Trong bài phát biểu tại thành phố Manchester, tân Thủ tướng Anh cảnh báo EU về điều khoản "rào chắn" nhằm duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland trong thỏa thuận Brexit mà hai bên đã ký kết dưới thời Thủ tướng Theresa May nhưng bị Quốc hội nước này bác bỏ trong cả 3 lần bỏ phiếu.
Theo điều khoản này, Anh sẽ ở lại liên minh thuế quan cho tới khi hai bên đạt được thỏa thuận mới nhằm tránh một đường biên giới hiện hữu giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland.
|
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại số 10 phố Downing ở thủ đô London ngày 24/7/2019. Ảnh: THX/ TTXVN |
Nhiều nghị sĩ Anh lo ngại điều khoản này sẽ ràng buộc Anh trong các quy định và các loại thuế của EU và khiến quốc gia này không thể đàm phán các thỏa thuận thương mại với các đối tác hậu Brexit hoặc quá trình đàm phán sẽ chịu sự giám sát của EU.
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng điều khoản này mang tính chia rẽ và cần phải được loại bỏ nếu hai bên muốn đạt được thỏa thuận Brexit. Khi được hỏi liệu điều khoản này có phải là điều duy nhất ông muốn thay đổi trong thỏa thuận hiện tại hay không, ông Johnson nhấn mạnh nếu điều khoản này bị loại bỏ hoàn toàn thì hai bên sẽ đạt được rất nhiều tiến triển. Ông cũng khẳng định có mối quan hệ rất thân thiện với các lãnh đạo EU. Tân Thủ tướng Anh cho biết chính sách tiếp cận của London lúc này không phải là thoát ly, xa rời hay chờ đợi EU tiến tới mà là nỗ lực giải quyết vấn đề và sẽ thực hiện chính sách này với tinh thần hữu nghị và hợp tác. Nhưng điều này sẽ không thể thực hiện nếu điều khoản "rào chắn" vẫn tồn tại đồng thời nhấn mạnh cần phải loại bỏ điều khoản này để hai bên đạt tiến triển.
Dù không muốn xảy ra kịch bản Brexit không thỏa thuận mà nhiều nhà đầu tư lo ngại sẽ gây ra cú sốc kinh tế cho các thị trường toàn cầu và làm tổn hại tới nền kinh tế thế giới, nhưng tân Thủ tướng Johnson cho rằng Anh cần chuẩn bị cho khả năng này. Vị lãnh đạo mới của nước Anh cũng cam kết đẩy nhanh tiến trình đàm phán các thỏa thuận thương mại hậu Brexit và triển khai các cảng tự do để thúc đẩy kinh tế.
Bên cạnh đó, tân Thủ tướng Anh cũng cho rằng Brexit là một cơ hội kinh tế to lớn nhưng đáng tiếc người tiền nhiệm Theresa May lại coi như một hình thái thời tiết ngược sắp ập đến. Theo ông, rời EU là một cơ hội kinh tế to lớn để thực hiện nhiều điều mà Anh đã không được phép tự quyết trong nhiều thập kỷ qua và rằng trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016, người dân bỏ phiếu ủng hộ rời EU không phải chỉ vì họ phản đối Brussels mà cả vì họ phản đối London. Ông cam kết trao thêm quyền hạn cho các cộng đồng địa phương cũng nhưng củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và kết nối băng tần rộng. Ông nhấn mạnh lấy lại quyền kiểm soát không chỉ là lấy lại quyền tự chủ từ EU mà còn là để cho các thành phố, các hạt và thị trấn có quyền tự quyết nhiều hơn
Những phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh các lãnh đạo EU sẽ làm việc với tân Thủ tướng Anh về vấn đề Brexit nhưng luôn khẳng định sẽ không mở lại đàm phán thỏa thuận đã đạt được dưới thời bà May. Trong khi đó, nhiều nhà ngoại giao EU cũng tin rằng Anh sẽ phải tổ chức bầu cử sớm.
*) Title do Kiến Thức biên tập lại
Mời độc giả xem thêm video về tân Thủ tướng Anh Boris Johnson (Nguồn: The Guardian)
Theo Lê Ánh/TTXVN