Sau gần 5 năm kể từ lần gần đây nhất vào tháng 10/2013, Chính phủ Mỹ chính thức ngưng hoạt động vào lúc 0h ngày 20/1, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đảng Cộng hòa thất bại trong việc thuyết phục Đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ thông dự luật chi tiêu tạm thời cho phép Chính phủ Mỹ có thể hoạt động tới ngày 16/2. Tuy nhiên điều này đã không thể xảy ra.
Điều gì khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa?
Vì Quốc hội Mỹ không thể thông qua gói ngân sách cho việc duy trì hoạt động của các cơ quan trong chính quyền liên bang. Trên thực tế vào cuối năm 2017, Quốc hội Mỹ đã thông qua được một gói ngân sách tạm thời để duy trì hoạt động của chính phủ thêm một tháng. Dù vậy, gói ngân sách tạm thời tiếp theo đã không "qua cửa" thành công ở Thượng viện.
Để dự luật chi tiêu tạm thời được thông qua ở Thượng viện, Đảng Cộng hòa cần thêm sự đồng thuận của 9 thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ. Trong khi đó Đảng Dân chủ đang muốn ép Tổng thống Trump và phe Cộng hòa đưa ra một giải pháp mới cho chương trình DACA của cựu tổng thống Barack Obama. Kết quả cuối cùng là cả hai bên vẫn không thể tìm ra tiếng nói chung trong đêm 19/1.
|
Kể từ năm 1976 cho đến nay, Chính phủ Mỹ đã phải ngưng hoạt động phần hoặc hoàn toàn 18 lần. Ảnh: The Conversation. |
Những lần đóng cửa của Chính phủ Mỹ
Quay ngược về quá khứ trong những năm 1970 mà cụ thể hơn là vào năm 1976 khi lần đầu tiên Chính phủ Mỹ phải “đóng cửa” dưới thời Tổng thống Mỹ Gerald Ford kéo dài 10 ngày từ 30/9/1976 đến 11/10/1976. Sau khi Tổng thống Ford bác bỏ một dự luật tài trợ ngân sách mới cho Bộ Lao động và Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi Mỹ khi đó, khiến một phần bộ máy chính quyền Mỹ phải tạm ngừng hoạt động.
Đến thời Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Chính phủ Mỹ đóng cửa tới 5 lần do nhiều nguyên nhân khác nhau từ năm 1977-1979. Trong đó đỉnh điểm là vào năm 1978, khi chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa trong 18 ngày từ 30/9/1978 đến 18/10/1978, khi Quốc hội Mỹ không thông qua khoản chi ngân sách mới được cho là quá vô lý do Tổng thống Carter đề xuất.
Tuy nhiên, những “thành tích” mà Tổng thống Mỹ Carter có được nhanh chóng bị xô đổ khi người kế nhiệm của ông này là Tổng thống Mỹ Ronald Reagan lên nằm quyền. Và chỉ trong khoảng thời gian từ năm 1981-1987, nước Mỹ đã có tới 8 lần ngưng hoạt động. Dù vậy các lần “đóng cửa” này của chính quyền Tổng thống Reagan chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không để lại quá nhiều tác động.
|
Theo thời gian các cuộc bỏ phiếu thông qua ngân sách hàng năm của Chính phủ Mỹ đều đang bị cả hai phe Cộng hòa lẫn Dân chủ chính trị hóa, hơn là vấn đề liên quan đến vấn đề thiếu hụt ngân sách. Ảnh: Sputnik. |
Các lần đóng cửa tiếp theo của Chính phủ Mỹ diễn ra vào năm 1990, 1995 và 1996 dưới thời hai Tổng thống George HW Bush và Bill Clinton.
Nghiêm trọng nhất trong số đó là dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton, khi Chính phủ Mỹ ngưng hoạt động trong vòng 21 ngày đây cũng là lần ngưng hoạt động lâu nhất của chính quyền Mỹ kéo dài từ tháng 12/1995 đến tháng 1/1996. Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ đề cập tới vấn đề thâm hụt ngân sách trong chi tiêu công ở Mỹ, cũng như khởi đầu cho những mâu thuẫn giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ trong các gói ngân sách chi tiêu cho Chính phủ Mỹ hàng năm.
Và lần gần đây nhất Chính phủ Mỹ phải đóng cửa do hạ viện nước này không thông qua ngân sách cho một năm tài khóa mới vào tháng 10/2013 dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama kéo dài trong 16 ngày. Đây cũng là lần đầu tiên nước Mỹ thực sự “hết tiền” khi 800.000 nhân viên chính phủ buộc phải nghỉ làm tạm thời và 1.3 triệu người khác buộc phải tiếp tục làm việc mà không xác định được thời hạn thanh toán lương và trần nợ công của nước Mỹ lên mức đỉnh điểm 16.700 tỷ USD.
Nguồn cơn cho sự bế tắc này xuất phát điểm từ Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền hay còn được gọi là Obamacare do Tổng thống Obama đề xuất. Đạo luật này vấp phải sự phản ứng gây gắt từ các thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa vốn nắm đa số ở Hạ viện Mỹ khi đó và mọi rắc rối chỉ được giải quyết khi Obamacare được Thượng viện Mỹ thông quan khi đó vốn do Đảng Dân chủ chiếm đa số.
Mời độc giả xem video: Một năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn VNEWS)
Chương trình DACA hay bất đồng trong nội bộ Đảng Cộng hòa
Vậy nguyên nhân khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong đêm 19/1 là gì? Nguyên nhân đầu tiên được đưa ra là việc Đảng Dân chủ vẫn quyết liệt bảo vệ 700.000 "Dreamer" - những người nhập cư bất hợp pháp đến Mỹ từ bé, khỏi nguy cơ bị trục xuất theo quyết định chấm dứt Chương trình bảo vệ Dreamer (DACA) bị Tổng thống Trump bãi bỏ vào cuối năm ngoái, thứ hai là sự bất đồng trong nội bộ Đảng Cộng hòa với các chính sách gây nhiều tranh cãi từ Nhà Trắng trong suốt một năm ông Trump cầm quyền.
Nói cách khách chương trình DACA chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh chính trị ở nước Mỹ hiện tại và nó không phải là nguyên chính dẫn tới việc Chính phủ Mỹ ngưng hoạt động, mà vấn đề thực sự xuất phát từ chính bên trong nội bộ Đảng Cộng hòa chiếm đa số ở cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không dành được sự tín nhiệm từ ngay bên trong nội bộ đảng của mình và mở rộng ra là mâu thuẫn giữa hai chính đảng lớn nhất nước Mỹ.
Ở thời điểm hiện tại rất khó để có thể nói trước được điều gì và hay phải mất bao lâu Chính phủ Mỹ mới có thể hoạt động trở lại, nhưng giới phân tích vẫn lạc quan rằng hai phe Cộng hòa và Dân chủ sẽ sớm đạt được thỏa hiệp. Chính phủ Mỹ sẽ hoạt động trở lại vào thứ 2 tức ngày 22/1 sau 24 giờ chính quyền liên bang ngưng hoạt động.
Trà Khánh