“Pháo hạng nặng sẽ được đưa khỏi Donbass trong vòng 14 ngày“

Google News

(Kiến Thức) - Tuyên bố trong cuộc đàm phán Minsk nêu, việc kéo pháo hạng nặng ra khỏi vùng miền đông Ukraine sẽ sớm khởi động và kết thúc trong vòng 14 ngày.

“Điều quan trọng nhất đã đạt được đó là một lệnh ngừng bắn vô điều kiện (ở miền đông Ukraine) sẽ được công bố”, Tổng thống Ukraine Poroshenko phát biểu với báo giới sau khi kết thúc cuộc họp vào ngày 12/2.
Sau cuộc đàm phán kéo dài hơn 14 giờ của bốn lãnh đạo (gồm Tổng thống Putin, Tổng thống Pháp Hollande, Tổng thống Ukraine Poroshenko và Thủ tướng Đức Merkel), một văn kiện thống nhất đã được đưa ra.
“Phao hang nang se duoc dua khoi Donbass trong vong 14 ngay“
 4 lãnh đạo ngồi nghỉ giữa cuộc họp giải quyết khủng hoảng Ukraine.
Theo đó, một quyết định thỏa hiệp liên quan tới đường phân cách giữa lực lượng Kiev và phe ly khai đã đạt được trong hội nghị bàn tròn lần này. Theo lời Tổng thống Putin, quân đội Ukraine sẽ rút vũ khí hạng nặng tính từ đường chiến tuyến hiện thời. Trong khi đó, lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine sẽ rút vũ khí của họ từ đường phân định được các bên nhất trí trong Thỏa thuận ngừng bắn Minsk ký hồi tháng 9/2014.
Cùng với đó, văn kiện được đưa ra trong cuộc đàm phán theo thể thức Normandy còn nêu rằng, các khẩu pháo cỡ nòng 100 ly phải rút khỏi vùng an ninh ít nhất trong khoảng cách 50 Km, 70 Km đối với các giàn phóng tên lửa đa nòng loại bình thường và 100 km đối với các vũ khí hạng nặng tầm ngắn xa hơn như tên lửa đạn đạo Tochka-U.
Việc rút vũ khí hạng nặng phải được khởi động từ ngày Chủ nhật (tức ngày 15/2) và hoàn thành trong vòng 14 ngày. Cơ quan An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ giám sát lệnh ngừng bắn đó ở dưới mặt đất và sử dụng máy bay không người lái để giám sát trên không.
Văn kiện trên còn cho biết, dưới sự giám sát của OSCE, “tất cả các binh sĩ nước ngoài, vũ khí hạng nặng và lính đánh thuê” sẽ phải rút đi, còn “những nhóm vũ trang bất hợp pháp” sẽ bị tước vũ khí.
Tổng thống Putin trong buổi họp báo sau khi đàm phán Minsk kết thúc cho biết, thỏa thuận trên cũng lặp lại một số quan điểm được nêu trong thỏa thuận ngừng bắn hồi năm ngoái, bao gồm tiến trình cải cách chính trị ở Ukraine để đảm bảo duy trì tình trạng đặc biệt đối với các tỉnh ly khai và sự ổn định về tình hình kiểm soát biên giới.
Theo văn kiện đó, từ nay tới cuối năm 2015, Ukraine cần phải sửa đổi Hiến pháp để công nhận quy chế đặc biệt đối với hai tỉnh miền đông là Lugansk và Donetsk.
Các thành viên của cuộc họp theo thể thức Normandy, bao gồm Tổng thống Putin, Tổng thống Poroshenko, Tổng thống Hollande và Thủ tướng Merkel, ủng hộ việc đưa ra một tuyên bố chung sau cuộc đàm phán này.
Thanh Nga (theo RT)