thực vậy, trong vòng hơn 3 tháng, hãng hàng không MAS liên tiếp nhận 2 cú sốc và là “tiền lệ chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không thế giới”, đó là vụ biến mất bí ẩn của chiếc máy bay MH370 ngày 8/3 và vụ bắn rơi máy bay MH17 ngày 17/7 ở Ukraine.
Trước những mất mát to lớn đó, hãng hiện cũng đang thực hiện một số biện pháp để khích lệ tinh thần của các nhân viên, phi công của mình. Đơn cử, ban lãnh đạo MAS gửi các thư điện tử khích lệ tinh thần, đích thân tới các khu vực đăng ký/kiểm tra thủ tục khách hàng và làm công tác vận động tư vấn các nhóm nhân viên có liên kết chặt chẽ với nhau. Gạt bỏ những đau buồn phía sau, MAS còn đang vật lộn với việc làm sao để công ty tránh lâm vào tình trạng phá sản khi mà tình hình phát triển của MAS không mấy khả quan sau vụ MH370 và ngày một tồi tệ hơn sau tai nạn MH17.
Tiếp sau sụ biến mất bí ẩn của MH370, hãng Malaysia Airlines tiếp tục chịu sự mất mát to lớn sau sự cố máy bay MH17 bị bắn rơi ở Ukraine ngày 17/7.
“Chúng tôi đã nhận được một số báo cáo rằng nhân viên phi hành đoàn (những người không dám bay nữa) do bị ảnh hưởng về mặt tinh thần”, Chủ tịch Liên đoàn tiếp viên hàng không Malaysia (NUFAM), ông Ismail Nasaruddin cho hay. Nói chung, ông Nasaruddin khen ngợi công tác hỗ trợ tinh thần của MAS đối với nhân viên, phi hành đoàn bị tổn thương sau 2 thảm kịch trên.
Theo nhiều chuyên gia, hiếm có một nhân viên nào có thể vượt qua sự mất mát quá lớn trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Hai sự kiện đau thương xảy ra càng khiến họ bị chấn thương tinh thần một cách trầm trọng hơn.
Theo số liệu của Hội đồng điều hành nhân viên tổ bay Malaysia Airlines (giống với một tổ chức công đoàn trong nội bộ MAS), hãng có chừng hơn 3.600 tiếp viên hàng không.
Trong trường hợp vụ MH370 biến mất ngày 8/3, các đồng nghiệp, bạn bè, thân nhân của phi hành đoàn và hành khách đón nhận thông tin kết luận về vụ việc trong một trạng thái lấp lửng với tuyên bố của giới chức là máy bay rơi ở nơi nào đó xa xôi ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, với vụ tai nạn MH17, hình ảnh xác máy bay cũng như thi thể các nạn nhân xấu số nằm rải rác khắp cánh đồng lúa mạch của vùng quê miền đông Ukraine xuất hiện khắp các mặt báo trên thế giới. Điều này vô hình khiến họ (tức nhân viên hãng MAS hay thân nhân hành khách) phải chịu đựng một cảm giác mất mát quá lớn lao.
 Hai sự kiện nối tiếp nhau khiến tinh thần làm việc của các nhân viên của hãng hàng không này không khỏi bị ảnh hưởng.
“Nhiều người trong số họ (nhân viên MAS) vẫn phải đối phó với mất mát to lớn mơ hồ từ vụ máy bay MH370 biến mất. Với thảm kịch gần đây nhất (MH17 bị bắn rơi), tất nhiên, những điều họ cố gắng vượt qua một lần nữa lại trỗi dậy”, nhân viên tư vấn Hariyati Shahrima Abdul Majid nói. Bà Hariyati hiện làm việc ở Mercy Malaysia, một tổ chức cứu trợ y tế đảm nhiệm giúp đỡ các nhân viên hàng không MAS đối diện với sự mất mát của các đồng nghiệp. Bà Hariyati là thành hội đồng điều hành và cố vấn tâm lý với nhóm chăm sóc các thành viên phi hành đoàn của hãng MAS.
Cùng với sự hỗ trợ từ bên ngoài, ban lãnh đạo nội bộ MAS cũng có những việc làm khích lệ nhân viên của mình, đặc biệt là với nhân viên tổ bay và các kĩ thuật viên. Ngoài các công việc chuyên môn, hàng ngày các giám đốc sẽ chăm lo tới cuộc sống của họ, thông tin này được MAS hồi đáp với cánh báo giới trong một bức thư điện tử. Theo đó, quản lý cấp cao còn tới tận các khu vực làm việc của nhân viên trong giờ cao điểm hay gửi các thư thăm hỏi tới toàn thể cấp dưới.
“Tinh thần làm việc của các nhân viên MAS xuống thấp không phải họ cảm thấy sợ bay mỗi khi làm việc. Thực tế, họ cảm thấy hụt hẫng và có chút bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của những người đồng nghiệp thân thiết. Chúng tôi cùng ăn, ở và song hành trên các chuyến bay cùng nhau”, Giám sát viên của MAS, ông Husni Uzair nói.
Thanh Nga (theo WSJ)