Tết của người nghèo: ‘Năm nay tôi mua được ít thịt xông khói’

Google News

Dù chỉ là vài miếng thịt xông khói nhưng đối với những người nghèo xa quê ở Trung Quốc, món quà đó thật ngọt ngào biết bao.

Tết Nguyên Đán là dịp để những người con xa quê trở về quê nhà, đoàn tụ với những người thân yêu. Sau một năm làm việc vất vả tại nơi đất khách quê người, có người kiếm được chút ít để về quê lo cho vợ cho con, nhưng cũng có người tới cả tiền mua vé tàu cũng chẳng có.
Dù phải sống xa quê, làm việc cực khổ nhưng nghĩ tới cảnh được đoàn tụ bên người thân, mua được chút quà nhỏ cho con cho cháu, ai ai cũng lâng lâng hạnh phúc. Đó chính là niềm vui giản đơn của người nghèo mỗi lần về quê ăn Tết. Họ tuy nghèo về vật chất, nhưng tình cảm lại dạt dào và luôn đong đầy.
 Một người đàn ông phì phèo điếu thuốc trong lúc chờ tàu.
Trong những người chờ đợi tàu ngày 2/2 tại nhà ga Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc, một công nhân 50 tuổi quê Hà Nam, rất háo hức trở về quê ăn Tết cùng người thân. Ông không chỉ vui vì được gặp gỡ, đoàn tụ cùng gia đình, mà còn vui vì năm nay mua được chút ít thịt xông khói về cho cháu nhỏ ở nhà.
Người đàn ông có mái tóc hoa tiêu, mặt đầy nếp nhăn chia sẻ: “Tôi đi làm xa nhà được 2 năm nhưng năm nào cũng về quê. Vợ con ở nhà kiếm sống qua ngày, tôi còn có một cháu trai 5 tuổi nữa. Về quê ăn Tết năm nay tôi có mang về cho cháu được một ít thịt xông khói”.
 Dù công việc khó khăn, vất vả, người đàn ông vẫn luôn giữ được nụ cười trên môi.
Nói đoạn, ông liền mở chiếc túi xách con con ra để “khoe” món quà nhỏ của mình. Người đàn ông trung niên còn nhớ rõ ràng từng đồng tiền mồ hôi nước mắt mà mình đã tiết kiệm được trong năm nay. Dù số tiền không lớn nhưng cũng đủ để trang trải phần nào chi phí sinh hoạt tại quê nhà.
Không chỉ những người ở tuổi ngũ tuần phải xa quê, bươn chải để kiếm sống mà ngay cả ông lão ngoài 70 tuổi này vẫn phải rời quê nhà để kiếm đồng ra đồng vào. Năm nay ông đã 74 tuổi, quê ở Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Cuộc sống quê nhà khó khăn nên ông đành phải tới Long Cương, Thâm Quyến, để làm việc.
Làm việc cả năm trời vất vả, lần này ông gồng gánh đồ đạc về quê ăn Tết. Hành lý chẳng có gì nhiều nhặn ngoài hai bọc đồ đựng trong bao tải rồi lồng qua quai gánh, gánh ra bến tàu.
Con đường về quê thật lắm gian nan, vất vả. Đôi khi làm cả năm trời, họ cũng chỉ đủ tiền mua vé tàu về quê ăn Tết chứ cũng chẳng có quà cáp gì mang về nhà. Đối với họ, đoàn tụ với người thân là món quà vô giá nhất mà họ nhận được trong dịp năm mới. Vì vậy, dù có chật vật với ốm đau và chờ đợi hàng tiếng đồng hồ tại ga tàu họ vẫn chấp nhận.
Người đàn ông trẻ tuổi và đứa con nhỏ của anh cũng vậy. Thời tiết tại Giang Tây đang rất lạnh, đứa con trai bé bỏng lại ốm và ho từng cơn, nhưng để sum vầy bên gia đình anh vẫn khăn gói, ôm con về quê.
Vậy đấy, Tết Nguyên Đán mỗi năm chỉ có một lần. Đối với người nghèo, đâycòn là dịp duy nhất trong năm để họ trở về quê đoàn tụ với người thân. Vì vậy, dù khó khăn, vất vả bao nhiêu, họ đều vượt qua được.
Theo Hà Phương/Saostar