Thái áp dụng luật an ninh đặc biệt

Google News

(Kiến Thức) - Biển người biểu tình chống chính phủ Thái hôm qua xông vào chiếm giữ 2 bộ quan trọng tại Bangkok, buộc nữ Thủ tướng Yingluck phải áp dụng luật an ninh đặc biệt.

Luật an ninh đặc biệt đã có hiệu lực tại một số khu vực ở thủ đô Bangkok và được gọi là Đạo luật An ninh Nội địa. Luật này cho phép cảnh sát các quyền hạn bổ sung để chặn các tuyến đường, áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập và quyền lục soát.
Động thái táo tợn của những người biểu tình phản ánh nỗ lực lật đổ chính phủ. Đây là cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn nhất kể từ năm 2010 sau các cuộc đàn áp quân sự đẫm máu nhằm vào người biểu tình khiến hơn 90 thường dân Thái Lan thiệt mạng.
Trước diễn biến mới, giới quan sát quan ngại, Thái Lan sẽ lại một lần nữa rơi vào tình trạng bạo lực đường phố vốn đã nhiều phen chấn động bởi tình trạng bất ổn chính trị kể từ sau cuộc đảo chính lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin – anh trai bà Yingluck năm 2006.
Trước đó, hàng chục nghìn người biểu tình phản đối chính phủ của bà Yingluck đã diễu hành qua trụ sở hàng chục cơ quan nhà nước ở Bangkok, bao gồm các căn cứ quân sự, cảnh sát và một số đài truyền hình lớn.
Hàng trăm người biểu tình đã bao vây trụ sở Bộ Tài chính và sau đó xông vào trụ sở Bộ Ngoại giao. An ninh ở 2 bộ này bị đánh giá là khá lỏng lẻo.
Người biểu tình đã phá vỡ các cổng vào Bộ Ngoại giao và chiếm một phần trụ sở, sau đó yêu cầu tất cả các công chức ra về và không được quay trở lại làm việc vào ngày hôm sau (tức hôm nay 26/11), một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết.
Hiện vẫn chưa có dấu hiệu rõ rang chứng tỏ chính phủ đang nỗ lực chuẩn bị để trục xuất đám đông người biểu tình khỏi các Bộ dù bà Yingluck đã quyết định áp đặt Luật An ninh Nội địa trong toàn thủ đô. Người biểu tình chống chính phủ đã ở lại trụ sở các Bộ qua đêm.
"Dù cương quyết thực thi luật an ninh đặc biệt, chính phủ cũng sẽ không sử dụng vũ lực để chống lại người dân. Chính phủ kêu gọi người dân không tham gia biểu tình bất hợp pháp và tôn trọng pháp luật", bà Yingluck tuyên bố.
Trong khi đó, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban mạnh mẽ kêu gọi chiếm đóng "tất cả các cơ quan chính phủ" trong ngày hôm nay.
Người biểu tình cũng kêu gọi sự tham gia của quân đội trong một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Yingluck. Thái Lan đã xảy ra 18 cuộc đảo chính và nỗ lực đảo chính kể từ khi thiết lập chế độ quân chủ lập hiến năm 1932.
Bắt đầu từ hôm chủ nhật (24/11) 180.000 người biểu tình đối lập đã tràn ra khắp các đường phố Bangkok, hô to các khẩu hiệu kêu gọi lật đổ chính phủ. Trong khi đó, hàng nghìn người ủng hộ chính phủ "Áo đỏ" cũng tập trung tại một sân vận động bóng đá ở ngoại ô Bangkok để ủng hộ chính phủ của bà Yingluck và ông Thaksin.
Các cuộc biểu tình đường phố quy mô được xem là những thách thức to lớn nhất đối với nữ Thủ tướng Yingluck kể từ khi lên nắm quyền chèo lái Thái Lan năm 2011. Nữ Thủ tướng Yingluck hôm qua tuyên bố trước báo giới, bà sẽ không từ chức hay giải tán quốc hội bất chấp các áp lực. Song một số nhà quan sát nhận định, bà đang ngày càng khó kiểm soát tình hình.
Bạch Dương (theo CNA)