Trong số 15 nhân vật mới được đưa vào danh sách 100 người có quyền lực nhất thế giới 2012 của tạp chí Mỹ Forbes, có cựu tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Thật ra, ông Giang Trạch Dân là một người cũ trong danh sách 100 người có quyền lực nhất thế giới do Forbes bầu chọn mấy năm trước đây. Trong danh sách năm nay, ông được xếp thứ 62. Trong những người mới còn có 2 chính khách Trung Quốc khác là ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hạt nhân thế hệ thứ ba
Tổng bí thư ĐCSTQ khóa 18 Tập Cận Bình xếp thứ 9, trong khi đó ông Hồ Cẩm Đào vừa rời khỏi chức vụ tổng bí thư đã bị loại (năm ngoái xếp thứ 3). Thủ tướng Ôn Gia Bảo, người sắp mãn nhiệm vào tháng 3-2013, cũng không còn trong danh sách. Phó Thủ tướng Thường trực Lý Khắc Cường, nhân vật số 2 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ và người sẽ thay thế Thủ tướng Ôn Gia Bảo, được xếp thứ 13.
Sự trở lại của ông Giang Trạch Dân, theo báo chí phương Tây, được xem là ngoạn mục bởi tháng 7 năm ngoái có tin đồn ông đã qua đời do tuổi cao (lúc đó là 85 tuổi) và bệnh nặng. Hóa ra tin đồn gây chấn động dư luận trong và ngoài nước này là thất thiệt.
|
Ông Giang Trạch Dân (bên phải) và ông Hồ Cẩm Đào trong ngày khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. Ảnh: THE HINDU. |
Nguồn tin do đài truyền hình châu Á ở Hồng Kông phát đi ngày 6-7-2011 trùng hợp với sự vắng mặt bất ngờ của ông trong buổi lễ kỷ niệm 90 năm thành lập ĐCSTQ. Đây là đài truyền hình lớn có đến 100 triệu khán thính giả xem 3 kênh tiếng Quảng Đông, tiếng phổ thông và tiếng Anh.
Bản tin sau đó được đính chính và nhà đài xin lỗi. Hậu quả là 2 tháng sau, hai nhà quản lý cao cấp của nhà đài, trong đó có một phó chủ tịch, xin từ chức. Nhưng tại sao nhà đài mắc lỗi tày trời và khó hiểu như vậy thì vẫn là một điều bí ẩn.
Ông Giang Trạch Dân vốn được coi là “hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ 3” của ĐCSTQ. Dưới thời ông làm tổng bí thư (1989-2002) và chủ tịch nước CHND Trung Hoa (1993-2003), Trung Quốc phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 8%/năm khiến cả thế giới giật mình.
Việc thu hồi Hồng Kông từ Anh và Macau từ Bồ Đào Nha một cách êm thấm, Trung Quốc được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới, tái lập mối quan hệ với Mỹ sau căng thẳng năm 1989 và giành được quyền tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 cũng là những thành tựu đáng ghi nhớ.
Ông cũng là người đóng góp lý thuyết “Ba đại diện” (lực lượng sản xuất tiên tiến, văn hóa tiên tiến và lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc) mở rộng các nguyên tắc của học thuyết Mác-xít. Lý thuyết này đã được đưa vào điều lệ đảng và hiến pháp Trung Quốc, nâng ông lên ngang tầm với 2 nhà tư tưởng Mác-xít Trung Quốc trước đó là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Hồi sinh chính trị
Sự hồi sinh chính trị của ông Giang Trạch Dân, theo nhà phân tích chính trị - giáo sư Russell Leigh Moses ở Bắc Kinh, được thể hiện cụ thể từ cuối tháng 9 vừa qua khi ông dự buổi hòa nhạc tại Nhà hát lớn quốc gia ở Bắc Kinh cùng với nhiều nhà lãnh đạo khác. Theo truyền thống Trung Quốc, đây là một dịp để các nhà lãnh đạo Trung Quốc bàn chuyện quốc sự.
|
Ông Tập Cận Bình (bên trái) và ông Lý Khắc Cường được coi là hai “học trò” của ông Giang Trạch Dân. Ảnh: CNN. |
Ngày 9-10, người ta lại thấy ông xuất hiện tại lễ kỷ niệm 100 ngày thành lập Đại học Hải Dương Thượng Hải nhưng sự kiện này chỉ được tiết lộ hơn nửa tháng sau. Những sự xuất hiện liên tục này được xem nằm trong một chiến dịch quảng bá hình ảnh ông Giang với đỉnh điểm là sự hiện diện của ông tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18.
Theo nhật báo Pháp Le Figaro, ông trở thành một ngôi sao trong đại hội. Ngày khai mạc, ông sánh đôi với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tiến vào đại lễ đường Nhân dân trước tất cả các nhà lãnh đạo khác. Đây được xem là dấu ấn tầm mức ảnh hưởng của cựu tổng bí thư đảng họ Giang.
Trong thời gian ông Hồ Cẩm Đào đọc dự thảo báo cáo chính trị kéo dài 100 phút, ông ngồi ở hàng ghế đầu dành cho các nhà lãnh đạo đảng, lưng thẳng đứng mặc dù năm nay đã 86 tuổi, mái tóc nhuộm màu hạt dẻ. Thỉnh thoảng, ông vỗ tay tán thưởng.
Đại hội ĐCSTQ 18 kết thúc với 7 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, trong đó theo các nhà quan sát phương Tây, hết 5 người là “học trò” của ông Giang Trạch Dân. Cũng có nghĩa là di sản chính trị của ông sẽ được tiếp tục phát triển theo phương hướng hơi khác thời ông Hồ Cẩm Đào.
Nhật báo Mỹ The New York Times dẫn nguồn tin nội bộ ĐCSTQ cho hay mục tiêu của cựu lãnh tụ họ Giang, người hoạt động sau hậu trường, là đưa Trung Quốc trở lại với các chính sách kinh tế hướng tới thị trường mà ông và những người ủng hộ ông cho rằng đã bị ngưng trệ dưới thời ông Hồ Cẩm Đào.
Ảnh hưởng của ông Giang Trạch Dân cũng có thể sẽ được thể hiện ở khuynh hướng thắt chặt mối quan hệ với phương Tây, tạo nhiều cơ hội hơn cho khu vực kinh tế tư nhân. Điều này khác với chính sách của ban lãnh đạo cũ cho phép các công ty quốc doanh thâu tóm của cải và quyền lực. Trong viễn cảnh đó, tờ Forbes đưa tên ông trở lại danh sách những người quyền lực nhất thế giới 2012 không có gì lạ.
Theo Người lao động
[links()]